Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh kết nối giao thông từ cầu Sài Gòn với tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh vào trung tâm TP.HCM. Ảnh: Dân trí
Thành phố sẽ theo dõi tối thiểu 5 ngày (tính từ 3/10) rồi mới bắt đầu thi công.
Cơ quan chức năng sẽ tháo dải phân cách trước đó chặn giao lộ Nguyễn Văn Thương - Điện Biên Phủ để tổ chức hướng đi mới. Theo kế hoạch, chủ đầu tư sẽ thi công đường này trong 6 tháng.
Theo báo điện tử Dân trí, lộ trình thay thế với xe ô tô: cầu Sài Gòn -> Điện Biên Phủ -> quay đầu xe tại giao lộ Điện Biên Phủ - Nguyễn Văn Thương (D1 cũ) -> Điện Biên Phủ -> đường dân sinh cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh -> Nguyễn Hữu Cảnh.
Trong khi đó, xe 2 bánh lưu thông hướng: cầu Sài Gòn -> Điện Biên Phủ -> quay đầu tại ngã tư Hàng Xanh -> Điện Biên Phủ -> hẻm 602 Điện Biên Phủ (D1 nối dài) -> Nguyễn Hữu Cảnh.
Sở GTVT cũng lưu ý người và phương tiện giao thông khi tham gia giao thông phải chấp hành theo hướng dẫn của hệ thống biển báo giao thông trên đường hoặc theo hướng dẫn của lực lượng cảnh sát giao thông, điều tiết giao thông.
Dự án nâng cấp, sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (chủ đầu tư) khởi công từ tháng 10/2019 và sẽ hoàn thành sau 14 tháng thi công. Dự án có mức đầu tư 473 tỷ đồng với mục tiêu giải quyết tình trạng ngập và chỉnh trang đô thị.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, dự án thi công chậm trễ. Sở GTVT TP đã đi kiểm tra thực tế và gửi văn bản đốc thúc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công.
Nguyễn Hữu Cảnh được xem là "con đường đau khổ" nhất Sài Gòn. Thi công từ năm 1997 và khi đưa vào khai thác năm 2002, đường Nguyễn Hữu Cảnh được kỳ vọng giải quyết bài toán giao thông cho thành phố và góp phần chỉnh trang đô thị nhưng thực tế khiến người dân thất vọng. Con đường này bị lún, ngập nước trong suốt mười mấy năm qua.
Tuyến đường dài khoảng 3,7km, tổng vốn đầu tư là gần 420 tỷ đồng. Đây là tuyến đường huyết mạch, kết nối cửa ngõ phía Đông với khu vực trung tâm thành phố.
Sau khi được đưa vào khai thác, tuyến đường này bị lún và ngập nặng, trong đó hư hỏng nặng nhất là hạng mục cầu Văn Thánh 2.
Để đảm bảo an toàn giao thông, tháng 10/2007, UBND TP phải chi hơn 141 tỷ đồng để sửa chữa cây cầu Văn Thánh 2.
Để giải quyết ngập lụt trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, hầu như năm nào thành phố cũng phải chi tiền bù lún.
Riêng cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, sau hơn 13 năm đưa vào hoạt động đã xuống cấp, hư hỏng trầm trọng. Từ chỗ được khai thác với tải trọng 30 tấn, chỉ còn xe từ 1,5 tấn trở xuống mới được phép qua cầu.
Sau đó, TP.HCM phải bỏ ra gần 13 tỷ đồng để sửa chữa. Ngoài ra, để chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, hệ thống máy bơm "siêu khủng" được vận hành chính thức từ tháng 10/2017 tại khu vực này.
Sau nhiều lần thử nghiệm, ngày 19/4/2018, Trung tâm Chống ngập TP cùng Công ty Quang Trung đã chính thức ký hợp đồng dịch vụ trong thời gian 7 năm, giá thuê là 14,2 tỷ đồng/năm.
Trong khoảng thời gian thuê máy bơm chống ngập, TP.HCM tiến hành triển khai dự án nâng cấp, sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh với tổng mức đầu tư 473 tỷ đồng. Dự án chính thức thi công từ tháng 10/2019.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!