Nhặt được của rơi tạm thời "về đã"
Chia sẻ câu chuyện của mình, anh N.T. Đạt (SN 1992) ở phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội cho biết, vào khoảng 11h30 phút ngày 21/5, anh Đạt có vào quán cafe KAFA trên địa bàn quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội mua một cốc cafe mang đi. Trong lúc ngồi chờ lấy cafe anh Đạt để ví tiền xuống ghế ngồi, do có việc gấp, khi đứng dậy anh Đạt đẫ để quên chiếc ví tại quán.
Theo camera an ninh của quán cafe ghi lại, cạnh chỗ ngồi của anh Đạt có 2 người đàn ông, sau khi nhìn thấy chiếc ví, một trong số 2 người đàn ông đã đứng dậy, đi đến và lấy chiếc ví. Sau đó 2 người đàn ông đứng dậy và rời đi.
Chiếc ví anh Đạt quen tại quán cafe KAFA.
Một trong 2 người đàn ông ngồi cạnh đã tiếp cận chiếc ví.
Mở ví kiểm tra bên trong.
Sau đó 2 người thanh toán ra về.
Anh Đạt chia sẻ: "Trong ví của tôi có khoảng gần 9 triệu đồng, tôi vừa rút từ ATM về để đóng học cho con, cùng với tất cả giấy tờ tùy thân. Sau khi biết bị mất ví tại quán cafe, tôi đã liên hệ với Công an phường Dịch Vọng Hậu để trình báo, hy vọng có thể tìm lại giấy tờ nhưng hiện tại phía Công an thông báo không thể tìm lại. Chiếc bằng lái ô tô hạng B2 là thứ rất quan trọng với người làm nghề lái xe như tôi".
Tin nhầm "kẻ gian"
Với mong muốn tìm lại được bằng lái ô tô để có thể tiếp tục công việc hàng ngày. Anh Đạt đã đăng thông tin tìm kiếm trên các trang mạng xã hội như: " Hà Nội Tìm Trả Đồ Thất Lạc"; "Rơi Giấy Tờ - Nhặt Được Của Rơi Trả Lại Người Đánh Mất". Đây là các trang Fanpage có rất nhiều người theo dõi với nội dung chia sẻ thông tin của những người làm thất lạc đồ vật cá nhân và những người nhặt được đồ vật thất lạc trả lại cho người mất.
Với mong muốn tìm lại được tài sản, anh Đạt đã đăng tải thông tin tìm kiếm trên mạng xã hội.
Chỉ sau khi đăng bài tìm kiếm khoảng 2 - 3 giờ, anh Đạt đã nhận được tin nhắn của một tài khoản Facebook mang tên N.S. Người này nói với anh Đạt rằng có nhặt được một chiếc ví bên trong có căn cước công dân, bằng lái ô tô hạng B2, bằng lái xe hạng A1, đăng ký xe ô tô và một thẻ ra vào cơ quan mang tên Nguyễn Tuấn Đạt. Khi anh Đạt mong muốn người này chụp ảnh lại giấy tờ tùy thân để xác nhận nhưng người này không đồng ý và không trả lời tin nhắn của anh Đạt.
Chỉ sau 2 - 3 giờ đăng thông tin, một tài khoản FB đã liên hệ với anh Đạt.
Một lúc sau, anh Đạt nhận được tin nhắn từ số điện thoại 0987950XXX với nội dung: "Nguyễn Tuấn Đạt cccd, bằng lái A1, ô tô B2, the ra vào cổng....". Anh Đạt có trao đổi rằng mong muốn có thể lấy lại giấy tờ tùy thân và sẽ có chi phí để cảm ơn người nhặt được.
Người dùng số điện thoại này đã trả lời rằng: "Tôi gửi stk này, cho bao nhiêu thì tùy lòng, giờ chuyển, tôi cho người cầm đến luôn. TK 07012738XXXX saXXXbank nguyen tuan s. chuyen xong bao toi biết, tôi cho người cầm đến trả luôn, thế nhé".
Vì quá sốt ruột tìm lại được đồ vật thất lạc, anh Đạt đã lập tức chuyển số tiền 250.000 đồng vào số tài khoản trên, nhưng sau đó anh đã thất vọng vì người này đã không liên lạc lại trả lại giấy tờ cho mình như đã hứa.
Thông tin thêm với phóng viên Thời Báo VTV, anh Đạt cho hay, sau khi bị cắt liên lạc, anh đã lên Facebook tìm kiếm thông tin của số điện thoại kể trên thì được biết có rất nhiều tài khoản khác trong quá trình tìm kiếm đồ thất lạc cũng được số điện thoại này liên hệ với nội dung muốn nhận lại tài sản thì chuyển khoản và sau đó hoàn toàn "biến mất".
Sau khi tìm kiếm thông tin, anh Đạt phát hiện có rất nhiều tài khoản tố cáo số điện thoại trên lừa đảo.
Qua đó có thể thấy các trang thông tin tìm kiếm đồ thất lạc là một kênh rất quan trọng để những người không may làm "mất đồ" có thể tìm lại được tài sản của mình. Thế nhưng mọi người cũng cần phải hết sức thận trọng, đề phòng những kẻ xấu, lơi dụng tâm lý "nóng vội" của những người đang mong tìm lại đồ thất lạc để lừa đảo.
Nhặt được của rơi phải làm thế nào
Về việc nếu phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên thì phải làm thế nào, phóng viên Thời báo VTV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.
Luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.
Luật sư Kiều cho biết, theo quy định của Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015, nếu phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên thì có hai cách xử lý:
Trường hợp biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo và trả lại tài sản cho người đó đánh rơi hoặc bỏ quên đó.
Trường hợp không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo và giao nộp cho Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc công an xã nơi gần nhất để cơ quan này tiến hành thủ tục thông báo công khai cho chủ sở hữu biết để người đánh rơi hoặc bỏ quên nhận lại.
Trường hợp nhặt được của rơi hoặc đồ bỏ quên nhưng cố tình không chịu trả lại cho người bị mất thì tùy vào mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:
Theo Điểm e, Khoản 2, Điều 15, Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì người nhặt được của rơi hoặc đồ để quên của người khác mà không trả lại có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng do đã có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.
Theo Điều 176 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, việc nhặt được của rơi hoặc đồ để quên mà không trả người đánh mất thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự, bị xử phạt đến 5 năm tù.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!