Tránh lãng phí khi xây dựng cầu vượt cho người đi bộ

Thanh Huyền, Văn Lương-Thứ tư, ngày 25/05/2022 18:58 GMT+7

VTV.vn - Thực tế có không ít cây cầu vượt khi xây xong lại để không, là nơi bán hàng rong, thậm chí còn là nguy cơ mất an ninh, an toàn.

Tại Hà Nội có hơn 40 cây cầu vượt cho người đi bộ. Phần lớn các công trình giúp giảm ùn tắc, kết nối giao thông tốt nhưng không phải tất cả đều vậy.

Theo ghi nhận của phóng viên, cây cầu vượt trên đường Tây Sơn kết cấu bằng thép và bậc thang quá cao, còn dốc, có vẻ chỉ phù hợp với người trẻ còn với người già đi lại khá khó khăn.

Bà Lý Thị Kim (Quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ với phóng viên: "Cháu thấy đấy, cô phải dò phải bám mãi mới bước xuống được. Đấy là xuống còn lúc lên thì cô phải nghỉ tới 3 lần mới lên được trên cây cầu. Nó hơi cao và khó khăn với bọn cô".

Việc xác định vị trí đặt cầu tại một số khu vực cũng cần phải tính toán dựa trên quy hoạch tổng thể. Đó cũng là ý kiến của 16 hộ dân tại đường Trần Khát Chân.

Theo ông Đào Minh Tâm - Trưởng phòng Quản lý quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội: "Chúng tôi cũng nhận được phản ánh kiến nghị của công dân về việc xây dựng cầu đi bộ. Về việc này, các đơn vị thi công họ phải khảo sát lại, kết hợp với chính quyền địa phương xem xét lại vị trí lựa chọn để có thay đổi cho phù hợp, có thể bố trí lại vị trí hoặc xem xét kết cấu để hạn chế tối đa ảnh hưởng tới người dân".

Để phát huy hiệu quả hệ thống cầu vượt cho người đi bộ, việc rà soát về quy hoạch rất cần thiết để nơi cần thì phải có, nơi có chưa hiệu quả thì phải điều chỉnh. Bên cạnh đó, người dân cũng cần phải tuân thủ Luật giao thông đường bộ, không tự ý băng qua đường dưới mặt đất gây mất an toàn giao thông.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước