“Mỗi đoàn tàu Nhổn - ga Hà Nội có khả năng chuyên chở 944 - 1.124 người, với mật độ khoảng từ 6,6 - 8 người/m2 và khai thác với tốc độ thương mại 35km/h. Khi tuyến đường sắt này vận hành chính thức sẽ vận hành liên tục 8 đoàn, 1 đoàn tàu được dự bị để phục vụ giờ cao điểm khi quá tải và 1 đoàn tàu phục vụ cứu hộ khi có trường hợp khẩn cấp”, đại diện MRB cho biết.
Đoàn tàu thứ 10 - đoàn tàu cuối cùng của dự án đường sắt đô thị (metro) Nhổn - ga Hà Nội, sau khi được vận chuyển từ Pháp về cảng Hải Phòng đã về tới Hà Nội bằng đường bộ. Tuy nhiên, phần trên cao của dự án khó thể khai thác được vào cuối năm nay như kế hoạch vì một số hạng mục chưa hoàn thành.
Ngày 18/9, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, đoàn tàu thứ 10, cũng là đoàn cuối cùng của dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã được vận chuyển về cảng Hải Phòng vào ngày 16/9. Hiện đang trên đường về Depot Nhổn bằng xe ô tô đầu kéo. Trước đó, đoàn tàu đầu tiên được đưa về nước vào tháng 10/2020. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc sản xuất, vận chuyển các đoàn tàu bị chậm hơn vài tháng so với kế hoạch.
Do tác động của dịch COVID-19, thời gian vận chuyển các thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài về tới công trường chậm hơn so với kế hoạch và việc huy động chuyên gia nước ngoài cũng bị ảnh hưởng đáng kể, khiến tiến độ dự án chậm hơn so với dự kiến khoảng 10%.
Trước đó, do dự án gặp nhiều khó khăn và chậm trễ nên UBND TP Hà Nội phải điều chỉnh tiến độ khai thác đoạn trên cao vào tháng 4/2021, khai thác toàn tuyến vào cuối năm 2022. Ngoài ra, tổng mức đầu tư dự án cũng đã tăng lên 1 tỷ 176 triệu Euro thay vì mức 783 triệu Euro như ban đầu.
Hiện cả 4 toa của đoàn tàu cuối cùng đã được xếp lên xe ô tô đầu kéo, dự kiến ngày 21/9 sẽ được đưa về Depot Nhổn để lắp ráp và thử nghiệm theo quy trình dự án.
Từ tháng 7/2021, nhà thầu bắt đầu chạy thử nghiệm liên động các đoàn tàu tại Depot và đoạn đi trên cao Nhổn - Cầu Giấy. Theo quy trình, các đoàn tàu và hệ thống thông tin, tín hiệu sẽ được kiểm tra nghiệm thu tĩnh trong Depot (không điện và có điện), chạy thử trên tuyến chính, liên động tích hợp với các hệ thống thiết bị của dự án; kiểm tra nghiệm thu chạy thử và nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng.
Hạng mục đoàn tàu thuộc gói thầu CP06 (thiết kế, lắp đặt hệ thống đường sắt 1: đầu máy toa xe, thiết bị Depot, CC/SCAD, tín hiệu, thông tin và cấp điện), trị giá hơn 7.767 tỷ đồng, được MRB và liên danh nhà thầu Alstom Transport S.A - Colas Rail S.A - Thales Communication & Security S.A.S ký kết vào tháng 1/2017.
Đoàn tàu được thiết kế với ngoại thất, đoàn tàu nổi bật với ba màu xanh lá mạ, hồng đỏ và trắng được lấy cảm hứng từ cây lúa, quả thanh long. Phần đầu tàu với với biểu tượng Khuê Văn Các - đặc trưng của Thủ đô Hà Nội. Thân tàu sử dụng vật liệu hợp kim nhôm có trọng lượng nhẹ, tuổi thọ cao, thân thiện với môi trường. Mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, mỗi toa hành khách đều có 4 cửa đối diện nhau, hoạt động theo hướng di chuyển của tàu.
Nội thất bên trong tàu với các gam màu sáng cùng hệ thống đèn LED ánh sáng trắng sẽ luôn tạo cảm giác thoáng đãng, mang đến sự thoải mái, dễ chịu cho hành khách khi ở trên tàu. Bên cạnh đó là hệ thống kính chống lóa, giúp hành khách dễ dàng quan sát khung cảnh bên ngoài. Hệ thống điều hòa không khí hai chiều có thể điều chỉnh nhanh để chênh lệch nhiệt độ trong tàu và bên ngoài không quá 10oC.
Mỗi toa hành khách được bố trí 4 dải ghế dài. Chiều cao của khoang là 210cm, từ đến tay dây nắm là 160cm để phù hợp với vóc dáng của đa số hành khách.
Trong khoang hành khách có hệ thống phát thanh, camera có màn hình quan sát trực tiếp tại toa cabin để kịp thời xử lý những trường hợp khẩn cấp và hệ thống phát hiện cháy và khói độc lập, đèn LED tự động điều chỉnh ánh sáng cho phù hợp khi đi vào đoạn ngầm...
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao vào 4km đi ngầm. Về thời gian khai thác, theo MRB, trước đây dự kiến sẽ khai thác, vận hành trước đoạn trên cao vào cuối năm 2021 và toàn cuối vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và một số khó khăn khác nên đến hết tháng 8/2021, toàn dự án mới đạt 84% tiến độ, riêng đoạn trên cao đạt hơn 91%. Vì vậy, dự án không kịp hoàn thành, đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào cuối năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!