Tuyên Quang: Hơn 20 năm đi tìm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Bài 3)

Lê Giang - Phùng Anh-Thứ năm, ngày 10/10/2024 06:00 GMT+7

VTV.vn - Sau nhiều năm không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người dân gặp khó khăn trong việc xác định ranh giới khi tiếp tục bị thu hồi đất.

Chưa được cấp "sổ đỏ" lại bị thu hồi đất

Gia đình ông Hoàng Văn Tính là một trong 7 hộ gia đình sau hơn 20 năm chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại tổ 9 phường Mỹ Lâm, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang.

Vào năm 2022 nhà ông Tính lại tiếp tục nhận thông báo bị thu hồi đất để thực hiện dự án Xây dựng đường từ Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm đến Quốc lộ 2D kết nối với đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ.

Tuyên Quang: Hơn 20 năm đi tìm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Bài 3) - Ảnh 1.

Do không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên gia đình ông Tính gặp nhiều khó khăn để xác định chính xác vị trí, ranh giới thửa đất mà mình đang ở khi tiếp tục bị thu hồi để làm dự án.

Tuyên Quang: Hơn 20 năm đi tìm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Bài 3) - Ảnh 2.

Gia đình ông Hoàng Văn Tính (tổ 9 phường Mỹ Lâm, TP Tuyên Quang).

Thông báo số 26/TB-TTPTQĐ của UBND Thành phố Tuyên Quang về việc công khai lấy ý kiến nhân dân về khối lượng bồi thường, hỗ trợ công trình Xây dựng đường từ Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm đến Quốc lộ 2D kết nối với đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ (Lần 2 - Đợt 2)

Chị Hoàng Thị Viên là con gái thứ 3 của ông Hoàng Văn Tính cho biết, vào năm 2023 gia đình chị nhận được thông báo số 26/TB-TTPTQĐ của UBND Thành phố Tuyên Quang về việc công khai lấy ý kiến nhân dân về khối lượng bồi thường, hỗ trợ công trình Xây dựng đường từ Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm đến Quốc lộ 2D kết nối với đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ (Lần 2 - Đợt 2), mảnh đất của gia đình chị nằm trong phạm vi thu hồi đất của dự án, có diện tích bị thu hồi là 185,1m2. Cùng với biểu khai dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư công trình. Tại thời điểm đó gia đình chị Viên được Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố lên phương án bồi thường giao 2 lô đất tái định cư.

Thông báo số 40/TB-TTPTQĐ của UBND Thành phố Tuyên Quang về việc công khai lấy ý kiến nhân dân về khối lượng bồi thường, hỗ trợ công trình Xây dựng đường từ Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm đến Quốc lộ 2D kết nối với đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ (Lần 3 - Đợt 2),

Đến tháng 5/2024 gia đình chị tiếp tục nhận được thông báo số 40/TB-TTPTQĐ của UBND Thành phố Tuyên Quang về việc công khai lấy ý kiến nhân dân về khối lượng bồi thường, hỗ trợ công trình Xây dựng đường từ Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm đến Quốc lộ 2D kết nối với đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ (Lần 3 - Đợt 2).

Tuy nhiên ở thông báo này phương án bồi thường cho gia đình chị Viên là số tiền 1 tỷ 388 triệu đồng. Trong đó diện tích đất bị thu hồi là 48m2 theo diện đất ở đô thị đường QL 37 ( đất ở liền cạnh các ngõ ngách còn lại) theo giá đất cụ thể tại Quyết định số 435/QĐ-UBND ngày 4/7/2022 của UBND tỉnh Tuyên Quang với số tiền bồi thường hơn 15 triệu đồng, cùng với số tiền đền bù vật kiến trúc khoảng 1 tỷ 356 triệu đồng. Theo như thông báo này, gia đình chị sẽ không được bồi thường 2 lô đất tái định cư như thông báo số số 26/TB-TTPTQĐ của UBND Thành phố Tuyên Quang trước đó.

Sau khi nhận thông báo lần 3 - đợt 2, gia đình chị Viên (con gái ông Tính) đã gửi đơn khiếu nại lên UBND thành phố Tuyên Quang đề nghị xem xét lại với phương án bồi thường.

Tuyên Quang: Hơn 20 năm đi tìm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Bài 3) - Ảnh 5.

"Năm 2002 bố mẹ tôi được giao đất tái định cư tại đây với diện tích đất thổ cư 400m2 tính từ bờ rào đường đi lên, con đường này từ trước tới giờ là đường dân sinh đi lên núi, gia đình tôi và 6 hộ còn lại đều được cắm đất giống nhau tính từ bờ rào với chiều sâu 26,6m và chiều rộng 15m và không hề có hành lang đường.

Năm 2022 nhà nước lại có dự án xây dựng tuyến đường 2D qua đây và đến kiểm kê đất của gia đình tôi. Sau khi kiểm kê đã ra biểu thông báo bồi thường lần 2 - đợt 2 cho gia đình tôi 2 lô đất tái định cư. Đến lần 3 - đợt 2 lại cắt hết đất tái định cư của gia đình tôi.

Khi Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất và các cán bộ vào đo đạc xác định vị trí vạch sơn để thu hồi đất thì có nói từ vị trí vạch sơn đổ xuống dưới đường khoảng 10m là đất hành lang. Với cách đo như vậy thì diện tích đất thu hồi của gia đình tôi chỉ là 48m2, không đủ điều kiện được giao đất tái định cư. Trong khi thực tế gia đình tôi sẽ bị mất đi phần đất với diện tích hơn 200m2. Tôi không hiểu tại sao lại tính như vậy trong khi con đường này chỉ là đường dân sinh, đường đi lên núi mà lại tính hành lang đường 10m". Chị Viên cho hay.

Việc khó khăn khi xác định vị trí, ranh giới cũng như chỉ giới quy hoạch đường giao thông đã làm cho gia đình chị Viên không biết mình đã bị thu hồi đất đúng theo quy định của pháp luật hay chưa.

Chị Viên cung cấp cho phóng viên một tài liệu liên quan là "Sơ đồ hiện trạng thửa đất, nhà ở và tài sản khắc gắn liền với đất để cấp giấy chứng nhận cho chủ hộ gia đình bà Hầu Thị Hợi, tại thôn Đát Khế, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang". Đây là một trong những thủ tục quan trọng để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình bà Hợi, được tiến hành đo vẽ vào năm 2016.

"Sơ đồ hiện trạng thửa đất, nhà ở và tài sản khắc gắn liền với đất để cấp giấy chứng nhận cho chủ hộ gia đình bà Hầu Thị Hợi, tại thôn Đát Khế, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang".

Sơ đồ hiện trạng này thể hiện rõ thửa đất của gia đình nhà bà Hợi nằm ở vị trí giáp đường liên thôn đi quốc lộ 37 với chỉ giới quy hoạch giao thông là 5m và đã được chứng nhận bởi chủ tịch UBND xã Phú Lâm lúc đó là ông Nguyễn Công Tĩnh và công chức địa chính xã Phạm Văn Doanh cùng hộ giáp ranh với gia đình bà Hợi là ông Âu Văn Sâm.

Chị Viên cho rằng: "Nếu như theo sơ đồ hiện trạng này, thì tất cả 7 hộ dân được giao đất vào cùng 1 thời điểm tái định cư năm 2002, sẽ có hành lang giao thông giống nhau."

Tuyên Quang: Hơn 20 năm đi tìm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Bài 3) - Ảnh 7.

"Ngày xưa năm 2003 tôi ra ngoài này thì tôi cũng xin chính quyền cấp xã và chính quyền cấp huyện. Nhà nước có cấp cho thửa đất tính từ dưới mặt đường trở lên là bề ngang 15m, chiều ngang 26,6m". Bà Hầu Thị Hợi (tổ 9 phường Mỹ Lâm) cho biết.

Giao đất năm 2002, điều chỉnh quy hoạch năm 2015 mới bàn giao đất thổ cư

Để tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên Thời báo VTV đã có cuộc trao đổi với ông Trần Xuân Thiểm – Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Tuyên Quang.

Ông Thiểm cho biết, diện tích thu hồi đất đối với hộ gia đình ông Hoàng Văn Tính được tính theo diện tích gia đình được giao đất, trong phần diện tích giao đất có phần thu hồi xây dựng quốc lộ 2D. Được xác định theo bản đồ quy hoạch điểm tái định cư thôn Đát Khế xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang tỷ lệ 1/500 được phê duyệt năm 2015, thứ hai là biên bản giao đất cho hộ gia đình ngày 22/9/2015 cho gia đình ông Hoàng Văn Tính với diện tích là 400m2.

Tuyên Quang: Hơn 20 năm đi tìm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Bài 3) - Ảnh 8.

"Chúng tôi được biết công trình khu tái định cư Đát Khế có trình hồ sơ bồi thường từ năm 2005, còn thực hiện giao đất không thuộc phạm vi chức năng nhiệm vụ tôi, chúng tôi không nắm được. Mốc giới bản đồ như tôi đã nói, căn cứ theo biên bản giao đất năm 2015 và biên bản quy hoạch thôn Đát Khế 2015, chúng tôi cung cấp hồ sơ cho đơn vị tư vấn làm công tác đo đạc bản đồ để làm bản đồ thu hồi đất" - ông Thiểm cho hay.

Tuyên Quang: Hơn 20 năm đi tìm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Bài 3) - Ảnh 9.

Bản đồ quy hoạch điểm tái định cư Đát Khế được UBND huyện Yên Sơn phê duyệt năm 2015.

Tuyên Quang: Hơn 20 năm đi tìm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Bài 3) - Ảnh 10.

Khi phóng viên trao đổi về "Sơ đồ hiện trạng thửa đất, nhà ở và tài sản khắc gắn liền với đất để cấp giấy chứng nhận cho chủ hộ gia đình bà Hầu Thị Hợi, tại thôn Đát Khế, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang" để tìm hiểu thông tin về nội dung chỉ giới quy hoạch đường giao thông 5m, ông Thiểm nói rằng đó không phải chức năng nhiệm vụ của mình và từ chối trả lời.

Tuyên Quang: Hơn 20 năm đi tìm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Bài 3) - Ảnh 11.

Cũng trong buổi làm việc có một nhân viên của Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Tuyên Quang nói: "Ngày xưa dự án giao có 5m thôi. Năm 2015 có sự điều chỉnh mơi chính thức giao giấy (biên bản giao đất thổ cư) cho người ta. Thực tế trên thực địa đã giao cho người ta ở trước rồi".

Bản đồ thu hồi đất xây dựng tuyến đường quốc lộ 2D

Như vậy có nghĩa là "biên bản bàn giao đất thổ cư" với mốc thời gian bàn giao vào năm 2015 của 7 hộ dân tổ 9 phường Mỹ Lâm được lập dựa trên bản đồ quy hoạch điểm tái định cư Đát Khế được UBND huyện Yên Sơn phê duyệt năm 2015.

Và bản đồ thu hồi đất xây dựng tuyến đường quốc lộ 2D được đo đạc dựa vào bản đồ quy hoạch điểm tái định cư Đát Khế và biên bản giao đất thổ cư cho hộ gia đình nhà ông Hoàng Văn Tính được lập năm 2015.

Những dấu hỏi xung quanh "Biên bản giao đất thổ cư"

Sau khi tiếp nhận thông tin này, nhóm phóng viên đã quay trở lại tổ 9 phường Mỹ Lâm để trao đổi với 7 hộ gia đình. Tại thời điểm phóng viên cung cấp thông tin về việc biên bản bàn giao đất thổ cư được lập dựa trên bản đồ quy hoạch điểm tái định cư Đát Khế thì tất cả đại diện của 7 hộ gia đình đều cho biết đây là lần đầu tiên nhìn thấy bản đồ quy hoạch khu tái định cư thôn Đát Khế được phê duyệt năm 2015 và nhiều ý kiến hoài nghi về tờ biên bản bàn giao đất thổ cư được người dân chia sẻ.

Bà Hầu Thị Hợi (tổ 9 phường Mỹ Lâm) khẳng định: "Tôi cam đoan tôi không được ký biên bản giao đất thổ cư năm 2015. Tôi không hề biết gì về bản đồ quy hoạch điểm tái định cư thôn Đát Khế. Đến bây giờ mọi người nói tôi mới biết".

Tuyên Quang: Hơn 20 năm đi tìm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Bài 3) - Ảnh 14.

"Biên bản 2015 này tôi không được ký, mà sao nhìn chữ ký lại giống chữ ký của tôi. Tôi nhờ xem xét, giám định lại chữ ký của tôi. Chữ ký đó giống nhưng tôi không được ký. Đưa cho tôi về tôi đọc thì đã thấy biên bản viết ra năm 2015, tôi còn bất ngờ vì tôi chưa thấy, đến 2024 tôi mới nhìn thấy. Bản đồ quy hoạch tôi không được nhìn thấy bao giờ, tôi còn không biết bản đồ này như thế nào". Bà Trần Thị Chinh cho hay.

"Biên bản bàn giao đất tôi nhận vào tháng 4/2024. Tôi không được ký vào biên bản này. Lúc đấy chúng tôi không biết gì, cứ đưa là cầm, không nghĩ lại xảy ra những chuyện như này. Thực tế ra hỏi phường tờ giấy này gốc ở đâu, các anh ý lại bảo không có cái gốc, không có cái gốc thì làm gì có cái này, chúng tôi chưa thấy cái gốc của tờ này bao giờ. Tôi cũng chưa bao giờ nhìn thấy bản đồ quy hoạch điểm tái định cư thôn Đát Khế". Ông Âu Văn Kiểm cho biết.

Tuyên Quang: Hơn 20 năm đi tìm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Bài 3) - Ảnh 15.

Ông Hoàng Văn Tính chia sẻ: "Nếu nhìn chữ ký thì đúng chữ ký của tôi, nhưng tôi không được ký. Đúng ra phải cấp biên bản giao đất vào năm 2002 hoặc 2003, sao mãi đến 2015 mới có biên bản giao đất cho chúng tôi. Tờ giấy này tôi được nhận vào tháng 7/2024. Tôi chưa nhìn thấy tờ bản đồ quy hoạch điểm tái định cư thôn Đát Khế này bao giờ".

Những khúc mắc dần được hé lộ

Lúc này, nhóm phóng viên đã hiểu ra nguyên nhân của mọi mâu thuẫn. Tất cả xuất phát từ tờ giấy "biên bản bàn giao đất thổ cư" được lập vào mốc thời gian năm 2015.

Nếu như 7 hộ dân thực sự đồng ý ký biên bản bàn giao đất thổ cư này, đồng nghĩa với việc họ đồng ý với điều chỉnh quy hoạch điểm tái định cư thôn Đát Khế. Và theo quy hoạch điểm tái định cư thôn Đát Khế được phê duyệt vào năm 2015 thì vị trí xác định 7 thửa đất mà 7 hộ dân đang ở sẽ có thay đổi so với thời điểm nhận bàn giao đất năm 2002.

Nhưng theo những gì mà người dân chia sẻ về tính chính xác của biên bản bàn giao đất thổ cư này, thì có lẽ cần được các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc và xác minh.

Tuyên Quang: Hơn 20 năm đi tìm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Bài 3) - Ảnh 16.

Cũng như lời của ông Lê Việt Anh - Chủ tịch UBND phường Mỹ Lâm đã từng nói: "Bởi vì sự việc diễn ra ở thời điểm trước, của các cơ quan quản lý cấp thẩm quyền trước, nên tôi chưa thể khẳng định là chính xác".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước