TP Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp, xóa điệp khúc "cứ mưa là ngập"

H.M-Thứ năm, ngày 03/10/2024 18:31 GMT+7

Hiện tại, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh còn 13 tuyến trục đường chính thường xuyên ngập do mưa và 6 tuyến đường trục chính thường xuyên ngập do nước triều.

VTV.vn - TP Hồ Chí Minh đang triển khai đồng loạt nhiều giải pháp trong ngắn hạn và trung hạn, quyết xóa nhiều điểm ngập do triều, do mưa để không còn "cứ mưa là ngập".

13 tuyến đường thường ngập do mưa, 6 tuyến thường ngập do triều

Theo thống kê cho đến nay, TP Hồ Chí Minh còn tồn tại 13 tuyến trục đường chính thường xuyên ngập nước do mưa và 6 tuyến đường trục chính thường xuyên ngập do nước triều, cụ thể:

- 13 tuyến đường trục chính ngập do mưa gồm: Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm cũ), Đặng Thị Rành, Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Quốc Lộ 1A (TP Thủ Đức), Phan Anh, Hồ Học Lãm.

- 6 tuyến đường trục chính ngập do triều gồm: Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (Quận 7), Lê Văn Lương, Đào Sư Tích, Phạm Hữu Lầu (huyện Nhà Bè) và Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh). Thời gian ngập từ 30 phút đến 120 phút tùy vào đỉnh triều.

Theo đánh giá từ Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân của tình trạng này là biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, tần suất xuất hiện những cơn mưa có cường độ rất lớn trong thời gian ngắn ngày càng nhiều; địa hình TP Hồ Chí Minh tương đối thấp, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi triều cường: 876,3km2 (chiếm 41,8%) cao độ ≤+1.0m, 455 km2 (chiếm 21,72%) có cao độ từ +1.0 đến +1.5m, 783,44 km2 (chiếm 37,39%) có cao độ ≥ +1.5m; đặc biệt là vùng Trung tâm với diện tích 106,4km2 có 43,15km2 (chiếm 40% diện tích) có cao độ ≤+1.6m trong khi đó mức triều đạt báo động cấp III (+1.5m) xuất hiện thường xuyên (có những đợt đã xuất hiện triều đạt mức +1.71m); Tốc độ đô thị hóa nhanh, tuy nhiên hệ thống hạ tầng thoát nước chưa kịp đầu tư, cải tạo nên không đáp ứng được nhu cầu thoát nước; công tác dự báo chưa lường hết được do biến đổi khí hậu; Bên cạnh đó, khu vực Quận 7, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh có cao độ địa hình thấp nên xảy ra ngập do triều cường.

Bên cạnh đó, hệ thống cống thoát nước hiện hữu đã được đầu tư qua nhiều thời kỳ, không còn đáp ứng yêu cầu thoát nước trong điều kiện hiện nay do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét; tình trạng xả rác làm lấp, bít miệng thu làm hạn chế khả năng thu, thoát nước của hệ thống khi xuất hiện mưa, đặc biệt là mưa kết hợp triều cường.

Đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp, xóa điệp khúc "cứ mưa là ngập"

Theo đó, để giải quyết tình hình ngập nước, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó gồm các dự án trọng điểm: Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1); Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn); Dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát và Dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn (Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ); Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè đến sông Vàm Thuật), quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp; Dự án Cải tạo kênh Hy Vọng; Cải tạo các trục tiêu thoát nước chính: Cải tạo rạch Văn Thánh, Xóm Củi, Bà Lớn.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng tập trung nguồn lực hoàn thành các dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước để giải quyết các tuyến trục chính thường xuyên ngập nước, cụ thể các tuyến: Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm cũ), Đặng Thị Rành, Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Quốc Lộ 1A (TP Thủ Đức), Phan Anh, Hồ Học Lãm.

TP Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp, xóa điệp khúc cứ mưa là ngập - Ảnh 1.

Đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh chia sẻ thông tin trong buổi họp báo thường kỳ kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố chiều 3/10.

Cùng với đó là các giải pháp khác như triển khai các phương án Phòng tránh, ứng phó và khắc phục sự cố hạ tầng kỹ thuật trong mùa mưa bão, trong đó có sự tham gia của nhiều lực lượng; trên cơ sở đó sẽ bám sát và triển khai theo các tình huống đã giả định, đảm báo tính chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó; Tập trung duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống, miệng thu, kênh rạch, cửa xả để tăng cường khả năng thoát nước; tổ chức kiểm tra, rà soát vận hành các van ngăn triều đã được lắp đặt tại các cửa xả; vận hành tất cả các trạm bơm cố định để thoát nước; xây dựng các đoạn đê tạm ngăn triều tràn bờ gây ngập; Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai công tác đấu nối cống, mở hướng thoát nước mới, lắp đặt van ngăn triều, vận hành các trạm bơm hỗ trợ thoát nước…

So với năm 2023, đối với khu vực nội ô TP Hồ Chí Minh, sau khi hoàn thành các Dự án lớn gồm: Cải thiện môi trường nước TP Hồ Chí Minh (giai đoạn 1), cải thiện môi trường lưu vực Tân Hòa - Lò Gốm, Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đã giải quyết căn cơ tình hình ngập trong khu vực này gồm các Lưu vực: Tàu Hũ - Bến Nghé, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tan Hóa - Lò Gốm (trải qua các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận và một phần quận Bình Thạnh thuộc khu vực nghiên cứu). Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, qua theo dõi các cơn mưa vừa qua, tình hình ngập tại khu vực nội ô đã không còn xuất hiện.

Đối với những tuyến ngập triều, khi triều xuất hiện từ +1.65m sẽ xuất hiện dềnh nước tại các tuyến đường Calmette, Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Hồ Gấm; tuy nhiên, để hạn chế tình trạng xâm nhập triều gây ngập, Trung tâm Hạ tầng đã thực hiện công tác lắp đặt các van ngăn triều tại các cửa xả dọc tuyến kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, lặp đặt trạm bơm di động tại cửa xả chính để khắc phục tình trạng ngập do triều tại khu vực này.

Về giải pháp dài hạn, thành phố đang tập trung tháo gỡ vướng mắc để đưa vào sử dụng Dự án Giải quyết ngập do triều có xét đến biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) kỳ vọng sẽ giải quyết được 6 tuyến trục chính ngập do triều còn lại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước