Anh Paul Christiansen (người Mỹ) cho biết: "Tôi đã rất sửng sốt khi biết có bao điều ẩn phía sau một khung cảnh bình thường ở thành phố này mà tôi chẳng hề biết. Người chủ nhà đã mở xưởng làm đồ nội thất và bán hàng cho quân địch nhằm gây quỹ cho cách mạng. Đây là một trong những sản phẩm đó. Nhưng sự tài tình còn ở chỗ những tấm đệm thế này không chỉ mang lại tiền hay tạo ra lý do cho ông ra vào các cơ quan của địch để trinh sát. Thực chất, giấu sẵn bên trong đệm còn là những vũ khí dành cho các trận đánh trong lòng địch của biệt động Sài Gòn".
Chủ nhân của ngôi nhà này là chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai. Dưới vỏ bọc là một chủ thầu khoán tại Dinh Độc Lập, ông Lai đã không chỉ dùng 1 căn nhà mà rất nhiều chỗ ở trong thành phố để vừa kinh doanh che mắt địch vừa làm cơ sở cách mạng. Tại quận 3, ông còn có một ngôi nhà nay đã trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngôi nhà sở hữu một hầm ngầm bí mật được thiết kế để chứa vũ khí phục vụ kháng chiến. Phải mất 7 tháng trời làm việc liên tục hai vợ chồng ông mới xây xong căn hầm này.
Điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình "Theo dấu chân biệt động Sài Gòn" của anh Paul và các bạn mình là một ngôi nhà gỗ đã gần 80 tuổi. Đây từng là một trạm giao liên của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn, được hoạt động khéo léo dưới danh nghĩa một tiệm cơm. Tại đây, họ được phục vụ một món ăn do chính những người lính biệt động năm xưa nghĩ ra.
Bắt đầu từ năm 2020, đến nay, tour du lịch "Theo dấu chân biệt động Sài Gòn" ngày càng thu hút nhiều người Việt Nam và nước ngoài. Hiểu được lịch sử để trân trọng hiện tại, đó là điều mà khách tham quan sẽ ghi nhớ về hành trình này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!