An toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu
Nhiều địa phương trên cả nước bước vào tuần lễ triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. Trong giai đoạn đầu tiên triển khai, công tác tiêm phòng được thực hiện cho trẻ ở khối lớp 6 trước và sau đó sẽ giảm dần độ tuổi. Với tiêu chí an toàn đặt lên hàng đầu, Tất cả trẻ đều được trải qua các bước khám sàng lọc, tiêm và theo dõi 30 phút sau tiêm.
Việt Nam hiện có 11,8 triệu trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi thuộc đối tượng tiêm vaccine COVID-19. Trong số này, khoảng 8,2 triệu trẻ chưa mắc COVID-19 sẽ được tiêm đủ 2 mũi vaccine trong quý II. Khoảng 3,6 triệu trẻ đã mắc COVID-19 sẽ được tiêm vaccine sau khi khỏi bệnh 3 tháng.
Hai loại vaccine được tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi lần này là Pfizer và Moderna, với liều tiêm khác nhau. Để tránh nhầm lẫn vaccine cũng như liều dùng, cán bộ tiêm chủng đã được tập huấn về liều dùng từng loại vaccine và kỹ thuật tiêm cho trẻ.
Việc tiêm sẽ tiến hành tại các trường học, tiêm cho học sinh lớp 6 trước, rồi hạ thấp dần độ tuổi. Đối với những trẻ có bệnh mãn tính, dị ứng độ 3 sẽ được tiêm tại các bệnh viện, trung tâm y tế.
PGS. TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: "Các bé đã được tiêm loại vaccine nào sẽ được tiêm đúng loại vaccine đó để đảm bảo an toàn tiêm chủng. Với cách thức như vậy chúng tôi sẽ có cách hướng dẫn từng đợt vaccine phân bổ và trong quá trình phân bổ chúng tôi sẽ có hướng dẫn vaccine tiêm cho đối tượng nào. Khi tổ chức tại các trưởng cũng theo hình thức cuốn chiếu theo khối lớp".
Vì có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước nên cha mẹ học sinh và học sinh khi đi tiêm đều cảm thấy an tâm và mong muốn con được tiêm để phòng ngừa bệnh COVID-19.
Trẻ đã mắc COVID-19 có nên tiêm vaccine và tiêm khi nào?
Về tình hình tiêm chủng cho trẻ đến nay, GS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết trong chương trình Vấn đề hôm nay: "Việc tập huấn, xây dựng kế hoạch đã được thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế từ rất sớm, đặt an toàn tiêm chủng lên trên hết, đã cung ứng cho 63 tỉnh, thành phố. Chúng ta triển khai từ lớp lớn. Nhiều tỉnh thành phố đã tiêm và từ tuần này là toàn bộ 63 tỉnh thành phố".
Về vấn đề phản ứng sau tiêm, GS. Phan Trọng Lân nhấn mạnh, phản ứng đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi chủ yếu là nhẹ và sẽ khỏi sau vài ngày. Một số trường hợp hiếm là biến chứng về viêm cơ tim.
"Vaccine đã giảm liều so với người lớn. Qua đánh giá, tỷ lệ phản ứng thấp hơn so với độ tuổi 12 đến dưới 18. Thực tế trong thời gian qua, chúng ta đã tiêm cho lứa tuổi 12 đến dưới 18 an toàn và nhận được sự chấp nhận của cộng đồng trong vấn đề tiêm chủng" - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết.
Đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội đến kiểm tra công tác tiêm chủng tại điểm tiêm trường THCS Lê Quý Đôn, quận Hà Đông. Ảnh: TTXVN
Tại Việt Nam, có khoảng 30% phụ huynh chưa đồng ý cho con tiêm phòng vaccine COVID-19. Vẫn còn những lo ngại về phản ứng phụ có thể xảy ra với trẻ em, cả trước mắt và lâu dài.
GS. Phan Trọng Lân cho biết, cần nhìn nhận giữa lợi ích và rủi ro: "Trên thế giới, việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi chủ yếu là các nước tiêm chủng nhiều. Thời gian qua, việc tiêm cho trẻ 12 đến dưới 18 tuổi cũng có ông bố, bà mẹ băn khoăn nhưng sau đó được tuyên truyền, vận động và đạt tỷ lệ tiêm mũi 1 gần 100%, mũi 2 là 95% trở lên. Cần tuyên truyền một cách tỉ mỉ, kiên trì thì chắc chắn chúng ta cũng đạt tỉ lệ tương tự".
Khoảng 3,6 triệu trẻ đã mắc COVID-19 sẽ được tiêm vaccine sau khi khỏi bệnh 3 tháng. Theo GS. Phan Trọng Lân, câu hỏi "Mắc rồi có tiêm hay không?" cũng được đặt ra ở các nước tiên tiến. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo là trong vòng 3 tháng.
Thực tiễn tại Việt Nam đang triển khai chiến dịch tiêm số lượng lớn trong một thời gian ngắn đáp ứng an toàn tiêm chủng. Như vậy, đến khoảng tháng 5-6 sẽ tiêm hết cho các đối tượng chưa mắc, chưa có miễn dịch. Đối với trẻ đã mắc sẽ lùi lại một thời gian.
"An toàn là trên hết. Sau 3 tháng sau khi mắc trẻ sẽ hết các biểu hiện đã có, Vấn đề nhất quán là cần tiêm kể cả sau khi mắc bệnh" - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết nhấn mạnh.
GS. Phan Trọng Lân hy vọng, các phụ huynh dược sự tư vấn đầy đủ và tuyên truyền cho các phụ huynh khác đưa con đi tiêm chủng sẽ mang lại lợi ích lớn. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, nếu tiêm cho lứa tuổi này đầy đủ sẽ phòng được 10-12% trường hợp nhập viện và tử vong của tất cả các lứa tuổi. Đối với Việt Nam là nước nhiệt đới, việc tiêm chủng cũng hạn chế số ca mắc, tránh gánh nặng của các bệnh khác.
Thời gian vừa qua, trẻ em dưới 18 tuổi mắc chiếm 19,3%, trong đó nổi cộm lên là lứa tuổi 5-11 chiếm đến 8%, Đây là nhóm chưa được tiêm chủng.
Việc hoàn thành tiêm chủng cho hơn 11 triệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, để các em sớm trở lại trường học và vui chơi bình thường như trước đại dịch. Được tiêm chủng đầy đủ là quyền của trẻ nhỏ, không chỉ cho tương lai các em mà cho tương lai của cả xã hội. Đây cũng giống như "mảnh ghép" cuối cùng, rất quan trọng để thực sự đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai tiêm cho trẻ từ 5 - 11 tuổi
Trên thế giới, việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi đã được nhiều nước tiến hành từ cuối năm ngoái. Phần lớn các nước đều khẳng định so với người lớn, trẻ em ít bị phản ứng phụ do vaccine ngừa COVID-19 hơn. Việc tiêm vaccine góp phần quan trọng đảm bảo an toàn cho trẻ em và giúp các nước trở lại cuộc sống bình thường.
Hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai tiêm cho trẻ từ 5 - 11 tuổi, trong đó một số quốc gia đã triển khai tiêm từ năm ngoái.
Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến nghị sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer với liều lượng 10 microgram để tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, tương đương 1/3 liều dùng cho người từ 12 tuổi trở lên.
Kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy không có mối lo ngại nào về an toàn khi tiêm vaccine của Pfizer cho nhóm tuổi trên và vaccine hiệu quả tới 90,7% trong việc ngăn ngừa nguy cơ mắc COVID-19.
Ngoài vaccine của Pfizer, Australia là một trong những quốc gia đầu tiên phê duyệt sử dụng vaccine của Moderna cho trẻ dưới 12 tuổi, sau khi kết quả thử nghiệm lâm sàng đối với trẻ trong độ tuổi từ 6-11 cho thấy trẻ có lượng kháng thể tương đương với nhóm tiêm phòng COVID-19 trong độ tuổi từ 18-25. Tỷ lệ trẻ có kháng thể sau tiêm lên tới 99%. Hiện Canada và EU cũng đã cấp phép sử dụng vaccine của Moderna cho độ tuổi trên.
Trong khi Trung Quốc, Campuchia, Indonesia và một số nước châu Mỹ sử dụng vaccine bất hoạt của hãng Sinovac và Sinopharm (Trung Quốc) tiêm cho nhóm trẻ dưới 12 tuổi.
Sau 1 thời gian triển khai tiêm ở nhiều nước trên thế giới, kết quả cho thấy trẻ em từ 5-11 tuổi thường ít có phản ứng phụ sau khi tiêm và tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh.
Ngoài ra, vaccine cũng bảo vệ trẻ không bị di chứng COVID-19 kéo dài.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ khuyến nghị bố mẹ vẫn nên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi ngay cả khi đã mắc bệnh. Nếu đang nhiễm bệnh, các bậc phụ huynh cần chờ đến khi trẻ khỏi hoàn toàn rồi tiêm chủng cho con.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!