TP Hồ Chí Minh sẵn sàng kịch bản ứng phó 1.600 ca mắc/ngày, dự kiến có thể lên 10.000 người/5 ngày

PV (theo TTXVN)-Thứ bảy, ngày 10/07/2021 16:57 GMT+7

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo. Ảnh: TTXVN

VTV.vn - Trong 5 ngày tới, số ca mắc tại Thành phố Hồ Chí Minh có thể lên tới 10.000 người. Do đó, thành phố đặt mục tiêu nỗ lực "bóc ngay" ca F0 ra khỏi cộng đồng.

Sẵn sàng lên kịch bản để ứng phó trong trường hợp có 1.600 ca mắc/ngày, dự kiến có thể lên tới 10.000 người/5 ngày sắp tới, Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực "bóc ngay" các ca F0 ra khỏi cộng đồng, "giữ chặt vùng xanh", cắt đứt chuỗi lây nhiễm "vùng đỏ". Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc giao ban trực tuyến với Thành phố Hồ Chí Minh, do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì vào sáng 10/7, tại Trụ sở Chính phủ.

Tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên tham dự cuộc họp.

Tạo "luồng xanh" cho phương tiện vận chuyển thiết yếu

TP Hồ Chí Minh sẵn sàng kịch bản ứng phó 1.600 ca mắc/ngày, dự kiến có thể lên 10.000 người/5 ngày - Ảnh 1.

Hình ảnh cuộc họp. Ảnh: TTXVN

Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, sau khi thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16/CT-TTg từ 0 giờ ngày 9/7, ngay trong ngày hôm đó sức mua hàng tại các chợ truyền thống giảm từ 50-70% và giảm 15% ở các siêu thị so với ngày công bố dự lệnh thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố (ngày 8/7), do người dân tích cực mua sắm trước.

Cùng với đó, để đảm bảo nhu cầu mua thực phẩm chế biến sẵn, thành phố yêu cầu hệ thống phân phối (SaiGon Co.op, Satra, MM.Mega Market, Bách hóa xanh, VinMart, Family Mart…) tăng lượng cung ứng thực phẩm chế biến sẵn, đầy đủ số lượng, đa dạng chủng loại, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; đồng thời phối hợp với hệ thống giao hàng online cùng các hình thức phân phối trực tiếp đến tay người dân khi có yêu cầu.

Đồng thời, thành phố chủ động nắm bắt khó khăn của người dân trên địa bàn, nhất là các hộ gia đình không thể tự nấu ăn trong thời gian giãn cách xã hội để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời. Người dân có thể mua nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm thiết yếu bằng các hình thức phù hợp như nhờ sự hỗ trợ từ lực lượng tình nguyện viên (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, các hội, nhóm tình nguyện); trực tiếp đặt hàng qua điện thoại. Người già, người neo đơn, người bệnh... được cung cấp thức ăn miễn phí. Đến nay, nguồn thực phẩm dồi dào, không có tình trạng khan hiếm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, rau củ quả luôn được ưu tiên.

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc thực hiện giãn cách xã hội sẽ tác động mạnh mẽ đến người dân, đặc biệt người có hoàn cảnh khó khăn, người neo đơn, hộ kinh doanh nhỏ lẻ… Thực hiện Nghị quyết về chế độ đặc thù để phục vụ công tác chống dịch, từ ngày 6/7 đến nay, thành phố đã triển khai với 31.525 đối tượng, trong đó có 1.500 người bán vé số. "So với yêu cầu đặt ra, tỷ lệ này còn thấp, chỉ khoảng 14%. Thành phố đã đề nghị các quận, huyện, thành phố trên địa bàn triển khai nhanh hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Điển hình, Quận 7, Quận 1, thành phố Thủ Đức chủ động tạm ứng ngân sách thay vì chờ đợi ngân sách thành phố đưa về, kịp thời hỗ trợ người dân", ông Nguyễn Thành Phong cho biết.

Liên quan đến tình hình giao thông, thành phố đã tái kích hoạt 12 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ; ngoài ra, thành phố Thủ Đức và các quận, huyện sẽ tái lập 157 chốt kiểm soát tại địa phương để thực hiện theo nguyên thắc Chỉ thị 16/CT-TTg. Thực hiện công điện của Bộ Giao thông Vận tải (người điều khiển, người phục vụ trên các phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh thành phố và ngược lại, bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực), ngày 9/7, một số tuyến đường tại khu vực cửa ngõ ra vào thành phố xảy ra ùn tắc giao thông do nhiều người không đáp ứng được yêu cầu này.

TP Hồ Chí Minh sẵn sàng kịch bản ứng phó 1.600 ca mắc/ngày, dự kiến có thể lên 10.000 người/5 ngày - Ảnh 2.

Công an làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát trên Quốc lộ 1K (giáp ranh tỉnh Bình Dương). Ảnh: TTXVN.

Trước đó ngày 8/7, thành phố đã có công văn gửi các tỉnh Đông Nam Bộ tạo "luồng xanh" cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, công nhân, chuyên gia trong thời gian giãn cách xã hội; đề nghị các địa phương tổng hợp, cung cấp danh sách xe vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, hàng thiết yếu, xe chở người lao động… để cấp giấy nhận diện phương tiện. "Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Thủ tướng, Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương cùng phối hợp thực hiện để chia sẻ cùng thành phố thực hiện ‘luồng xanh’ nhằm phục vụ các phương tiện vận chuyển thiết yếu", Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết, Sở chỉ huy phòng, chống dịch được thành lập, trực 24/24 giờ để nhanh chóng xử lý diễn biến dịch bệnh trên địa bàn. Phong trào thi đua thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg trên địa bàn thành phố có tên "Mở rộng vùng xanh trên bản đồ COVID-19" được phát động, vận động toàn thể hệ thống chính trị, nhân dân thành phố đồng lòng, chung sức, nỗ lực tham gia đẩy lùi dịch bệnh.

Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện xét nghiệm định kỳ cho các khu phong tỏa với tần suất 2-3 ngày/lần; khu vực có nguy cơ cao 5-7 ngày/lần; các ổ dịch có nguy cơ rất cao thực hiện test nhanh kháng nguyên, đồng thời thực hiện mẫu gộp 5 trên phạm vi tổ dân phố, mở rộng các khu phố đến từng gia đình. Nếu test nhanh dương tính thì các lực lượng sẽ xét nghiệm mẫu đơn bằng phương pháp Realtime RT-PCR, điều tra các trường hợp F1 để chuyển cách ly, điều trị sớm. Thành phố tiếp tục lên phương án bổ sung thêm 6.000 giường để phục vụ công tác điều trị.

Bên cạnh đó thành phố tiếp tục tăng cường chuẩn bị máy móc, vật tư, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác xét nghiệm, truy vết trên tinh thần tổ chức sàng lọc có trọng tâm, trọng điểm, "không dàn hàng ngang", kết hợp hài hòa giữa test nhanh và xét nghiệm Realtime RT-PCR… Tận dụng thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, Bộ Y tế và thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức điều hành lấy mẫu, tăng công suất xét nghiệm… để sớm phát hiện và "bóc ngay" ca F0 ra khỏi cộng đồng, giữ vững "vùng xanh", đưa "vùng đỏ" dần xuống thành "vùng cam", tiếp tục xuống "vùng vàng" và nhanh chóng trở về trạng thái an toàn.

Trước thực trạng người dân chưa có ý thức cao trong việc chấp hành Chỉ thị 16/CT-TTg, vẫn còn tình trạng ra ngoài khi chưa cần thiết, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đề nghị, các quận, huyện cân nhắc phương án thiết lập, vận hành chốt kiểm soát tại vị trí cửa ngõ địa phương, kết hợp tuần tra xử lý các trường hợp vi phạm.

Nỗ lực "bóc ngay" ca F0 ra khỏi cộng đồng

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, với dự báo số ca mắc COVID-19 tăng cao (trên 1.000 ca/ngày) nên Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh đã lên kịch bản trong trường hợp có 1.600 ca mắc/ngày. Trong 5 ngày tới, số ca mắc tại thành phố có thể lên tới 10.000 người. Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu nỗ lực "bóc ngay" ca F0 ra khỏi cộng đồng.

Nhấn mạnh phải chuẩn bị công tác xét nghiệm, điều trị cho kịch bản này, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết: "Ngành y tế đã đánh giá lại năng suất của 17 phòng xét nghiệm trên địa bàn thành phố (xét nghiệm được khoảng 7.000 mẫu/ngày). Nếu có sự hỗ trợ của các đơn vị, bộ ngành, có thể tăng công suất lên 30.000 mẫu/ngày. Công suất này chỉ đáp ứng được cho xét nghiệm các trường hợp F1 đang ở trong khu cách ly tập trung".

Theo kịch bản, ước tính trong 15 ngày tới, với 1.600 ca mắc/ngày (trung bình 1 ca F0 có khoảng 30 trường hợp F1), thành phố cần sử dụng khoảng 2 triệu test nhanh và gần 3 triệu xét nghiệm Realtime RT-PCR. Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế sẽ rà soát lại Trung tâm Xét nghiệm Realtime RT-PRC do Tập đoàn VinGroup tài trợ, với 30 máy, công suất có thể đạt được 20.000-25.000 mẫu/ngày.

Nhóm ở khu vực nguy cơ rất cao sẽ được thực hiện mẫu gộp toàn bộ gia đình, dự kiến cần sử dụng 1,6 triệu xét nghiệm Realtime RT-PCR và 1,3 triệu test nhanh. Tuy nhiên, do những gia đình trong khu vực này đã hoàn toàn được giãn cách, do vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng chỉ cần xét nghiệm đại diện hộ gia đình để tiết kiệm test nhanh. "Bộ phận thường trực sẽ cân nhắc và điều chỉnh hợp lý để giảm bớt số lượng test nhanh; thực hiện 2 mũi xét nghiệm ‘giáp công’ (từ các vùng nóng ra và xét nghiệm sàng lọc tại các khu vực an toàn) để mở rộng ‘vùng xanh’ cho Thành phố".

Về nguồn nhân lực y tế, Bộ Y tế đã có 4 phương án và kế hoạch sẵn sàng nguồn nhân lực cho Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, bộ sẽ điều khoảng 200 bác sĩ chuyên ngành hồi sức và truyền nhiễm cho bệnh viện chuyên hồi sức với công suất 1.000 giường; điều khoảng 800 điều dưỡng theo yêu cầu của thành phố. Với các bệnh viện dã chiến thu dung các F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ, Bộ Y tế dự kiến huy động 472 bác sĩ và 875 điều dưỡng; điều động 500 người truy vết, lấy mẫu theo thành phố yêu cầu. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Y tế đã điều 25 lãnh đạo các cục, vụ vào trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch tại các quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh.

Giữ chặt "vùng xanh", dồn lực dập dịch tại "vùng đỏ"

Tại cuộc họp, các ý kiến nhận định tình hình dịch của Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời nêu rõ chiến lược "2 mũi giáp công, trong đánh ra, ngoài đánh vào". Tại đây, mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, khu phố là một "pháo đài" cùng nhau thi đua "giữ chặt vùng xanh"; tập trung lực lượng để quyết tâm cắt đứt chuỗi lây nhiễm "vùng đỏ", làm sạch địa bàn, từng bước "giảm mức độ đỏ, mở rộng vùng xanh".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị toàn thành phố thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, "giữ chặt vùng xanh an toàn, từng bước dồn dịch vào các điểm nhỏ", tuyệt đối không để tập trung đông người hoặc không để người dân ra khỏi nhà khi không cần thiết.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh cần phát huy kinh nghiệm thực tế, sự sáng tạo, mạnh dạn thực hiện, vừa làm vừa điều chỉnh như: cách ly F1 tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm phân theo nhóm hoặc hộ gia đình có điều kiện sinh sống, làm việc khác nhau; phương án cách ly mới đối với những ca đã đủ điều kiện ra viện…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16/CT-TTg, chiến lược chống dịch phải rõ mục tiêu, thực hiện nghiêm, làm đến đâu chắc đến đó, hiệu quả là trên hết. Những ngày tới, dự báo số ca F0, F1 sẽ tăng ở một số khu vực. Tuy nhiên, với việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg, điều chỉnh chiến lược truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ kiểm soát được tình hình.

TP Hồ Chí Minh thay đổi chiến lược xét nghiệm, tận dụng thời gian 'vàng' để dập dịch TP Hồ Chí Minh thay đổi chiến lược xét nghiệm, tận dụng thời gian "vàng" để dập dịch

VTV.vn - Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, ngành y tế TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ tận dụng thời gian vàng này để dập dịch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước