Trước tình hình đó, chiều 3/7, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của TP đã quyết định thành lập Trung tâm điều hành và điều phối công tác xét nghiệm với mục đích đẩy nhanh công tác xét nghiệm.
Hiện TP Hồ Chí Minh đã có khả năng lấy đến 1,4 triệu mẫu xét nghiệm trong 1 ngày. Năng lực xét nghiệm cho mẫu gộp đã đạt đến 450.000 mẫu.
Về việc cách ly F1 tại nhà, Bộ Y tế đã có hướng dẫn. Trong thời gian tới, thành phố có thể dùng công thức 14+14, tức là sau 14 ngày cách ly tập trung thì xem xét, nếu đủ điều kiện, sẽ tiếp tục cách ly 14 ngày tiếp theo tại nhà, để giảm tải cho các khu cách ly tập trung.
Căng mình ứng phó với số ca nhiễm tăng cao
Từ tối 3/7 đến 6h hôm nay (4/7), TP Hồ Chí Minh tiếp tục ghi nhận nhiều ca mắc mới COVID-19. Trong ngày 3/7, TP Hồ Chí Minh cũng là địa phương có số ca mắc mới cao nhất cả nước với 714 ca và hiện TP đã vượt ngưỡng 5.000 ca nhiễm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia y tế, với 5.000 ca nhiễm, TP cũng không cần phải quá lo lắng bởi đã có kịch bản đối phó trong trường hợp TP có 10.000 ca bệnh. Sau khi đạt ngưỡng 5.000 ca, TP đã chuyển sang giai đoạn chống dịch mới, trong đó rõ thấy nhất là việc thực hiện lấy 5 triệu mẫu trên toàn địa bàn TP.
Bên cạnh đó, từ tháng 5/2021, ngành y tế đã đề ra kịch bản "tình huống xấu nhất" với 5.000 ca mắc. 5.000 ca mắc phải có tối đa 1.000 giường hồi sức.
Đối với những trường hợp nhẹ sẽ được điều trị tại các bệnh viện dã chiến. Còn những ca bệnh nặng sẽ được điều trị ở các bệnh viện chuyên điều trị COVID-19, đồng thời tăng cường các bệnh viện dã chiến. Đây là cơ sở mà các chuyên gia đưa ra nhận định là không cần phải quá lo lắng.
Tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm
Tuy không phải quá lo lắng, thế nhưng 5.000 ca cũng là một con số lớn và không thể chủ quan, nhất là khi chỉ vài ngày nữa thôi, TP Hồ Chí Minh sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Trong cuộc họp gần đây giữa lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh với Trung ương, Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, TP Hồ Chí Minh phải tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm. Năng lực ở đây không phải là số lượng xét nghiệm mà là khâu tổ chức xét nghiệm để làm sao không bỏ sót F0.
TP Hồ Chí Minh cũng khẳng định việc lấy 5 triệu mẫu sẽ được hoàn thành và khung thời gian mà TP đề ra chỉ ở mức tương đối.
Trong sáng 3/7, TP Hồ Chí Minh đã tạm ngừng việc lấy mẫu diện rộng và ưu tiên chuyển sang lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 100.000 thí sinh và cán bộ coi thi. Điều này sẽ giúp cho kỳ thi diễn ra an toàn và tạo tâm lý yên tâm cho các thí sinh cũng như phụ huynh. Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cũng khuyến khích các thí sinh mang nón, kính chắn giọt bắn khi đi thi.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến chiều tối 3/7 đã hoàn tất việc lấy mẫu xét nghiệm cho cán bộ, giáo viên và thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1, đạt tỷ lệ hơn 95% số thí sinh và hơn 92% cán bộ tham gia công tác thi. Dự kiến kết quả xét nghiệm sẽ được trả trong ngày 4/7 và 5/7.
Tối 3/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết thành phố đã có những thay đổi chiến lược điều tra, truy vết, khoanh vùng trong đợt cao điểm nhằm nhanh chóng dập dịch COVID-19.
