Chiều 16/6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Bên cạnh việc đồng tình cao với nội dung Dự luật, một số ý kiến cũng góp ý về tính khả thi và lộ trình thực hiện của đề xuất bỏ quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu và đề xuất việc bỏ các quy định riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương.
Nhất trí với đề xuất thay sổ hộ khẩu bằng số định danh cá nhân nhưng đại biểu Quốc hội nhấn mạnh việc thực hiện phải có lộ trình. Đại biểu Quốc hội Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) cho biết, nếu dự thảo Luật được thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2021. Theo lộ trình dự kiến, đến tháng 12/2020, toàn bộ công dân Việt Nam sẽ được cấp số định danh cá nhân.
Đại biểu Quốc hội Ngàn Phương Loan- Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu
Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai Luật Căn cước công dân, đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân. Từ nay đến thời gian đó không còn dài, cùng với những yêu cầu và khó khăn của công tác này, đại biểu đề nghị ban soạn thảo làm rõ tính khả thi của việc cấp số định danh cá nhân theo lộ trình, để khi luật có hiệu lực thi hành thì bảo đảm luật được tổ chức, triển khai trong cuộc sống.
Đại biểu Ngàn Phương Loan cũng cho rằng cần điều khoản chuyển tiếp đối với một số vùng đặc thù có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các quy định mới như vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn đặc biệt khó khăn. Bởi ở những vùng này, việc chuyển đổi từ sổ hộ khẩu sang số định danh cá nhân có thể cần nhiều thời gian.
Đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch (Bắc Giang) cũng cho rằng, đến tháng 6/2021 cơ sở dữ liệu về dân cư quốc gia mới hoàn thành và vận hành bình thường. Trong khi đó, cấp số định danh cá nhân dự kiến kết thúc vào tháng 12/2010, việc cấp căn cước công dân vẫn song hành với việc cấp chứng minh thư nhân dân 9 số ở 47 tỉnh, thành không chỉ có sự vênh nhau về thời gian mà còn chưa đồng bộ về các cơ sở dữ liệu.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, đề xuất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương cần được đánh giá kỹ lưỡng hơn với các tác động kinh tế - xã hội.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng Bế Minh Đức (Ảnh: TTXVN )
Đại biểu Quốc hội Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho rằng: "Việc bỏ rào cản đăng ký vào các thành phố trực thuộc Trung ương của luật hiện hành sẽ đảm bảo tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân tuy nhiên cần có quy định để đảm bảo việc đáp ứng cơ sở hạ tầng, dịch vụ thiết yếu của đô thị lớn"
Trong khi đó đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng: "Bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân nhưng cũng phải đảm bảo hài hòa các yếu tố về hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, môi trường, chất lượng cuộc sống của người dân được quy định tại các điều của Luật Thủ đô. Như vậy, mục tiêu khi ban hành Luật Thủ đô sẽ không thực hiện được".
Trước đó, với đại đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi) và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!