TP Hồ Chí Minh: 21 quận - huyện, TP Thủ Đức đề nghị được công bố kiểm soát dịch

Tạ Hiển-Thứ hai, ngày 11/10/2021 21:15 GMT+7

Ảnh minh họa: Đường Sách TP Hồ Chí Minh mở cửa đón khách trở lại (Dân trí)

VTV.vn - Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải đã nêu ra 5 mặt được và 3 hạn chế sau 10 ngày thực hiện Chỉ thị 18 của UBND TP Hồ Chí Minh tại buổi họp báo chiều 11/10.

5 mặt được và 3 hạn chế sau 10 ngày thực hiện Chỉ thị 18

Chiều 11/10, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP 24 giờ qua. Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Đánh giá 10 ngày thực hiện Chỉ thị 18 của UBND TP Hồ Chí Minh, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết, có 5 mặt được:

- Đa số người dân nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới;

- Ngày càng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, chợ truyền thống được hoạt động trở lại, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động;

- Công tác an sinh tiếp tục triển khai đến người dân;

- Công tác phòng, chống dịch ngày càng đạt nhiều kết quả tốt. Cụ thể, nếu ngày 7/10 có 19/22 quận - huyện, TP Thủ Đức đề nghị được công bố kiểm soát dịch thì đến hôm nay (11/10) có 21/22 quận - huyện, TP Thủ Đức được đề nghị công bố được kiểm soát dịch theo Quyết định 3919 của Bộ Y tế;

- Tình hình an ninh trật tự được duy trì, đảm bảo.

TP Hồ Chí Minh: 21 quận - huyện, TP Thủ Đức đề nghị được công bố kiểm soát dịch - Ảnh 1.

Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết có 5 mặt được và 3 hạn chế sau 10 ngày thực hiện Chỉ thị 18 của UBND TP (Ảnh: Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh)

Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cũng chỉ ra 3 hạn chế:

- Vẫn còn một bộ phận người dân vi phạm quy định về yêu cầu 5K, nhất là việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách;

- Số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại chưa nhiều;

- Tình hình đi lại của người dân TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh thành vẫn còn khó khăn.

Theo đó, tại cuộc họp, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục hỗ trợ đồng hành cùng TP qua việc tập trung tuyên truyền sâu rộng để người dân thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị 18 của UBND TP Hồ Chí Minh; thích ứng, an toàn với cuộc sống ở trạng thái bình thường mới nhưng tuyệt đối không chủ quan, lơ là vì F0 vẫn còn trong cộng đồng.

Đồng thời, cảnh giác hơn về vấn đề an ninh trật tự. Thông tin thêm về vấn đề này, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết 10 ngày qua (1/10 – 10/10), trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xảy ra 70 vụ phạm pháp hình sự, CATP đã khám phá 48 vụ và bắt 54 đối tượng; 46 vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông làm chết 17 người, bị thương 20 người (nguyên nhân chạy không đúng tốc độ quy định); 11 vụ cháy làm chết 01 người, bị thương 4 người.

Xây dựng phương án đưa người lao động trở lại TP Hồ Chí Minh

Phó Giám đốc Sở GTVT Phan Công Bằng cho biết, hiện tại, nhu cầu xe ôm công nghệ vẫn chưa cao. Tuỳ theo diễn biến tình hình dịch bệnh, Sở GTVT và Sở Công Thương sẽ xem xét, báo cáo UBND TP xây dựng lộ trình hoạt động trở lại của mô hình này.

Về tình hình thi công trở lại các dự án giao thông trọng điểm, ngoài một số dự án thi công trong đợt dịch, sau ngày 1/10 TP có 27 dự án trọng điểm quay lại hoạt động với khoảng 1.100 kĩ sư, công nhân, người lao động. Theo đánh giá, số lượng công nhân cơ bản đáp ứng nhu cầu, tiến độ. Để giải quyết các vướng mắc trong việc thi công trở lại, cuối tháng 9/2021, Sở GTVT đã phối hợp các Sở, ngành, chủ đầu tư đưa ra phương án tháo gỡ một số khó khăn, trong đó có việc vận chuyển vật liệu xây dựng từ các địa phương khác đến TP Hồ Chí Minh.

TP Hồ Chí Minh: 21 quận - huyện, TP Thủ Đức đề nghị được công bố kiểm soát dịch - Ảnh 2.

Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh Phan Công Bằng (Ảnh: Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh)

Đối với vấn đề đưa người lao động quay trở lại TP Hồ Chí Minh, ông Bằng nhận định, hiện tại, nhu cầu quay lại TP của người dân các tỉnh, thành chưa cao. TP đã xây dựng phương án đưa người lao động trở lại bằng xe đưa đón công nhân.

Ngoài ra, theo Quyết định 1777 của Bộ GTVT, dự kiến ngày 13/10, các tỉnh, thành sẽ đưa vào thí điểm vận tải liên tỉnh. TP cũng xây dựng các Bộ tiêu chí an toàn với lĩnh vực Vận tải sao cho phù hợp với tình hình mới.

Riêng với việc phối hợp đi lại giữa các tỉnh thành với TP Hồ Chí Minh hiện nay, Phó Giám đốc Sở GTVT cho hay, ngày 1/10 UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản lấy ý kiến 4 tỉnh lân cận với phương án tổ chức giao thông; đến ngày 7/10 các địa phương đã có văn bản phản hồi nhưng mỗi địa phương đề xuất phương thức khác nhau, tùy tình hình dịch bệnh tại địa phương đó. Vì vậy, Sở GTVT đang tổng hợp, xây dựng giải pháp giao thông phù hợp để đề xuất UBND TP xem xét.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước