TP Hồ Chí Minh đã gửi tiền thưởng đến 25.840 y, bác sỹ tham gia chống dịch COVID-19

PV-Thứ năm, ngày 14/07/2022 21:52 GMT+7

Những ngày dịch căng thẳng, các bác sĩ trẻ phải tranh thủ gục xuống nơi bậc thềm để lấy sức Ảnh: HCDC

VTV.vn - Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đang khẩn trương gửi Giấy khen qua đường chuyển phát nhanh và gửi tiền thưởng đến 29.000 y, bác sỹ tham gia chống dịch COVID-19.

Ngày 14/7, tại cuộc họp cung cấp thông tin về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố cho biết, Sở Y tế đã có thư gửi những "Chiến sĩ áo trắng" trên mặt trận chống dịch COVID-19 tại Thành phố nhằm tri ân những người đã kịp thời tiếp sức cho ngành Y tế chiến đấu với dịch COVID-19 trong thời gian qua. Bên cạnh đó, Sở đã có tờ trình dự trù khen thưởng 40.000 cá nhân căn cứ trên số lượng đồng nghiệp tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, danh sách thực tế các đơn vị đề xuất khen thưởng gửi về Sở Y tế là khoảng 29.000 cá nhân.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế đang khẩn trương gửi Giấy khen qua đường chuyển phát nhanh và gửi tiền thưởng đến 29.000 cá nhân này. Tính đến thời điểm hiện tại, Sở đã gửi tiền thưởng đến 25.840 cá nhân thông qua tài khoản 176 đơn vị (gồm các Sở Y tế tỉnh, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, các trường học); đồng thời tiếp tục nỗ lực hoàn tất việc gửi tiền hỗ trợ, khen thưởng trong tuần tới.

Theo bà Lê Thiện Quỳnh Như, nguồn thuốc phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố có được từ hai nguồn tài trợ, viện trợ được phân bổ từ Bộ Y tế như: Remdesivir, Molnupiravir... là các thuốc đặc trị trong điều trị cho người bệnh mắc COVID-19 và từ nguồn mua sắm tại các bệnh viện. Hiện, tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, ít trường hợp chuyển nặng. Do đó, các thuốc này hiện vẫn đang còn tồn. Sở Y tế đã thống kê và xin ý kiến chỉ đạo từ Bộ Y tế. Bên cạnh đó, đối với các thuốc mua sắm trong phòng, chống dịch COVID-19 nếu sử dụng không hết, các bệnh viện thương lượng để các nhà cung cấp nhận lại và cung ứng cho các đơn vị khác. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng hướng dẫn cho phép chuyển mục đích sử dụng hoặc điều chuyển cho các bệnh viện khác sử dụng nhằm tránh lãng phí.

Sau khi dịch COVID-19 tại địa bàn tạm thời được kiểm soát, Sở Y tế đã tham mưu UBND Thành phố Hồ Chí Minh kế hoạch giải thể các bệnh viện dã chiến theo lộ trình và tái cấu trúc các bệnh viện như: vừa khám chữa bệnh thông thường, vừa sắp xếp thành lập các khoa COVID trong bệnh viện. Đồng thời, Sở Y tế cùng các bệnh viện thống kê và điều chuyển các trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trước đây về lại các bệnh viện để phục vụ công tác khám, chữa bệnh thông thường và công tác phòng, chống dịch.

Bà Lê Thiện Quỳnh Như cho biết thêm, theo đại diện Sở Y tế Thành phố, hiện chưa ghi nhận các nghiên cứu, y học chứng cứ về các trường hợp biến chứng hoại tử răng hàm mặt có liên quan đến dịch COVID-19. Theo đó, để có định hướng hướng dẫn các cơ sở y tế trong việc chẩn đoán, phát hiện sớm cũng như nghiên cứu thêm về các biến chứng hoại tử răng hàm mặt, Sở Y tế sẽ tổ chức hội thảo chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, việc thống kê các ca tái mắc COVID-19 không đầy đủ nên không thể công bố tỷ lệ cụ thể. Tuy nhiên, y văn trên thế giới đều cho biết, biến chủng Omicron có thể gây tái nhiễm ở những người đã từng mắc Delta, kể cả những người đã tiêm chủng vaccine khi kháng thể đã giảm thấp sau một thời gian (thường là 6 tháng). Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bộ Y tế, Sở Y tế Thành phố khuyến cáo người dân nên tiêm các mũi nhắc lại để duy trì nồng độ kháng thể trung hòa ở mức cao nhằm ngăn chặn trường hợp nhiễm đột phá của các biến thể mới, trong đó có BA.4 và BA.5.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước