Khoảng 10 năm về trước, người lao động đi làm việc ở nước ngoài mục đích chủ yếu để làm kinh tế. Mấy năm gần đây, kinh tế trong nước phát triển, nhiều khu công nghiệp ra đời nên người lao động ra nước ngoài làm việc còn hướng tới mục đích học tập, tiếp thu kiến thức mới để về khởi nghiệp hoặc làm việc trong các công ty lớn tại Việt Nam. Tận dụng được nguồn lao động này sẽ bổ sung cho điểm yếu của nhân lực trong nước hiện nay.
Người lao động làm việc đúng ngành khi trở về
Sang Nhật Bản làm việc với tấm bằng cao đẳng nghề cơ khí, anh Trương Văn Lĩnh may mắn được nhận vào nhà máy đúng chuyên ngành đã học. Trở về sau 2 năm, số tiền dành dụm mấy trăm triệu chỉ đủ để anh sửa sang lại căn nhà cho cha mẹ ở quê. Nhưng kiến thức, kinh nghiệm đã giúp anh có được việc làm trong một công ty Nhật tại Việt Nam. Hiện giờ, anh làm tổ trưởng của tổ bảo dưỡng hơn 20 người.
Cũng giống như anh Lĩnh, trở về sau thời gian làm việc ở nước ngoài, anh Trụ đã đầu quân cho một công ty Nhật. Đã được rèn luyện kỹ năng, tác phong công nghiệp cộng với vốn ngoại ngữ kha khá nên anh có cơ hội thăng tiến nhanh.
Tình trạng thiếu lao động kỹ thuật ở các nhà máy đang rất phổ biến nên cơ hội cho những lao động đã từng làm việc ở nước ngoài trở về rộng mở hơn bao giờ hết. Các công ty cũng ưu tiên tuyển chọn nhưng lao động này vì khả năng hòa nhập nhanh, không cần đào tạo lại.
Anh Lĩnh, anh Trụ chỉ là hai trong nhiều trường hợp đi nước ngoài về có tay nghề vững vàng, làm việc đúng chuyên ngành, mua được nhà và cuộc sống khá sung túc.
Mỗi năm có hàng chục nghìn lao động Việt Nam ở nước ngoài trở về. Nếu đưa những lao động này trở lại thị trường lao động đúng chỗ thì đây chính là nguồn lực để đất nước bứt phá nhanh.
Giới thiệu việc làm cho người lao động trở về
Tại phiên giao dịch việc làm tại Bắc Ninh với chuyên đề giới thiệu việc làm cho những người đi làm việc ở nước ngoài trở về, hầu hết những lao động này tuổi đời không còn trẻ nhưng bù lại họ có kỹ năng, kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài, ít nhất là 2 năm.
Dù sản xuất đang chững lại do thiếu đơn hàng nhưng các công ty tại khu công nghiệp Bắc Ninh vẫn cần tuyển lao động kỹ thuật. Như Công ty Incentex Việt Nam đang cần tuyển 50 lao động có tay nghề cơ khí, các ứng viên phải mô tả công việc mà mình đã làm ở nước ngoài bằng chính thứ tiếng nước đó.
Những lao động đã từng làm việc tại nước ngoài nếu chịu khó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng tay nghề thì khi về nước sẽ có lợi thế để tìm việc. Rất nhiều công ty trong các khu công nghiệp là của Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… là những nước có đông lao động người Việt sang làm việc. Đây cũng là thuận lợi cho các lao động khi trở về tìm được môi trường làm việc tương đồng, phù hợp.
Còn khá nhiều lao động phổ thông chịu khó học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm khi làm việc ở nước ngoài nhưng để có được việc làm tốt khi trở về họ vẫn cần bổ sung một số văn bằng, chứng chỉ đào tạo tay nghề. Hỗ trợ đào tạo lại tay nghề cho người lao động trở về cũng là một trong những nội dung mà Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước đang thực hiện. Giới thiệu, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về có việc làm không chỉ giúp tận dụng nguồn nhân lực có chất lượng mà còn là giải pháp quan trọng giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp tại các thị trường ngoài nước.
Chiến lược mới đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài
Mấy năm nay, thu nhập của lao động có tay nghề trong nước cũng tăng lên đáng kể. Những người có thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng không phải là hiếm. Vì vậy, việc đưa người đi làm việc ở nước ngoài cần có chiến lược mới, đó là đi để học hỏi kỹ năng làm việc, khắc phục một phần điểm nghẽn về nhân lực hiện nay là thừa lao động phổ thông nhưng thiếu lao động kỹ thuật.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!