Bắt đầu từ 15/6, các thí sinh sẽ làm hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng. Giống như mọi năm, các em vẫn được đăng ký số nguyện vọng xét tuyển không giới hạn. Tuy nhiên, việc đưa ra quyết định sao cho đường vào đại học thuận lợi nhất cũng cần tính đến.
Theo thầy cô giáo, thay vì việc đăng ký dàn trải quá nhiều nguyện vọng, các em nên lựa chọn ngành học phù hợp và sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Bên cạnh đó là những lưu ý các phần thông tin dễ xảy ra sai sót trên phiếu đăng ký dự thi.
"Có những phần các em phải viết in hoa thì các em lại hay viết thường, hay các thông tin về khu vực thi, địa điểm… cũng cần phải lưu ý rõ ràng. Nhưng quan trọng nhất là học sinh phải lựa chọn được đúng ngành phù hợp với mình" - bà Nguyễn Tuyết Nhung, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho biết.
Học sinh cần lượng sức mình để "liệu cơm gắp mắm" khi chọn ngành, chọn trường.
Đáng nói, đề thi năm nay sẽ được xây dựng dựa trên chương trình học đã được giảm tải. Theo các chuyên gia giáo dục, điểm chuẩn từ phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT vào đại học, cao đẳng có thể sẽ ở ngưỡng cao.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Huy, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho rằng: "Độ khó giảm đi nên điểm chuẩn có thể dịch chuyển, điểm trung bình trước kia từ 4-5 sẽ tăng lên từ 6-7. Các em phải tham khảo điểm chuẩn mọi năm một cách tương đối để có thể đánh giá khả năng của mình".
Được biết, trong kỳ tuyển sinh năm nay, ngoại trừ nhóm trường nhóm sức khỏe, hầu hết trường đại học sử dụng từ 3 phương thức tuyển sinh trở lên nên ngoài lựa chọn xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có thể cân nhắc chọn nhiều phương thức cùng lúc để rộng đường vào các trường mình mong muốn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!