Một nhà vệ sinh công cộng được xây theo hình thức xã hội hóa, đạt chuẩn 4 sao, đặt tại công viên 23/9, quận 1, nhưng bên trong, quá nửa số bồn vệ sinh nam phải tạm ngưng hoạt động, chằng chịt băng keo quấn trước bồn. Nhiều tài xế xe ôm đến đây phải mất một chút thời gian mới được sử dụng dịch vụ.
Theo kết quả rà soát sơ bộ, tính đến nay, TP Hồ Chí Minh có hơn 200 nhà vệ sinh. Tính trung bình, 50.000 người mới có một nhà vệ sinh để sử dụng. Trước thực trạng này, UBND TP Hồ Chí Minh giao Công ty dịch vụ công ích Thanh niên xung phong thực hiện rà soát, lên phương án thiết kế xây mới nhà vệ sinh công cộng.
"Dự kiến bắt đầu từ tháng 3 sẽ tiến hành khảo sát địa điểm, khoảng tháng 5 sẽ thực hiện các văn bản để xin giấy phép xây dựng, thi công hoàn thành sau 2 tháng. Đối với mẫu nhà vệ sinh công cộng hiện đại, chúng tôi đảm bảo không có mùi hôi bên trong lẫn bên ngoài", bà Tô Nguyệt Thanh - Phó Giám đốc Xí nghiệp dịch vụ công cộng cho hay.
Vừa thiếu, vừa bị xuống cấp là tình trạng các nhà vệ sinh công cộng hiện nay ở TP Hồ Chí Minh.
"Qua rà soát cũng như phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi cũng đã có thống nhất dự kiến trong thời gian sắp tới đầu tư từ 3 - 5 nhà vệ sinh công cộng tại các khu đất chưa triển khai dự án. Dự kiến thực hiện xây dựng trước ngày 30/4/2023", ông Nguyễn Thành Phát - Trưởng phòng Quản lý đô thị Quận 1, TP Hồ Chí Minh thông tin.
Trong lúc chờ xây dựng các nhà vệ sinh công cộng, các quận trung tâm thành phố sẽ tiếp tục thực hiện công tác vận động các chủ cơ sở như: cây xăng, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở dịch vụ ăn uống… trên địa bàn để khách du lịch, khách vãng lai được sử dụng nhà vệ sinh bên trong các khu vực này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!