Theo HCDC, về việc khoanh vùng, Thành phố sẽ tiến hành xác định khu vực khoanh vùng trong 01 giờ hoặc sớm hơn nữa ngay sau khi có kết quả xét nghiệm khẳng định nhiễm COVID-19. Để có căn cứ khoanh vùng, nhân viên điều tra dịch tễ sẽ tiến hành điều tra nhanh ca F0 kết hợp với đánh giá thực địa để có cơ sở khoanh vùng phạm vi xử lý.
Đối với công tác điều tra dịch, xác định các mốc dịch tễ của F0, lập danh sách F1 gần, F1 xa và F2 của F1 gần sẽ được điều tra theo thực tế tiếp xúc, không theo hộ khẩu. Người có hộ khẩu nhưng không sống tại địa phương, không tiếp xúc thì không tính; ngược lại đối với người dù không có hộ khẩu nhưng có sinh hoạt trong khu vực, thân nhân, bạn hữu thăm viếng thì vẫn phải lập danh sách người tiếp xúc... Đồng thời, những người tiếp xúc với F0 sẽ được phân loại mức độ nguy cơ tiếp xúc, từ đó sẽ lên phương án xử lý thích hợp.
Việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, HCDC cho hay, tùy theo từng đối tượng sẽ có các nguyên tắc riêng. Đối với tất cả trường hợp F1 sau khi được lập danh sách sẽ được chuyển ngay về khu cách ly tạm thời của quận huyện để điều tra dịch tễ. F1 sẽ được làm test nhanh ngay, đồng thời lấy mẫu làm xét nghiệm khẳng định RT- PCR.
Nếu kết quả test nhanh dương tính với SARS-COV-2 thì xử lý như trường hợp nhiễm trong khi chờ kết quả khẳng định RT- PCR. Các mẫu xét nghiệm khẳng định RT- PCR sẽ được chuyển khẩn về phòng xét nghiệm theo sự điều phối của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ hoặc sớm hơn.
Các đối tượng khác như F2, xét nghiệm mở rộng… sẽ được xét nghiệm test nhanh kháng nguyên và lấy mẫu gộp theo từng hộ gia đình hoặc 2 - 3 hộ trong cùng một mẫu gộp để thuận lợi cho việc truy vết sau này.
Nếu kết quả test nhanh dương tính với SARS-COV-2 thì xử lý như trường hợp nhiễm trong khi chờ kết quả khẳng định RT- PCR. Bên cạnh đó, việc tổ chức lấy mẫu được thực hiện theo nhóm đối tượng nguy cơ đế tránh lây nhiễm chéo khi lấy mẫu. Từng hộ sẽ được mời lần lượt ra điểm lấy mẫu, bắt đầu từ hộ nguy cơ thấp nhất.
Trong đợt cao điểm kiểm soát dịch COVID-19 lần này, Thành phố sẽ sắp xếp, tổ chức bộ máy điều tra dịch và can thiệp chống dịch tại cộng đồng. Trung tâm Y tế quận huyện và trạm y tế sẽ đảm trách tổ chức lực lượng điều tra truy vết và lấy mẫu xét nghiệm phục vụ chống dịch. Các lực lượng này chỉ tập trung công việc của mình, không kiêm nhiệm các nhiệm vụ khác, để đảm bảo hoàn thành công tác truy vết thật chi tiết, hiệu quả và công tác xét nghiệm nhanh chóng, an toàn.
Việc phân công lực lượng này nhằm đàm bảo 100% ca bệnh F0 phải được khởi động điều tra trong vòng 1 giờ sau khi nhận được thông tin và các F1 phải có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ; các F2 và mẫu xét nghiệm ổ dịch phải có kết quả trong 24 giờ. Trên cơ sở đó quyết định việc điều chỉnh phạm vi phong tỏa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!