Trùng tu di tích lịch sử cấp quốc gia: Nơi "đắp chiếu", chỗ "Tây hóa"

Mạnh Hùng, Tài Vũ-Thứ năm, ngày 11/03/2021 12:51 GMT+7

VTV.vn - Dở dang hay là chưa phù hợp là tình trạng trùng tu di tích hiện nay tại một số địa phương.

"Đắp chiếu" dự án trùng tu di tích lịch sử cấp quốc gia Đền Hổ Bái

Tháng 7/2019, UBND xã Yên Bái, nay là xã Yên Trường - đơn vị đại diện cho chủ đầu tư là UBND Huyện Yên Định - đã tiến hành ký hợp đồng, để trùng tu, tôn tạo đền Hổ Bái theo thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Dự án có giá trị gần 4,7 tỉ đồng nhưng đến nay, dù đã quá thời hạn hoàn thành công trình gần 1 năm, chỉ mới có phần chân móng được xây dựng.

Các cấu kiện gỗ đã được hạ giải từ rất lâu. Vì nhân dân ý kiến rất nhiều nên mới được che chắn tạm bợ lại bằng bạt. Khu vực hậu cung mới lên xong phần chân móng. Những phần khác của di tích thì nằm ngổn ngang trong khuôn viên như một bãi chiến trường.

Trùng tu di tích lịch sử cấp quốc gia: Nơi đắp chiếu, chỗ Tây hóa - Ảnh 1.

Với 1 tỉ từ ngân sách tỉnh, 1 tỉ do huyện Yên Định chi trả, nguồn lực còn lại là xã hội hóa và do bà con đóng góp. Mỗi hộ dân trong xã đóng tối thiểu 200.000 đồng. Chính vì vậy, việc chậm trễ tiến độ đã gây ra nhiều bức xúc trong dân. Tuy nhiên, một trong những lý do được chính quyền xã đưa ra là xã Yên Trường là một xã mới được sát nhập vào cuối năm 2019 nên khi nhận bàn giao dự án, bộ máy của xã cũng cần thời gian để cấu kiện về mặt tổ chức.

Ông Trịnh Như Thường - Phó Chủ tịch xã Yên Trường, huyện Yên Định, Thanh Hóa - nói: "Tháng 7/2020, chúng tôi có liên hệ với đơn vị tư vấn thiết kế cùng với Cục Di sản đánh giá lại toàn bộ cấu kiện. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, do ảnh hưởng của dịch COVID-19. đạc biệt là với tư vấn thiết kế, chưa hoàn thiện các nội dung để thống nhất đi đến nội dung cuối cùng để đơn vị thi công tổ chức thực hiện. Đây cũng là lỗi chính của chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo điều hành, cũng như việc đề xuất kiến nghị".

Trùng tu di tích lịch sử cấp quốc gia: Nơi đắp chiếu, chỗ Tây hóa - Ảnh 2.
Trùng tu di tích lịch sử cấp quốc gia: Nơi đắp chiếu, chỗ Tây hóa - Ảnh 3.

Ngay khi nắm bắt được thông tin, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cũng đã vào cuộc.

Bà Trần Thị Hoa - Chánh Văn phòng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa - cho biết: "Ngay sau khi chúng tôi nhận được ý kiến của Cục Di sản văn hoá, chúng tôi đã khẩn trương thành lập đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra thực tế tại di tích. Sau khi tiến hành kiểm tra, chúng tôi khẩn trương ban hành văn bản đề nghị huyện khẩn trương chỉ đạo đơn vị chủ đầu tư UBND xã Yên Bái nhanh chóng hoàn thành các thủ tục theo đúng quy định, để hoàn thành di tích đền Hổ Bái theo đúng quy định, đưa vào phục vụ nhu cầu tâm linh của nhân dân".

Theo lộ trình cam kết, đến cuối năm 2021, di tích lịch sử quốc gia đền Hổ Bái sẽ được hoàn thành. Hi vọng với sự vào cuộc của các đơn vị chuyên môn và chức năng, di tích văn hóa này sẽ không chịu số phận hẩm hiu như những cụ rồng giãi nắng dầm mưa suốt thời gian qua.

Khi cổng đình được "Tây hóa"

Không rơi vào tình trạng "đắp chiếu" khi đã có dự án trùng tu như đình Hổ Bái, tuy nhiên, có một di tích khiến cho những người yêu văn hóa phải thảng thốt về kết quả sau khi trùng tu.

Trùng tu di tích lịch sử cấp quốc gia: Nơi đắp chiếu, chỗ Tây hóa - Ảnh 4.

Hình ảnh bên trái là dạng cổng thường thấy của các ngôi biệt thự, theo lối kiến trúc phương Tây. Còn bức ảnh bên phải là cổng một trong những ngôi đình cổ nhất Việt Nam - đình Tây Đằng. Ngôi đình này có tuổi đời đã ngót nghét 500 năm tuổi, được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt vào năm 2013 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Buồn, thất vọng, không thuần Việt chỉ là ba trong rất nhiều ý kiến bất bình, trước hình ảnh của sự thay đổi này.

Xuất hiện trên Fanpage Đình làng Việt vào trưa 4/3, bộ cửa đồ sộ, hiện đại, phỏng theo kiến trúc phương Tây tại một di tích cấp quốc gia đặc biệt ngay tại Hà Nội đã đón nhận nhiều ý kiến bất bình.

Trùng tu di tích lịch sử cấp quốc gia: Nơi đắp chiếu, chỗ Tây hóa - Ảnh 5.

Ngay sau đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã vào cuộc, chỉ đạo các cơ quan chức năng và chuyên môn tiến hành kiểm tra. Sáng 8/3, hai cánh cổng biệt thự, mới được thay thế chưa đầy 1 tháng, đã được tháo dỡ, phủ bạt và cất trong sân ban quản lý khu di tích đình Tây Đằng. Đáng chú ý, việc thay thế hai cánh cổng tại hạng mục nghi môn, do cánh cổng cũ bằng sắt đã cũ, hoen gỉ và phải kiên cố tạm bằng những mảnh dây nhưng các cơ quan chuyên môn và UBND huyện không được báo cáo.

Trùng tu di tích lịch sử cấp quốc gia: Nơi đắp chiếu, chỗ Tây hóa - Ảnh 6.
Trùng tu di tích lịch sử cấp quốc gia: Nơi đắp chiếu, chỗ Tây hóa - Ảnh 7.

Đình Đồng Kỵ còn giữ được giá trị sau trùng tu?

Chưa tác động vào vùng lõi di tích, tức là vẫn còn cơ hội cứu di tích - đó là nhận định của nhiều chuyên gia văn hóa trước tình trạng trùng tu chưa đúng cách. Tuy nhiên, cách đây khoảng 1 năm, hẳn những người yêu di sản còn nhớ tới bài học tu bổ tại di tích đình Đồng Kỵ, Bắc Ninh - một di sản lịch sử cấp quốc gia có tuổi đời hàng trăm năm được phản ánh là trong quá trình tu bổ, di tích đã bị thay mới quá nhiều cấu kiện kiến trúc gỗ, khiến di tích mất đi giá trị kiến trúc - nghệ thuật.

Những hình ảnh so sánh về cấu kiện và kiến trúc gỗ trong các hạng mục trước và sau khi tu bổ cách đây 1 năm, do kiến trúc sư Trần Trung Hiếu ghi lại khi ghé thăm đình Đồng Kỵ, được anh cho rằng phần mỹ thuật tinh xảo chạm khắc trên gỗ đã mất tới 90%.

Trùng tu di tích lịch sử cấp quốc gia: Nơi đắp chiếu, chỗ Tây hóa - Ảnh 8.
Trùng tu di tích lịch sử cấp quốc gia: Nơi đắp chiếu, chỗ Tây hóa - Ảnh 9.
Trùng tu di tích lịch sử cấp quốc gia: Nơi đắp chiếu, chỗ Tây hóa - Ảnh 10.

Trước sự việc này, Cục Di sản văn hóa đã yêu cầu địa phương và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh thực hiện ngay việc bảo vệ nguyên trạng, an toàn toàn bộ cấu kiện kiến trúc gỗ cũ của di tích đang được lưu giữ tại công trường; nhanh chóng tổ chức đánh giá, phân loại hệ thống các cấu kiện gỗ cũ để có biện pháp tái sử dụng vào di tích.

Sau gần nửa năm khánh thành và đi vào hoạt động, giờ đây bà con nhân dân và du khách khi ghé thăm đình vẫn còn được chiêm ngưỡng những nét đặc sắc trong kiến trúc của làng nghề gỗ Đồng Kỵ trứ danh. Các cấu kiện gỗ của đình cũ được lưu giữ và bảo quản ở gian sau của đền.

Trùng tu di tích lịch sử cấp quốc gia: Nơi đắp chiếu, chỗ Tây hóa - Ảnh 11.
Trùng tu di tích lịch sử cấp quốc gia: Nơi đắp chiếu, chỗ Tây hóa - Ảnh 12.

Ông Nguyễn Tiến Quyết - Phó Chủ tịch phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh - chia sẻ: "Tất cả những cấu kiện gỗ đã bị mục nát không đưa trở lại công trình đều được chúng tôi lưu giữ lại, đảm bảo công tác trùng tu sau này. Cũng như là để giới thiệu, lưu lại ở các nhà lưu niệm, các bảo tàng của tỉnh, của thị xã để giới thiệu với du khách thập phương về những giá trị nghệ nhân trong đồ gỗ mĩ nghệ của quê hương Đồng Kỵ".

Được biết, di tích này trùng tu bằng 100% ngân sách xã hội hóa do nhân dân đóng góp. Những phần tu bổ chi tiết đều được thông qua những cuộc họp hội đồng các dòng họ lớn trong làng để lấy ý kiến. Qua đó cho thấy tầm quan trọng của việc đồng thuận giữa nhân dân và chính quyền trong việc bảo vệ, trung tu các di tích văn hóa. Bởi di tích chỉ có thể phát huy hết giá trị khi được nằm trong đời sống văn hóa của người dân bản địa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước