Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. (Ảnh: Trung tâm báo chí TP.HCM)
Kích hoạt các Bộ tiêu chí an toàn và vận dụng linh hoạt trong tình hình mới
Báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP. Hồ Chí Minh ngày 28/7, Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, TP. Hồ Chí Minh có tổng 62 ca nhiễm COVID-19(61 ca phát hiện tại TP.HCM và 01 ca chuyển viện từ Bệnh viện Bạc Liêu). Toàn bộ được điều trị khỏi bệnh. Tính từ ngày 03/4/2020 đến nay, TP trải qua 116 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Số trường hợp đang cách ly tập trung là 449 người và 237 trường hợp đang cách ly tại nhà/nơi cư trú.
TP tổ chức giám sát, xét nghiệm kiểm tra cho các trường hợp sau xuất viện, theo đó có 46/60 trường hợp hoàn toàn âm tính với SARS-CoV-2 và được kết thúc thời gian theo dõi; 02 trường hợp tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra hàng ngày cho đến khi đủ 30 ngày sau xuất viện; 12 trường hợp có kết quả dương tính trở lại phải nhập viện để giám sát. Đến nay, cả 12/12 trường hợp dương tính lại đều đã âm tính qua xét nghiệm kiểm tra và xuất viện.
Bên cạnh đó, kể từ ngày 26/7/2020, có 4.907 người về từ Đà Nẵng trong khoảng thời gian từ 01/7/2020 đến nay được ghi nhận và áp dụng cách ly, tự theo dõi sức khoẻ tại nhà. Trong đó, lấy mẫu xét nghiệm cho 1.359 người, hiện đã có 167 mẫu kết quả âm tính.
Con gái và cháu ngoại bệnh nhân COVID-19 số 420 trú tại chung cư Lạc Long Quân ở TP.HCM đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Thành phố cũng đã tổ chức hoạt động kiểm dịch y tế tại ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất và ga xe lửa đối với chuyến bay, chuyến tàu đến từ Đà Nẵng bao gồm khai báo y tế đầy đủ, đo thân nhiệt và kiểm tra sức khỏe hành khách, nếu phát hiện có yếu tố dịch tễ liên quan ca bệnh của Đà Nẵng sẽ được cách ly tập trung và xét nghiệm kiểm tra.
Đối với công tác giám sát các tổ bay quốc tế, đến nay đã xét nghiệm kiểm tra cho 2.957 thành viên phi hành đoàn của 18 hãng hàng không quốc tế, trong đó: 2.953 người có kết quả âm tính, 02 người đang chờ kết quả, 02 người dương tính (BN 321 và BN 322). Đến 11 giờ 00 ngày 27/7/2020, tổng số mẫu xét nghiệm Covid-19 (lũy tích) đã thực hiện cho tất cả các nhóm đối tượng là 71.186 mẫu.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm đề nghị các Sở - ngành, quận - huyện theo dõi sát diễn biến dịch, tiếp tục thông tin, truyền thông về công tác phòng, chống dịch bệnh, duy trì các biện pháp phòng, chống dịch chủ động, hạn chế sự lây lan nơi cộng đồng.
Các quận - huyện chủ động rà soát, kiểm tra "đi từng ngõ gõ từng nhà" xác minh trong cộng đồng dân cư những người đến từ Đà Nẵng từ ngày 01/7/2020 hiện đang có mặt trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh để áp dụng khai báo y tế.
Các Sở- ban- ngành, cơ quan, đơn vị, các đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú trên địa bàn TP rà soát, phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, khách du lịch từng đến Đà Nẵng từ ngày 01/7/2020 thực hiện khai báo y tế. Đồng thời, tăng cường giám sát, lấy mẫu và xét nghiệm đối với tất cả các trường hợp có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp hoặc viêm phổi nặng trong cơ sở y tế, các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 trong cộng đồng; tổ chức giám sát trên diện rộng để phát hiện nguồn lây.
Kiềm chế các nhu cầu cá nhân để phòng dịch hiệu quả
Trên cơ sở diễn biến của dịch bệnh và các giải pháp phòng, chống dịch bệnh được triển khai tại Thành phố, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao tinh thần khẩn trương, chủ động của các Sở-ngành, quận-huyện.
Dẫn chứng tình hình dịch bệnh trên thế giới đang gia tăng từng ngày với diễn biến khó lường, làm ảnh hưởng nặng nề đối với kinh tế các nước, Bí thư Thành ủy cho biết, chúng ta đang bước qua cấp dịch bệnh mới với tốc độ lây lan cao. Do đó, vì an toàn xã hội, mỗi người cần giảm sự "tự do" cá nhân, kiềm chế các nhu cầu cá nhân để phòng dịch hiệu quả.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân lưu ý đến tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và cho rằng đây là mối nguy cơ cao. Mỗi người dân, mỗi gia đình phải chủ động phát hiện và thông báo kịp thời cho chính quyền và y tế địa phương để tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
"Xác định rõ nguy cơ, nguồn bệnh tại Thành phố là từ đâu, thì từ đó mới có các giải pháp hiệu quả." – Bí thư nhấn mạnh.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định, muốn phòng chống dịch hiệu quả, phương châm phải là phòng dịch sớm - phát hiện kịp thời - cách ly triệt để.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, Sở Y tế cần làm rõ thông tin, theo nghiên cứu mới đây, virus COVID-19 đã biến thể sang chủng loại mới, có khả năng lưu trong không khí thời gian dài. Nếu thoing tin này được xác thực thì nên có hướng dẫn thực hiện nghiêm ngặt biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cuộc họp, hội nghị đông người… cần chú ý để thoáng khí, lấy gió tự nhiên, hạn chế sử dụng điều hòa.
Theo một số nghiên cứu, virus SARS-CoV-2 biến thể có khả năng lây lan nhanh và có thể khiến thời gian ủ bệnh lâu hơn
Liên quan đến việc nhận người Việt Nam từ nước ngoài về nước, Bí thư yêu cầu thực hiện đúng quy trình. Sở Y tế, Sở GTVT làm việc với Trung ương để nắm bắt kế hoạch và sẵn sàng cho các tình huống. Bí thư cũng thống nhất với quan điểm ai từ Đà Nẵng về phải tự giác cách ly.
Với vấn đề có nên hạn chế loại hình hoạt động nào trong tình hình hiện nay hay không, Bí thư Thành ủy cho rằng các loại hình hoạt động không thật cần thiết thì nên giảm; các Sở - ngành rà soát và đề xuất cụ thể với UBND TP. Theo đó, trong công tác truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tích cực, tự giác bảo vệ mình và gia đình trước nguy cơ dịch bệnh.
Các Sở - ngành, quận - huyện thực hiện cơ chế báo cáo thường xuyên để nắm bắt tình hình kịp thời, trong đó, Thành phố cần có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để các Sở - ngành, quận - huyện có căn cứ thực hiện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!