Cả nước còn hơn 1,15 triệu người mắc COVID-19 đang điều trị, giám sát
Theo Bộ Y tế, ngày 8/6 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 913 ca nhiễm mới đều ở trong nước (giảm 47 ca so với ngày trước đó) tại 43 tỉnh, thành phố (có 716 ca trong cộng đồng). Hà Nội nhiều nhất với 187 ca. Đây là ngày thứ hai, Hà Nội ghi nhận số mắc COVID-19 dưới 200 ca/ngày. Tại 46 tỉnh, thành còn lại khác, số mắc COVID-19 từ 1 đến 67 ca, trong đó có 22 địa phương ghi nhận dưới 10 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.727.918 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.333 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.720.156 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.602.206), TP. Hồ Chí Minh (609.595), Nghệ An (484.904), Bắc Giang (387.602), Bình Dương (383.788).
Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh tại Việt Nam là: 9.531.653 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.153.184 trường hợp, trong đó có 78 trường hợp nặng đang điều trị, trong đó: thở ô xy qua mặt nạ: 68; thở ô xy dòng cao HFNC: 4; thở máy không xâm lấn: 1; thở máy xâm lấn: 5.
Virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm; tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, thực hiện hiệu quả việc quản lý rủi ro các đối tượng nguy cơ cao
Theo Bộ Y tế, trên thế giới, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia và tại khu vực châu Mỹ, châu Phi và Tây Thái Bình Dương. Các biến thể, biến thể phụ đáng lo ngại mới vẫn tiếp tục xuất hiện với tốc độ lây lan nhanh.
Virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng và tử vong. Hiện Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng. Có thể xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương; đối tượng cảm nhiễm có thể còn khá lớn...
Tại Việt Nam, dịch COVID-19 vẫn đang được cơ bản kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước. Vì vậy, Bộ Y tế khẳng định tiếp tục coi vaccine là "vũ khí chiến lược", là yếu tố quyết định, nền tảng trong phòng, chống dịch COVID-19; đẩy mạnh tiêm vaccine mũi 3 cho đối tượng được chỉ định tiêm trong quý II/2022; hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 12-18 tuổi; đẩy nhanh tiến độ tiếp nhận và phân bổ vaccine cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi, hoàn thành việc tiêm chủng trong quý II/2022 để bảo đảm an toàn cho trẻ trong kỳ nghỉ hè và chuẩn bị cho năm học mới.
Các địa phương từng bước tự chủ về thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, vật tư y tế để chuẩn bị cho tình huống mọi tình huống dịch bệnh; tiếp tục thực hiện hiệu quả việc quản lý rủi ro nhất là đối với các đối tượng nguy cơ cao (người cao tuổi, bệnh nền, trẻ em…); chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!