Trẻ mắc lao có thể sa sút trí tuệ suốt đời

P.V-Thứ sáu, ngày 28/10/2022 14:04 GMT+7

Hệ miễn dịch của trẻ nhỏ rất yếu ớt, dễ mắc lao màng não và các bệnh truyền nhiễm khác nếu không được chủng ngừa.

VTV.vn - Mù, liệt, đời sống thực vật, thiểu năng trí tuệ... là những di chứng nặng nề mà bệnh lao màng não gây ra cho hàng triệu trẻ em mỗi ngày, nhưng chưa được quan tâm đúng mức.

Theo các chuyên gia, sau những nỗ lực lớn chống đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, bệnh lao đã trở lại là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất trên thế giới, do thiếu sự tập trung vào công tác đẩy lùi căn bệnh hiểm nghèo này. Không giống như COVID-19, thế giới có rất ít cảnh báo về bệnh lao. Thực tế, đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng tới các nỗ lực chống bệnh lao, khi các bệnh viện điều trị lao phải chuyển sang chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19, trong khi các biện pháp phong tỏa cản trở bệnh nhân lao đến thăm khám và điều trị. Điều này khiến số ca tử vong do lao trong năm 2020 tăng mạnh lần đầu tiên trong một thập kỷ.

Tại Việt Nam, lao vẫn đang là gánh nặng cho sức khỏe cộng đồng. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2022, TP. Hồ Chí Minh đã ghi nhận hơn 8.434 người mắc bệnh lao, tăng 33,3% so với cùng kỳ 2021 (6.327). Đáng lo ngại hơn, số ca lao kháng thuốc ngày càng tăng. Đây là tình trạng vi khuẩn lao kháng lại thuốc chống lao khiến việc điều trị trở nên phức tạp và tốn kém, khả năng hồi phục của bệnh nhân không cao. Nguy hiểm hơn, người bệnh trở thành nguồn lây vi khuẩn lao kháng thuốc cho cộng đồng và hiện tình trạng có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho công tác điều trị và phòng chống lao cộng đồng.

Bệnh lao có thể gặp tại tất cả các bộ phận trong cơ thể, trong đó lao phổi là phổ biến nhất (chiếm 80% - 85% số ca bệnh). Ngoài ra, lao tiến triển nặng thành các thể lao ngoài phổi như lao hạch, lao màng bụng, lao da, lao xương, lao khớp, lao màng não, lao màng tim,...

Theo BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, đối với lao màng não, bệnh khởi phát khi vi khuẩn lao đi theo đường máu đến tấn công vào màng não. Dù chỉ chiếm 5% tổng số các ca bệnh lao nhưng bệnh là mối nguy hiểm khó nhận biết ở trẻ em, đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi 1-5 tuổi. Do giai đoạn này hệ miễn dịch của trẻ còn rất yếu ớt, dễ nhiễm khuẩn lao và gây bệnh, bệnh dễ tiến triển nặng khi tấn công vào khu vực thần kinh trung ương, đặc biệt là màng não - vi khuẩn lao khu trú và gây bệnh nguy hiểm tại đây.

Hệ miễn dịch của trẻ nhỏ rất yếu ớt, dễ mắc lao màng não và các bệnh truyền nhiễm khác nếu không được chủng ngừa

Lao màng não thường khởi phát với những triệu chứng không đặc hiệu, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh thông thường như cảm, cúm, rối loạn tiền đình, viêm xoang, rối loạn tâm lý… Do đó, các triệu chứng thường khó nhận biết, dễ bỏ qua. Thường trẻ bị lao màng não được phát hiện và nhập viện trong tình trạng nặng, lúc đó các triệu chứng đã thể hiện rõ như sốt cao, kéo dài; nhức đầu khu trú hoặc lan tỏa, cơn đau liên tục hoặc từng cơn và tăng lên khi có kích thích tiếng động hoặc ánh sáng (lúc này bệnh nhân nhức đầu kết hợp với tăng trương lực cơ, nằm ở tư thế co người, quay mặt vào trong tối); nôn do tăng áp lực nội sọ; nôn vọt không liên quan tới bữa ăn; đau bụng; đau các khớp; đau ở cột sống và các chi, các cơn động kinh cục bộ hoặc toàn toàn thể, rối loạn ý thức từ nhẹ đến nặng là hôn mê.

"Các biểu hiện bệnh ở giai đoạn muộn của lao màng não cũng có thể gặp ở các căn bệnh về não khác nên ngay cả bác sĩ cũng có thể cũng có thể chẩn đoán nhầm và tập trung điều trị các bệnh về não, bỏ qua lao. Mặt khác lúc này, tình trạng bệnh đã rất nặng, tỷ lệ tử vong cao đến 80%, nếu may mắn được cứu sống trẻ phải chịu những di chứng lâu dài của lao màng não ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống và tương lai của chính đứa trẻ đó, như bại não, liệt chi, động kinh, câm, điếc, mù, sa sút trí tuệ...", BS. CKI Bạch Thị Chính cho biết thêm.

Vaccine phòng lao BCG được Bộ Y tế khuyến cáo tiêm phòng cho trẻ trong vòng 1 tháng tuổi đến 1 năm sau sinh, nhằm ngăn chặn bệnh tiến triển thành các thể lao nguy hiểm, phòng ngừa lao màng não hiệu quả.

Với những trẻ sinh ra có đủ sức khỏe, không nằm trong chế độ chăm sóc đặc biệt thì thường được tiêm phòng lao trong vòng 24h sau sinh. Những trẻ sinh non hoặc có vấn đề về sức khỏe cần theo dõi, chăm sóc đặc biệt thì có thể hoãn tiêm đến khi trẻ có thể trạng tốt, tuy nhiên cần tiến hành tiêm phòng lao cho trẻ càng sớm càng tốt. Chậm trễ trong tiêm phòng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao ở trẻ, thậm chí nhiều trẻ mắc lao chỉ trong vài ngày sau sinh.

Đối với người lớn không mắc bệnh lao và chưa được chủng ngừa trước đây nhưng thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố phơi nhiễm như nhân viên y tế làm tại các đơn vị phòng chống lao hoặc các cơ sở y tế có bệnh nhân lao đến khám; cán bộ quản giáo, nhân viên làm việc tại các trại giam, trại giáo dưỡng,... cũng nên được chủng ngừa. Ngoài ra, BCG cũng rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiễm loét Buruli và các khuẩn lao không điển hình khác.

Nhằm mang đến cho người dân những thông tin Y khoa bổ ích, chính thống về bệnh lao và các phương pháp phòng bệnh hiệu quả, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng cho Trẻ em & Người lớn VNVC phối hợp cùng Đài truyền hình Việt Nam VTV và các đơn vị truyền thông uy tín khác tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến: "Vắc xin phòng lao và các vắc xin quan trọng cho trẻ ngay đầu đời".

Trẻ mắc lao có thể sa sút trí tuệ suốt đời - Ảnh 1.

Thời gian: 20 giờ thứ Sáu, ngày 28/10/2022.

Với sự tham gia của các chuyên gia:

- PGS.TS.BS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế;

- BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC;

- BSNT Phan Thị Thu Minh - Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.

Chương trình được phát trên các nền tảng như: Đài THVN, Đài THVL, fanpage Báo điện tử VnExpress, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước