"Trụ cột gia đình là của nam giới" - Tự hào hay áp lực?

Nguyệt Ánh (Ban Thời sự)-Thứ hai, ngày 16/11/2020 19:44 GMT+7

VTV.vn - Nhiều nam giới vẫn vỗ ngực tự hào mình là trụ cột trong nhà, nuôi mấy miệng ăn, việc nặng nhọc do một mình gánh cả. Tuy nhiên, thực tế nó chưa chắc đã là niềm tự hào.

Có tới gần 1/4 nam giới cảm thấy áp lực trong cuộc sống, trong đó phần lớn là áp lực về tài chính, gây ảnh hưởng sức khỏe cả thể chất và tinh thần.

Đây là một trong những phát hiện từ cuộc nghiên cứu quy mô lớn đầu tiên về nam giới và nam tính tại Việt Nam mới được công bố.

Cùng với đó, nghiên cứu cho thấy các chuẩn mực giới truyền thống vẫn tồn tại, tiếp nối qua nhiều thế hệ, điển hình là vai trò "trụ cột gia đình là của nam giới".

Trụ cột gia đình là của nam giới - Tự hào hay áp lực? - Ảnh 1.

Gánh nặng trụ cột gia đình

Chỉ sau nửa năm phát hiện và điều trị ung thư dạ dày, giờ ông Đình ở Xã Hải Bắc, Tiền Hải, Thái Bình, sút tới gần 10kg. Mọi sinh hoạt đều phải dựa vào vợ. Giờ mỗi ngày trôi qua với đôi vợ chồng này thật nặng nề bởi căn bệnh của ông phát hiện quá muộn, đã di căn tụy.

Trăn trở vì cuộc sống gia đình chưa thể khấm khá, ông Đình vẫn không trút bỏ vai trò trụ cột gia đình đè nặng đôi vai, ngay cả khi đã ngoài 60 tuổi, đông con nhiều cháu. Cùng 7 sào ruộng, ông còn chăn bò, cày thuê, phụ hồ, dọn rác… không nề hà lao động nặng nhọc, không quan tâm sức khỏe bản thân.

Trụ cột gia đình là của nam giới - Tự hào hay áp lực? - Ảnh 2.

Vợ chồng ông Đình.

Tâm lý ấy dường như ăn sâu bám rễ vào mỗi gia đình, nhất là ở vùng nông thôn. Như nhà ông Tăng, tuy không thuộc diện khấm khá ở vùng quê này nhưng cũng đã qua giai đoạn khốn khó, gọi là đủ ăn đủ mặc. Giờ sức khỏe đã giảm sút, ông không đảm trách vai trò kiếm tiền nữa nhưng với gia đình, ông vẫn là trụ cột và là người quyết định mọi việc.

8 tháng trước, gia đình ông Tăng đón nhận niềm vui vô bờ bến khi cháu đích tôn chào đời. Trước đó, con trai duy nhất của ông lập gia đình, đã có 3 cô con gái. Giờ thì đến con trai ông Tăng đang dần đảm trách vai trò chính, thay bố.

Áp lực của vai trò trụ cột, ốm cũng phải cố, không muốn cũng phải làm, câu chuyện ở vùng quê Thái Bình này có thể bắt gặp ở bất cứ đâu, bất cứ hoàn cảnh nào ngay cả những thành phố lớn. Trọng trách trụ cột gia đình gần như đóng đinh vào nam giới Việt Nam với bổn phận trước nhất là nuôi sống gia đình. Với nhiệm vụ bất khả thi này, nam giới phải đối mặt với nhiều áp lực xã hội.

Hệ lụy từ áp lực đối với nam giới

Trụ cột gia đình là của nam giới - Tự hào hay áp lực? - Ảnh 3.

Áp lực "trụ cột" khiến nam giới chịu nhiều áp lực.

Trong nghiên cứu đầu tiên về nam giới của Viện nghiên cứu Phát triển xã hội mới công bố, kết quả khảo sát cho thấy áp lực này giảm theo độ tuổi nhưng tăng theo trình độ học vấn và thời gian làm việc. Hệ lụy là dẫn đến những cảm xúc tiêu cực.

