TP Hồ Chí Minh quyết liệt đeo bám trong cơ chế, chính sách đặc thù ra sao?

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 26/10/2022 05:46 GMT+7

VTV.vn - Gần hết hạn thí điểm cơ chế chính sách đặc thù nhưng hiện TP Hồ Chí Minh vẫn còn bộn bề công việc để triển khai. Cần có cơ chế gì mới để có sự tham gia của các bộ ngành?

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định cho phép TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh đến hết 31/12/2023.

Như vậy, chỉ còn vài tháng nữa là hết 5 năm nhưng hiện TP Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều công việc phải làm. Vì các nội dung thí điểm đa phần đều rất mới mẻ.

Ngoài kiến nghị gia hạn 1 năm để tiếp tục thực hiện nghị quyết 54 của Quốc hội, TP Hồ Chí Minh cũng đang chuẩn bị dự thảo một nghị quyết mới để trình Quốc hội. Trong đó, sẽ có nội dung kiến nghị cơ chế vượt trội dành cho TP Thủ Đức. Bởi đây là thành phố trực thuộc thành phố đầu tiên của cả nước, nhưng về tổ chức hành chính, TP Thủ Đức chỉ là đơn vị hành chính cấp quận huyện. Điều này chưa phù hợp, tạo lực đẩy cho một thành phố gần 1,2 triệu dân - được kỳ vọng sẽ đóng góp 1/3 GRDP và là cực tăng trưởng của TP Hồ Chí Minh.

Theo ghi nhận, tại bộ phận 1 cửa khu vực 2, TP Thủ Đức, trước khi sáp nhập 3 quận, làm xong 1 giao dịch đảm bảo chỉ mất 1 ngày. Nhưng nay, phải mất 3, 4 ngày, thậm chí cả 1 tuần. 9 tháng đầu năm, TP Thủ Đức phải giải quyết hơn 87.300 hồ sơ thủ tục các lĩnh vực, cao hơn gấp đôi so với cả năm ngoái. Trong đó, 70% thủ tục về đất đai và quá tải chủ yếu cũng ở thủ tục lĩnh vực này.

TS. Thái Thị Tuyết Dung - Đại học Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nhận định: "Có thể lập văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức thay vì chi nhánh. Chi nhánh hiện nay với cơ chế hoạt động với nhân sự gần 170 người, cơ cấu của nó không hiệu quả lắm, nên đưa thành văn phòng, hoặc chúng ta lập trung tâm phát triển quỹ đất, trung tâm quản lý hạ tầng… Tức là thành lập các đơn vị đặc thù để cơ chế hoạt động hiệu quả hơn".

TP Hồ Chí Minh quyết liệt đeo bám trong cơ chế, chính sách đặc thù ra sao? - Ảnh 1.

TP Hồ Chí Minh đang xây dựng cơ chế vượt trội dành cho TP Thủ Đức - thành phố trực thuộc thành phố đầu tiên của cả nước.

Trong khi đó, TS. Trần Du Lịch - Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh Khóa XIII cho hay: "Thứ nhất, cho phép chính quyền TP Hồ Chí Minh phân cấp, phân quyền cho bộ máy TP Thủ Đức, UBND một số quyền hiện nay do các sở ngành của thành phố đảm nhiệm để họ tăng tự chủ giải quyết vấn đề. Thứ hai là có cơ chế giữ lại nguồn ngân sách nhất định để giải quyết bài toán hạ tầng tương xứng. TP Thủ Đức có quy mô gần với TP Đà Nẵng mà nếu không tính huyện Hòa Vang. Tuy nhiên, về hạ tầng thì hoàn toàn bất cập.

Trong phân cấp ủy quyền, Thành phố Thủ Đức đang cần phân định rõ ràng ở nhiều thủ tục. Những việc chung, tác động lớn cần thẩm quyền của tập thể, còn với những thủ tục đơn lẻ như cấp phép xây dựng hộ gia đình... thì nên chăng thuộc thẩm quyền cá nhân phụ trách để giải quyết thủ tục nhanh hơn".

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nêu quan điểm: "Phải mạnh dạn trao quyền cho họ, bởi vì nếu chúng ta không trao quyền cho họ thì thành phố trong thành phố không còn ý nghĩa nữa. Vì bản thân thành phố là phải tự chủ cao. Nói cách khác, thành phố Thủ Đức làm sao độc lập được về mặt quản lý, tài chính, về mặt phát triển, tất nhiên trong đó sự phát triển phải theo định hướng chung của TP Hồ Chí Minh và vùng đô thị TP Hồ Chí Minh, tham vấn lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và Trung ương. Tuy nhiên, công việc hàng ngày thì lãnh đạo có năng lực để quyết định những vấn đề lớn, mỗi vấn đề quan trọng đều phải xin cấp cao hơn thì sẽ mất thời cơ".

Các chuyên gia cũng cho rằng: Thủ Đức cần có tổ chức bộ máy tương xứng, không thể dùng bộ máy của 1 quận. Và kèm theo đó là chính sách động lực cho 1 số cán bộ công chức để nâng chất lượng và hiệu quả quản lý. Một khi đã được trao quyền, thì cơ chế giám sát chặt chẽ hơn, trong đó phải kể đến việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách hay được lập một ban đô thị hội đồng nhân dân TP Thủ Đức.

Đến nay cũng là thời điểm tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.

Tổng kết thực hiện Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh

Sau giai đoạn tăng trưởng chậm và suy giảm do tác động của dịch COVID-19, những tháng đầu năm nay đã ghi nhận sự phục hồi với tăng trưởng bình quân 6 tháng đạt 3,82%.

Chính sách đặc thù về quản lý đất đai đã góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Trong 5 năm, Hội đồng nhân dân Thành phố đã quyết định thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên đất trồng lúa, với tổng diện tích trên 1.800 ha.

Các quy định về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước đã góp phần tạo cơ chế chủ động, linh hoạt. Qua áp dụng thí điểm, HĐND Thành phố quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách Thành phố, với tổng mức vốn đầu tư là gần 13 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù vậy theo báo cáo thẩm tra của Uỷ ban tài chính ngân sách của Quốc hội, do nhiều yếu tố tác động không thuận như đại dịch COVID-19; một số quy định của pháp luật chưa đồng bộ; những hạn chế trong tổ chức thực hiện, khiến một số chính sách liên quan đến đất đai, tài chính, ngân sách nhà nước còn chậm triển khai; có chính sách sau 5 năm vẫn chưa được thực hiện.

TP Hồ Chí Minh quyết liệt đeo bám trong cơ chế, chính sách đặc thù ra sao? - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: VGP/LS

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù cho HN và TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Bên cạnh một số chính sách đi vào cuộc sống khá nhanh, do nhiều nguyên nhân khách quan chủ quan, tác động của đại dịch ảnh hưởng đến việc thực hiện một số chính sách triển khai chưa thực sự đồng đều, có chính sách hiệu quả chưa cao, tác động còn hạn chế.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ đồng tình với việc trình Quốc hội cho phép kéo dài thực hiện Nghị quyết 54 và đã kéo dài phải có thời hạn, ít nhất khoảng một năm. Trong thời gian đó, các cơ quan có quỹ thời gian và có điều kiện để nghiên cứu, đánh giá, tổng kết thấu đáo hơn để đề xuất chính sách, một số chính sách mới phải thí điểm thêm.

Việc tổng kết Nghị quyết số 54 có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với Thành phố Hồ Chí Minh mà còn tạo cơ sở hoàn thiện chính sách đối với nhiều địa phương trên cả nước.

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam sẽ cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước