Xả rác thải nhựa khắp mọi nơi
Rác thải nhựa được xả ra ở mọi nơi, mọi lúc. Từ nông thôn đến thành phố, bất kỳ ai cũng không còn xa lạ với cảnh rác thải nhựa vương vãi khắp nơi, từ các loại chai nhựa, hộp nhựa đến túi nylon dùng một lần. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm mất cảnh quan đô thị, đường phố.
Rác thải nhựa được xả thải ngay trên vỉa hè.
Nguyên nhân xuất hiện nhiều rác thải nhựa phần lớn là do việc trao đổi, mua bán của người dân tại các cửa hàng tạp hóa, quán ăn đường phố, các khu công viên… Đa phần mọi mặt hàng đều được đựng bằng túi nylon hoặc hộp, cốc nhựa dùng một lần. Đặc biệt, trong quá trình mua bán, việc sử dụng túi nylon dường như đã trở thành thói quen của người dân.
Ông Đức Quỳnh, người dân sống gần khu vực chợ Linh Lang, quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ: "Mỗi khi đi chợ, do bất tiện nên tôi không mang theo túi đựng. Mặc dù túi nylon gây hại cho môi trường nhưng không thể làm khác vì người bán chỉ cung cấp túi nylon".
Tiện lợi nhưng hậu quả lâu dài
Các sản phẩm đồ nhựa dùng một lần thực sự rất tiện lợi trong cuộc sống hiện nay. Sự tiện lợi của chúng đến từ việc chỉ phải sử dụng một lần duy nhất, các cửa hàng, quán ăn cũng chỉ mất rất ít chi phí để mua những đồ nhựa dùng một lần này. Tuy nhiên, hậu quả để lại từ những đồ nhựa dùng một lần này rất khôn lường.
Rác thải nhựa dễ sản xuất nhưng rất khó phân hủy. Mỗi loại rác thải nhựa có thời gian phân hủy khác nhau. Nhưng nhìn chung, rác thải nhựa mất tới hàng chục, hàng trăm năm mới có thể phân hủy. Ngoài ra, việc xử lý rác thải nhựa còn nhiều bất cập, hiểu biết của người dân về rác thải nhựa còn kém, việc xử phạt hành vi xả rác thải nhựa ra môi trường chưa nghiêm khắc khiến rác thải nhựa tràn lan khắp mọi nơi.
Thực phẩm được đựng bằng túi nylon. Ảnh minh họa..
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có đến khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường mỗi năm ở Việt Nam. Nhưng số lượng rác thải nhựa trong số đó được tái chế và sử dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp chỉ chiếm 27%. Số rác thải nhựa còn lại bị chôn, lấp trong lòng đất hoặc thải ra biển.
Biện pháp xử lý rác thải nhựa đúng cách
Song song với việc đưa ra thực trạng và hậu quả của rác thải nhựa. Cần có các chủ trương, chính sách nhằm đưa ra những phương án xử lý rác thải nhựa một cách hiệu quả, không để rác thải nhựa gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe như: hạn chế đốt hay chôn lấp rác thải nhựa, thay vào đó hãy phân loại và thu gom để chuyển cho đơn vị xử lý,…
Ông Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, để giảm rác thải nhựa về lâu dài, cần xác định những mục tiêu cụ thể và buộc phải dựa trên những cơ sở khoa học. Nguồn gốc của nhựa là polymer, để phân hủy được nó thì chúng ta phải có những quy định, chế tài ngay từ nhà sản xuất sản phẩm nhựa, đặc biệt là sản phẩm dùng 1 lần thì buộc phải có phụ gia để sau này phân hủy nhanh hơn.
Các hộ gia đình nên tái chế và sử dụng lại các hộp nhựa, chai nhựa dùng một lần bằng những cách: làm những lọ hoa để bàn, dụng cụ tưới nước cho cây, hộp đựng bút,… thông qua đó góp phần làm giảm đi lượng rác thải nhựa.
Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phát động các phong trào về rác thải nhựa để xây dựng ý thức, trang bị kiến thức, góp phần thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc giảm thiểu và xử lý rác thải nhựa.
Giảm thiểu và xử lý rác thải nhựa đúng cách đang là việc ưu tiên để bảo vệ môi trường hiện nay. Chính vì vậy, cả cộng đồng cần chung tay, cố gắng thay đổi từ hôm nay bằng những hành động nhỏ nhất để bảo vệ môi trường khỏi hiểm họa từ rác thải nhựa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!