Cứ 10 nam giới thì có 7 người hút thuốc và 6 người đã từng uống say xỉn ít nhất 1 lần. Thậm chí có tới 3% đã từng có ý định tự tử. Tỷ lệ người chồng đã có hành vi bạo lực về thể xác đối với vợ là 8%, bạo lực về tình cảm lên tới 51%, bạo lực bằng lời nói là 25%. Tỷ lệ này ở nông thôn cao hơn một chút so với thành thị nhưng sự khác biệt không đáng kể. Tư tưởng gia trưởng là nguyên nhân chính dẫn đến bạo lực gia đình.

Quan điểm về vai trò của nam giới

Có một vấn đề là ở Việt Nam bấy lâu nay, các vấn đề về giới hay thúc đẩy bình đẳng giới vẫn được coi là vấn đề của phụ nữ. Không chỉ phái mạnh mà ngay cả phái yếu cũng hằn sâu nếp nghĩ về việc nhà, chăm lo con cái là việc nhẹ.

Từ quan điểm ăn sâu vào nếp nghĩ ấy, dường như tạo nên vòng tròn luẩn quẩn: Vai trò trụ cột đè nặng lên đôi vai nam giới càng làm tăng bất bình đẳng giới và ngược lại. Quan điểm phụ nữ không thể làm trụ cột ăn sâu vào cách nghĩ của bố, truyền lại cho cho con trai, từ mẹ rồi lại truyền cho con gái. Từ bất bình đẳng giới sẽ nảy sinh nhiều vấn đề mà điển hình nhất vẫn là mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh tại Việt Nam, thậm chí đang ở mức nghiêm trọng.

Báo động mất cân bằng giới tính khi sinh

Lớp mẫu giáo lớn của trường mầm non xã Hải Bắc, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, sĩ số 37 thì có 24 là trẻ nam và 13 trẻ gái.

Trụ cột gia đình là của nam giới - Tự hào hay áp lực? - Ảnh 4.

Sự mất cân bằng giới tính ngày càng thể hiện rõ.

Tại địa phương này, năm 2017, tỷ số giới tính khi sinh là 125 trẻ trai/100 trẻ gái. Năm 2018 có giảm nhưng năm 2019 lại tăng lên 121 trẻ trai/100 trẻ gái. Đặc biệt, 10 tháng năm nay đã tăng lên thành 124 trẻ trai/100 trẻ gái, trở thành 1 trong những xã đứng đầu tỉnh Thái Bình về mất cân bằng giới tính khi sinh.

Ở đây, phổ biến ở những gia đình chưa có con trai, họ sẵn sàng sinh thêm con thứ 3, thứ 4, thậm chí cố đứa thứ 5. Nhưng điều đáng nói là, ngay cả ở những gia đình đã có con trai, họ cũng cố sinh thêm, được con trai nữa thì càng tốt.

Sinh thêm con trai đề phòng rủi ro, tâm lý mới phát sinh thời gian gần đây càng làm trầm trọng hơn tình trạng mất cân bằng giới tính. Và tương lai, khi nam thừa, nữ thiếu sẽ dẫn đến hàng loạt thách thức lớn, điển hình như khó tìm vợ, mất cân đối về nhân sự trong các ngành nghề xã hội, gia tăng các tệ nạn xã hội.

Tuy nhiên, chỉ có những người đã lập gia đình mới thấu hiểu không việc nào được coi là nặng hay nhẹ, đừng nghĩ việc dọn nhà, nấu cơm, chăm con là dễ hơn chuyện kiếm tiền. Việc tích cóp xây nhà mua xe lại khó hơn, quan trọng hơn việc dạy con và giáo dục con. Việc gì cũng có cái khó, có ý nghĩa trong xây dựng gia đình, chồng hay vợ đều là cột kèo quan trọng trong nhà và khi cả hai cùng sẻ chia việc nhà, đó là một mái nhà hạnh phúc.

Việt Nam sẽ thiếu hàng triệu phụ nữ do mất cân bằng giới tính Việt Nam sẽ thiếu hàng triệu phụ nữ do mất cân bằng giới tính

VTV.vn - Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 đến 4,3 triệu phụ nữ do mất cân bằng giới tính.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước