Ngày 15/9, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau 1 năm thực hiện quy định cơ chế phối hợp thực hiện tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác, Thành phố đã lập hồ sơ đưa hơn 2.350 đối tượng vào cơ sở trợ giúp xã hội, tăng 49% so với năm 2023.
Trong số đó có 145 trẻ em lang thang xin ăn, chiếm 6%; 336 người cao tuổi lang thang xin ăn, chiếm 14%; 96 người khuyết tật lang thang xin ăn, chiếm 4%; 92 người thuộc hộ gia đình, lang thang xin ăn, chiếm 4%; 368 người bệnh tâm thần, chiếm 16%.
Có 37 người thuộc diện trợ giúp khẩn cấp, chiếm 2%; hơn 1.000 người trong độ tuổi lao động (từ đủ 16 tuổi-60 tuổi) lang thang xin ăn, chiếm 45%; có 220 người thuộc diện khác, chiếm 9%.
Trong số này có 557 người có đăng ký thường trú ở Thành phố nhưng không sống thường xuyên (chiếm 24%); hơn 1.000 người có đăng ký thường trú ở tỉnh và các thành phố khác (chiếm 45%); hơn 500 người không nơi cư trú (chiếm 22%) và có 220 người thuộc các trường hợp khác (chiếm 9%).
Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố cũng đã tiếp nhận 220 trường hợp cần bảo vệ khẩn cấp khác theo đề nghị của Công an thành phố, Sở Ngoại vụ. Sở phối hợp cùng Công an Thành phố, Công an tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng tổ chức cấp căn cước công dân gắn chip, tài khoản định danh điện tử mức 2 cho hơn 1.500 trường hợp và thu nhận hồ sơ nhân khẩu đặc biệt diện không có giấy tờ tùy thân hơn 300 trường hợp, bàn giao cho Công an cấp xã thuộc các đơn vị trú đóng để tiếp tục xử lý.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tăng Minh thông tin, đây là kết quả tích cực từ sự phối hợp giữa các cấp ngành, chính quyền địa phương sau khi thường xuyên, quan tâm, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn; các Tổ công tác đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai. Số người lang thang, xin ăn ở nơi công cộng đã giảm, số vụ phạm pháp hình sự cũng giảm rõ rệt; đặc biệt là các vụ trộm cắp và tệ nạn ma túy, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, mỹ quan đô thị .
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tăng Minh cũng chỉ ra rằng hiện vẫn còn người lang thang xin ăn là do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều người chưa có công ăn, việc làm ổn định; mỗi người có hoàn cảnh, điều kiện khó khăn khác nhau tại nhiều địa phương đã tập trung về Thành phố Hồ Chí Minh để mưu sinh.
Điều này đã tạo áp lực liên tục cho địa phương; khó xử lý dứt điểm trình trạng lang thang xin ăn tại, đặc biệt vào các dịp Lễ, Tết, tại các khu vực giáp ranh giữa các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, khu vực gần cơ sở tôn giáo, bến xe, nơi kinh doanh xăng, dầu, chợ truyền thống.
Mặt khác, các đối tượng có hành vi đối phó với lực lượng chức năng (giả dạng bán vé số, tăm bông, bút bi, kẹo cao su)…
Các đối tượng lợi dụng cũng hướng dẫn cụ thể về nội dung, cách thức cho trẻ em, người xin ăn; thường xuyên chọn lựa hoạt động ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ cuối tuần, giờ nghỉ trưa và di chuyển lưu động giữa các địa bàn, gây khó khăn cho việc quản lý, tập trung đối tượng, ông Nguyễn Tăng Minh chia sẻ.
Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đề xuất Ủy ban Nhân dân Thành phố chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương, cơ quan đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, tranh thủ sự ủng hộ của người dân, cộng đồng, xã hội; tăng cường cơ chế phối hợp trong thực hiện tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác.
Bên cạnh đó, Tổng đài 1022 của Trung tâm thông tin Thành phố tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của người dân khi phát hiện trẻ em, người lang thang, xin ăn để các cơ quan chức năng giải quyết, hỗ trợ kịp thời.
Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giao thông vận tải và các đơn vị khác có liên quan phối hợp nghiên cứu thực hiện khẩu hiệu tuyên truyền, thông tin trên băng rôn, bảng quảng cáo để người dân, cộng đồng, xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm…./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!