Các tình nguyện viên phải từ trên 18 tuổi, có thể lên tới 70-80 tuổi, gồm cả những người mắc bệnh mãn tính nhưng đang được điều trị ổn định.
Nếu giai đoạn 2 suôn sẻ, đến cuối tháng 9, nhóm nghiên cứu sẽ lấy mẫu máu của tình nguyện viên ở ngày thứ 42 sau tiêm để đánh giá hiệu quả của vaccine.
Vào ngày thứ 57, các tình nguyện viên sẽ tiếp tục được khám sức khoẻ, lấy mẫu máu để đánh giá, phân tích, trước khi nhóm nghiên cứu đề xuất thử nghiệm giai đoạn 3a trên 1.000 tình nguyện viên.
COVIVAC là vaccine nội địa thứ 2 do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) nghiên cứu, phát triển và đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên thử nghiệm lâm sàng trên người. Đây là vaccine phòng COVID-19 thứ hai do Việt Nam sản xuất. Sau những mũi tiêm đầu tiên ngày 15/3, tất cả tình nguyện viên được tiêm sức khỏe đều ổn định.
Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, kết quả thử nghiệm cho thấy vaccine COVIVAC ở giai đoạn 1 có tính an toàn tốt, tính sinh miễn dịch khả quan. Các mẫu thử nghiệm giai đoạn 1 của COVIVAC đã được gửi sang Canada để một cơ quan độc lập đánh giá tính sinh miễn dịch.
Trước khi thử nghiệm lâm sàng trên người, vaccine COVIVAC được đánh giá khá tốt. Viện Kiểm định vaccine quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Paster Nha Trang, Trường Đại học Y Huế đều đánh giá vaccine này có kết quả thử tính an toàn và tính sinh miễn dịch rất tốt.
Tại Ấn Độ, vaccine cũng đã được đánh giá an toàn trên toàn động vật thí nghiệm. Thí nghiệm trên động vật (chuột hamster) ở Mỹ cũng cho thấy hiệu quả bảo vệ của vaccine rất tốt.
"Vaccine này cũng đã được đánh giá ở những chủng SARS-CoV-2 khác nhau, trong đó có biến chủng tại Anh và Nam Phi, cũng như các chủng đang lưu hành tại Việt Nam và đều cho kết quả bảo vệ rất tốt", GS. Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia sẻ.
Vaccine COVIVAC được nghiên cứu và sản xuất trên công nghệ trứng gà có phôi, là vaccine dạng dung dịch, không có chất bảo quản. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vaccine dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam.
IVAC là cơ sở nghiên cứu sản xuất duy nhất tại Việt Nam chủ động nguồn trứng gà để sản xuất vaccine.
Sau 7 tháng nghiên cứu, Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế đã sản xuất thành công 3 lô liên tiếp trên quy mô lớn, từ 50.000 đến 100.000 liều mỗi lô. Dự kiến, giá thành một liều vaccine COVIVAC sau khi xuất xưởng là 60.000 đồng/liều. Bộ Y tế cho biết sẽ đảm bảo những nguyên tắc cơ bản trong sản xuất vaccine ở Việt Nam.
Được biết, IVAC được WHO đầu tư cơ sở vật chất hoàn thiện, đồng bộ và quy mô sản xuất 6 triệu liều vaccine/năm, có thể nâng cấp lên 30 triệu liều/năm khi có đại dịch xảy ra.
IVAC cũng là 1 trong 14 cơ sở sản xuất vaccine cúm được Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn để đặt hàng khi đại dịch xảy ra.
Thành công trong nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng ngừa sẽ giúp Việt Nam chủ động, bảo đảm nguồn cung, bảo đảm an ninh y tế và sẵn sàng phục vụ đại dịch.
Việt Nam cũng là 1 trong 39 quốc gia đạt chuẩn về quản lý vaccine của WHO, đây cũng là điều kiện để các nhà sản xuất Việt Nam không chỉ chủ động nguồn vaccine trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!