Tỷ lệ sinh con đang bị giảm quá nhanh
Nếu như trước đây, để hạn chế tình trạng gia tăng dân số, khẩu hiệu: Mỗi gia đình chỉ nên có từ một đến hai con được thực hiện rất nghiêm ngặt. Những trường hợp sinh con thứ 3, nếu không có lý do đặc biệt thì được coi là vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. Nhưng nay, các cơ quan quản lý lại lo lắng vì tỷ lệ sinh con đang bị giảm quá nhanh đẩy nhiều địa phương đứng trước nguy cơ suy giảm dân số nghiêm trọng. Đứng top đầu là các tỉnh Đông Nam Bộ và đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh.
Chi phí nuôi con ngày càng cao, áp lực công việc, mức sống đắt đỏ, nhu cầu phát triển bản thân và đủ thứ gánh nặng đời sống đô thị, đang khiến nhiều người thành phố ngại sinh con thứ hai.
Thành phố Hồ Chí Minh là 1 trong những địa phương có tỷ lệ sinh con thấp nhất cả nước. Hơn nữa lại liên tục suy giảm qua các năm. Năm ngoái, tỷ lệ sinh con của Thành phố là 1,32 trẻ em/phụ nữ. Trong khi mức sinh thay thế hiện là 2,1 trẻ em/phụ nữ.
Bà Trần Thị Ngọc Yến - Trưởng phòng Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Chi cục Dân số và Kế hoạch hoá gia đình TP Hồ Chí Minh cho biết: "Mức sinh thấp sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu dân số của TP, thiếu hụt dân số đặc biệt là dân số trẻ, dẫn đến thiếu hụt lao động và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố".
Theo công thức 4-2-1, những đứa trẻ trong vài chục năm tới sẽ phải một mình mang trọng trách chăm sóc 6 người, là ông bà hai bên và cha mẹ
Những gia đình theo công thức 4-2-1 đang ngày càng phổ biến. Trong vài chục năm tới, khi ông bà, cha mẹ già đi. Những đứa trẻ này ngược lại, sẽ phải một mình mang trọng trách chăm sóc 6 người, là ông bà hai bên và cha mẹ. Áp lực sẽ không chỉ là kinh tế, mà còn là tất cả mọi thứ liên quan đến chất lượng cuộc sống.
Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là địa phương tiêu biểu. Tỷ lệ sinh con ở cả nước ta hiện nay cũng đang giảm mạnh. Năm 2022, tỷ lệ sinh giảm xuống còn 2,01 con/mẹ, mức thấp nhất trong 11 năm qua.
Năm 2023, tỷ lệ sinh tiếp tục giảm xuống còn 1,95 con/phụ nữ, thấp hơn mức sinh thay thế 2,1 con. Khi mức sinh thực tế thấp hơn mức sinh thay thế, chúng ta đứng trước nguy cơ suy giảm dân số nghiêm trọng. Theo tính toán, nếu xu hướng này không được cải thiện, thì đến năm 2500, dân số Việt Nam sẽ chỉ còn 3,6 triệu người. Tương đương với dân số của một tỉnh Nghệ An hiện nay.
Nỗi lo an sinh sẽ còn đè nặng lên tương lai
Có rất nhiều lý do khiến cho tỷ lệ sinh giảm. Trong đó, việc nuôi con ngày càng trở thành vấn đề không đơn giản của các cặp vợ chồng, bởi hàng loạt chi phí và nhiều khoản đầu tư lớn nhỏ cho con. Đây là những áp lực dẫn tới việc ngại kết hôn và sinh con của một bộ phận những người trẻ.
Áp lực lập thân, có nhà cửa, sự nghiệp ở thành phố, đang khiến nhiều người trẻ chọn việc kết hôn và sinh con muộn như một lẽ đương nhiên.
Theo thống kê, độ tuổi kết hôn lần đầu trung bình ở Thành phố Hồ Chí Minh vào khoảng 30 tuổi. Dưới góc nhìn xã hội đã được coi là muộn. Còn dưới góc nhìn y tế, độ tuổi đó đã vượt qua giai đoạn vàng để mang thai và sinh con.
Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh đang có hàng chục bệnh nhân lớn tuổi "bị bỏ rơi" theo đúng nghĩa đen của từ này. Nghĩa là không có thân nhân hoặc thân nhân đã bỏ đi sau khi họ nhập viện. Và hiện được điều trị bằng tiền từ thiện mà bệnh viện đi xin.
Tỷ lệ người già trên 60 tuổi ở Thành phố Hồ Chí Minh đang tăng dần qua các năm, hiện chiếm khoảng 11% dân số. Và với tỷ lệ sinh thấp như hiện nay, những nỗi lo an sinh tương tự, chắc chắn sẽ còn đè nặng lên tương lai của Thành phố.
Suy giảm dân số là vấn đề lớn trên thế giới. Người Nhật phải nâng độ tuổi lao động lên tới 64 tuổi do dân số già. Trung Quốc năm ngoái phải đóng cửa hơn 20.000 trường mẫu giáo vì mức sinh giảm. Hàn Quốc cách đây 2 tháng đã phải lên tiếng báo động tình trạng khẩn cấp quốc gia do tỷ lệ sinh thấp… Tuy cũng giảm, nhưng Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu và vẫn còn nhiều cơ hội để thay đổi. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng đang đưa ra hàng loạt giải pháp để nâng tỷ lệ sinh năm 2024 lên khoảng 1,6 trẻ em/phụ nữ.
Giải pháp nào để nâng mức sinh tại TP Hồ Chí Minh?
Những khẩu hiệu kêu gọi người dân sinh thêm con được dán khắp nơi tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài những khẩu hiệu như thế này thì những chính sách sinh thêm con cũng được Chi cục Dân số triển khai nhằm nâng mức sinh tại thành phố.
Theo các phụ huynh, có hai vấn đề chính họ quan tâm là kinh tế việc làm khi sinh và nhà trẻ chất lượng để an tâm gửi con đi làm.
Nhận thấy những nguyện vọng này của người dân, Chi cục Dân số và Kế hoạch hoá gia đình TP TP Hồ Chí Minh đề xuất tập trung giúp cho người dân an tâm con cái được sinh ra phát triển với chất lượng sống tốt nhất.
Bà Trần Thị Ngọc Yến - Trưởng phòng Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Chi cục Dân số và Kế hoạch hoá gia đình TP Hồ Chí Minh cho biết: "Hiện tại chính sách hỗ trợ cho các cặp vợ chồng trong việc hỗ trợ học phí cho trẻ em cũng đang được thành phố triển khai. Bên cạnh đó ngành dân số cũng đang phối hợp với các ngành khác để đề xuất các chính sách toàn diện hơn cho các cặp vợ chồng, để làm thế nào để có thể giảm bớt được những cái gánh nặng cho người phụ nữ đối với công việc nhà cũng như sẽ đảm bảo được quyền lợi cho những người lao động nữ trong quá trình họ nghỉ thai sản cũng như nuôi con nhỏ".
Bác sĩ Trần Ngọc Hải - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh chia sẻ thêm: "Có những chính sách tổng thể chúng ta có thể làm tốt hơn. Nhưng có một điều chúng ta có thể làm được ngay để có một đứa trẻ tốt. Đó là phải quản lý và nâng cao chất lượng bào thai. Giữ ngay những cái chúng ta có. Những đứa trẻ này sinh ra là phải chắc chắn tốt".
Sẽ còn nhiều khó khăn để cải thiện mức sinh tại TP Hồ Chí Minh. Các chính sách đang hướng đến giải toả những áp lực cho các gia đình để giảm tác động hệ luỵ do mức sinh thấp kéo dài gây ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!