Chùa Tây Phương xuống cấp trầm trọng
Tại chùa Tây Phương (làng Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất) cách trung tâm Hà Nội 40 km về hướng Tây Bắc được coi là nơi quy tụ những kiệt tác điêu khắc Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVIII. Năm 2014, chùa Tây Phương được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Năm 2015, Bộ tượng Phật giáo chùa Tây Phương thời Tây Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Thế nhưng, sau thời gian dài không được tu sửa, hiện ngôi chùa này đang bị xuống cấp nghiêm trọng khi những mảng tường bong tróc, ẩm mốc, còn các cấu kiện gỗ bị mối mọt, nứt toác. Một phần mái ngói của chùa đã bị xô lệch, liên tục bị thấm dột sau mỗi trận mưa đổ xuống.
Hiện các pho tượng cổ đặt tại chùa cũng bị hư hại nghiêm trọng. Cụ thể, chân đế một số bức tượng các vị La Hán đặt tại đây đã bong gãy phần gỗ, bị mối đục loang lổ, thân và mặt tượng bị bong tróc phần sơn.
"Khách tham quan họ dùng tay để chạm vào tượng hoặc là dùng đồng tiền để xoa vào tượng cầu may. Thế nhưng mình quản lý trên này, mình sẽ khắc phục hạn chế tất cả những việc ấy", anh Khương Xuân Thịnh, nhân viên Ban Quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Tây Phương cho biết.
Mặc dù 1 năm, Ban quản lý có tiến hành đánh mối liên tục, kiểm tra định kỳ nhưng việc xuống cấp vẫn diễn ra. Những hộp thuốc chống mối buộc vào thân cột được xem là giải pháp tình thế tạm thời. Với các bức tượng gỗ nặng, khi chân tượng bị mối mọt cũng sẽ gây ra nguy cơ đổ bất cứ lúc nào. Nguy cơ tai nạn càng lên cao vào mỗi dịp lễ Tết, hay ngày Rằm, mùng 1 khi người dân và du khách thập phương hành hương đến chùa làm lễ.
Khi tình trạng chùa xuống cấp trầm trọng, ban quản lý cùng chính quyền địa phương cũng đã liên tục có văn bản báo cáo, kiến nghị lên các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền để tìm phương án xử lý.
Vào tháng 1 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Thạch Thất về công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện. Đối với đề xuất nghiên cứu lập Quy hoạch di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, chủ trương đã được Thành ủy Hà Nội chỉ đạo thực hiện tổ chức lập quy hoạch bảo tồn, trùng tu Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương.
Vẽ bích họa lên tường Di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia
Sơn bích họa tại đầu hồi, tường của đình Tự Đông - Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (Ảnh: Facebook)
Trong việc bào tồn di tích, đúng thời điểm là điều rất quan trọng bởi nếu không kịp thời có thể không còn cơ hội để có thể còn được bảo tồn, lưu giữ. Cách ứng xử với di tích ở nhiều nơi cũng gây ra bức xúc. Như "Con đường bích họa" vẽ lên di tích lịch sử - văn hoá đình Tự Đông, phường Cẩm Thượng, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Việc xây dựng công trình thanh niên là việc làm ý nghĩa nhưng công trình cụ thể này đã vô tình xâm hại một di sản văn hoá nơi đây. Ngoài vẽ phủ sơn toàn bộ đầu hồi, 40 m tường rào của di tích cũng bị phủ sơn toàn bộ.
Ngay sau khi hoàn thiện, nhiều người đã chia sẻ hình ảnh trên mạng xã hội và bày tỏ sự không hài lòng bởi bức họa đặt không đúng chỗ khiến ngôi đình cổ Tự Đông bị biến dạng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị lịch sử - văn hóa. Sau khi tiếp nhận ý kiến từ người dân và được sự tham mưu của Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch tỉnh Hải Dương, địa phương đã cho sơn lại toàn bộ đầu hồi, tường của đình Tự Đông để xóa bức bích họa không phù hợp này. Làm mới, rồi lại xóa đi nhưng chắc chắn di tích sẽ không còn được nguyên trạng.
Di tích là dấu vết còn lại của lịch sử mà lịch sử thì luôn có giá trị trọn vẹn khi nó được giữ nguyên là chính nó. Chỉ khi những di tích được bảo vệ và phát huy đúng cách thì những giá trị tích cực mới được mang lại. Không những giúp người dân hiểu về lịch sử, văn hóa của dân tộc, mà còn có thể trở thành một sản phẩm du lịch để thu hút bạn bè trong nước và quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!