Việc trưng bày các tác phẩm ảnh để quảng bá cho các studio ảnh hay tiệm ảnh là điều hiển nhiên và là yếu tố quan trọng để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, chính yếu tố này lại dẫn đến một hành vi xâm phạm bản quyền nghiêm trọng đó là sử dụng ảnh của đơn vị khác để quảng cáo hay thương mại hóa cho đơn vị mình.
Cùng một tác phẩm ảnh chân dung doanh nghiệp nhưng lại có đến 2 đơn vị cùng sở hữu. Một bên khẳng định chắc nịch rằng ảnh do chính bên mình chụp, còn một bên cũng khẳng định ảnh do mình chụp cho khách hàng là một trường đại học.
Theo anh Phạm Thành Long - chủ Studio ảnh Time Studio, bức ảnh bị vi phạm bản quyền do anh chụp cho một trường đại học ở Hà Nội vào năm 2017. Ảnh được chụp bằng định dạng RAW - định dạng xuất trực tiếp ra máy ảnh, không thể làm giả được. Thời gian chụp là ngày 29/9/2017.
"Cách đây 10 ngày tôi có tìm từ khóa về sản phẩm của mình thì vô tình phát hiện bức ảnh của tôi bị một đơn vị khác sử dụng, khi tôi mở ra thì không chỉ có bức ảnh đó mà còn có những bức ảnh khác, thậm chí họ còn sử dụng cả nội dung của tôi" - anh Long nói.
Dù anh Long đã có ý kiến về việc này từ hơn 10 ngày trước nhưng đến nay, nội dung quảng cáo vẫn chưa được gỡ bỏ và anh Long cũng không nhận được bất cứ phản hồi nào.
Để bảo vệ quyền tác giả của mình, nhiều studio, nhiếp ảnh gia đã tìm đến các luật sư, cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi, tuy nhiên do những khó khăn về tài chính cũng như rắc rối giấy tờ nên đa số vẫn chọn cách giải quyết dựa trên tình cảm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!