Tuyên Quang: Hơn 20 năm đi tìm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Bài 1)

Lê Giang - Phùng Anh-Thứ hai, ngày 07/10/2024 06:00 GMT+7

VTV.vn - 7 hộ dân ở phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) suốt hơn 2 thập kỷ qua phải sống trong thấp thỏm, lo âu vì chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hơn 20 năm đi tìm "sổ đỏ"

Tuyên Quang: Hơn 20 năm đi tìm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Bài 1) - Ảnh 1.

Khu dân cư tổ 9 phường Mỹ Lâm, Tp Tuyên Quang.

Năm 2002, UBND huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang tiến hành thu hồi đất của 7 hộ dân tại thôn Đát Khế, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang để triển khai dự án "Trại bò sữa Phú Lâm". Sau khi thu hồi đất, UBND huyện Yên Sơn đã bàn giao cho 7 hộ gia đình này mỗi hộ 1 lô đất thổ cư có diện tích 400m2 theo diện "tái định cư tại chỗ". Đến năm 2020, có sự điều chỉnh danh giới địa chính, xã Phú Lâm được sát nhập vào Thành phố Tuyên Quang và đổi tên thành phường Mỹ Lâm. Hiện tại, 7 hộ gia đình này có địa chỉ ở tổ 9 phường Mỹ Lâm, Thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang.

Tuyên Quang: Hơn 20 năm đi tìm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Bài 1) - Ảnh 2.

Đơn xin đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 7 hộ gia đình tổ 9 phường Mỹ Lâm, Thành phố Tuyên Quang.

Theo phản ánh của các gia đình, kể từ khi nhận bàn giao đất tái định cư vào năm 2002 đến nay, tức là sau gần 22 năm, cả 7 hộ gia đình đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này khiến cho cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu vì chưa được "an cư".

Tuyên Quang: Hơn 20 năm đi tìm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Bài 1) - Ảnh 3.

Bà Trần Thị Chấn (vợ ông Âu Văn Sâm) một trong 7 hộ gia đình sống tại tổ 9, phường Mỹ Lâm chia sẻ: "Trước đây gia đình tôi sống tại thôn Đát Khế, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, nay thuộc tổ 9 phường Mỹ Lâm, Thành phố Tuyên Quang. Vào năm 2001 - 2002 có dự án trại bò Phú Lâm tại thôn Đát Khế này. Dự án thu hồi đất của tôi, khi đó chúng tôi chỉ biết được tiền đền bù thì chúng tôi thấy thích. Việc trả tiền bồi thường lúc đó chia ra thành nhiều lần nhỏ lẻ, tôi phải đi 4 – 5 lần mới lấy hết số tiền đó. Đến lần cuối cùng nhận tiền, tôi nhớ khi đó có một cán bộ giữ lại số tiền 4.500.000 đồng nói để sau này làm sổ đỏ, số tiền này chúng tôi không được nhận biên lai thu tiền, cũng như không được ký nhận một giấy tờ gì để xác nhận việc nộp tiền làm sổ đỏ. Khi huyện Yên Sơn thu hồi đất, thửa đất của gia đình tôi lúc đó đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vậy mà khi nhận đất tái định cư, sau gần 22 năm tôi vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất này".

Tuyên Quang: Hơn 20 năm đi tìm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Bài 1) - Ảnh 4.

Trong hồ sơ dự toán đền bù + hỗ trợ có ghi chú: Gia đình bà Trần Thị Chấn (vợ ông Âu Văn Sâm) tại thời điểm bị thu hồi đất năm 2002 đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 757183.

Tuyên Quang: Hơn 20 năm đi tìm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Bài 1) - Ảnh 5.

Nhắc đến chuyện trả tiền đền bù đất, bà Nịnh Thị Cảnh (vợ ông Hoàng Văn Tính) cho biết: "Thời điểm thu hồi đất ban di dân trả tiền đền bù cho chúng tôi rất nhỏ giọt, phải sau 2 năm mới được nhận hết. Đến lần nhận tiền cuối cùng thì chúng tôi được yêu cầu phải nộp 4.500.000 đồng để làm sổ bìa đỏ, nhà nào cũng phải nộp. Khi chúng tôi nộp cũng không thấy cán bộ đưa biên lai nộp tiền. Chúng tôi cũng tin tưởng và nộp nhưng mãi sau hơn 20 năm mong muốn nhìn thấy sổ đỏ nhưng vẫn chưa có".

Tuyên Quang: Hơn 20 năm đi tìm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Bài 1) - Ảnh 6.

Cùng cảnh ngộ với các gia đình khác, ông Âu Văn Kiểm (tổ 9, phường Mỹ Lâm) kể lại: "Từ suốt những năm 2004, chúng tôi đã đi hỏi về việc cấp sổ đỏ cho gia đình nhưng đều không nhận được câu trả lời. Tôi nhớ ngày đó ông chủ tịch xã Phú Lâm còn nói với tôi rằng, số tiền làm sổ bìa đỏ 4.500.000 đồng vẫn ở đây, cán bộ vẫn còn làm việc ở đây, sau này rồi sẽ được cấp sổ đỏ. Vậy mà đã hơn 20 năm gia đình tôi vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất".

Bà Hầu Thị Hợi (tổ 9, phường Mỹ Lâm) cho hay: "Năm nào chính quyền xã và chính quyền huyện cũng về đo đạc, nhưng chờ mãi, chờ mãi mà vẫn không thấy được cấp sổ đỏ".

Gặp khó khăn khi không có "sổ đỏ"

Suốt hơn 20 năm, cuộc sống của 7 hộ gia đình tại tổ 9 phường Mỹ Lâm gặp muôn vàn khó khăn, nhất là khi các thành viên trong gia đình lớn lên, đến tuổi lập gia đình. Việc không có sổ đỏ đã làm cho các hộ gia đình này không thể tách thửa, đăng ký biến động đất đai, hay vay vốn ngân hàng để làm ăn kinh doanh.

Bà Trần Thị Chấn (phường Mỹ Lâm) tâm sự với phóng viên: "Con cái bây giờ càng ngày càng lớn, nhà đã cũ, xuống cấp nhiều, gia đình tôi muốn xin tách đất để làm nhà mới cho con cũng không làm được. Vừa rồi gió bão gia đình tôi rất lo sợ bị đổ nhà. Đã rất nhiều lần người dân chúng tôi đến hỏi chính quyền địa phương về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng chính quyền địa phương khi đó là UBND xã Phú Lâm trả lời rằng chưa cấp được bởi vì đang có sự nhầm lẫn hồ sơ giấy tờ với đất ở xã Hoàng Khai, khi nào tìm được hồ sơ, giấy tờ mới có thể cấp được sổ đỏ".

"Nhiều khi gia đình thiếu vốn làm ăn, chúng tôi muốn vay vốn cũng không được ngân hàng cho vay. Khó khăn quá gia đình tôi phải đi vay lãi để trang trải cuộc sống. Gia đình tôi 4 người con đều đã lớn, giờ muốn tách thửa để phân chia đất cho các con cũng không được vì chưa có sổ đỏ". Bà Nịnh Thị Cảnh (vợ ông Hoàng Văn Tính) cho biết.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gặp nhiều vướng mắc

Nhận được phản ánh của người dân tổ 9 phường Mỹ Lâm, phóng viên Thời báo VTV đã liên hệ UBND phường Mỹ Lâm để tìm hiểu thông tin. Tại đây phóng viên đã có buổi làm việc với ông Lê Việt Anh - Chủ tịch UBND phường Mỹ Lâm.

Tuyên Quang: Hơn 20 năm đi tìm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Bài 1) - Ảnh 7.

Ông Lê Việt Anh - Chủ tịch UBND phường Mỹ Lâm, Tp Tuyên Quang.

Ông Việt Anh cho biết, sau khi huyện Yên Sơn thu hồi đất của người dân thôn Đát Khế để thực hiện dự án "Trại bò sữa Phú Lâm", UBND huyện đã giao đất tái định cư và các hộ gia đình đã ở ổn định từ thời điểm đó đến nay.

Thời điểm trước năm 2020, UBND xã Phú Lâm cũng đã lập hồ sơ trình UBND huyện Yên Sơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 7 hộ gia đình, tuy nhiên sau một thời gian vẫn chưa được cấp.

Trong thời gian đó, xã Phú Lâm được sát nhập về thành phố Tuyên Quang và đổi tên thành phường Mỹ Lâm. Sau khi sát nhập về thành phố Tuyên Quang, các hồ sơ, tài liệu của công trình dự án có một số xáo trộn, do đó mà đến nay các hộ vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Việt Anh cho biết thêm, khi tiếp nhận đơn từ các hộ gia đình liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND tỉnh Tuyên Quang cũng như UBND thành phố Tuyên Quang đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng có thẩm quyền để xem xét việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình này.

Theo Chủ tịch UBND phường Mỹ Lâm, hiện nay đang vướng mắc ở khâu hồ sơ, tài liệu đang chưa đầy đủ. Chưa đủ căn cứ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các cơ quan như UBND thành phố Tuyên Quang và UBND huyện Yên Sơn đang phối hợp để sao lục các hồ sơ, tài liệu có liên quan để cung cấp cho UBND thành phố, khi đủ căn cứ UBND phường Mỹ Lâm sẽ hướng dẫn cho các gia đình lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân đảm bảo theo pháp luật hiện hành.

Căn cứ vào khoản 2 điều 89 Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) quy định:

Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo người dân có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ".

Thế nhưng trên thực tế, 7 hộ gia đình tại tổ 9 phường Mỹ Lâm đã luôn phải sống trong lo lắng, bất an vì chưa thể chứng minh quyền sở hữu hợp pháp với đất đai của mình trong suốt hơn 20 năm qua.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước