Tại 1 trong 5 nhà máy giết mổ tập trung được cấp phép giết mổ hợp quy, dù lợn được giết mổ treo từ khâu đầu đến khâu cuối, nhưng trong quá trình giết mổ, nhiều khâu vẫn còn phải dùng tay, nước xả vương vãi khắp nền nhà. Với dây chuyền và quy trình giết mổ như thế này, sẽ rất khó đảm bảo không còn nguy cơ lây nhiễm vi sinh.
Ông Tô Văn Liêm - Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Hóc Môn - đại diện chủ doanh nghiệp này lý giải: "Do giai đoạn đầu là chưa quen nên hiện nay công suất giết mổ tại đây chỉ đạt khoảng 70%. Có thể trong 2 tháng nữa anh em mới làm thành thạo dây chuyền".
Còn tại một lò mổ khác tại địa bàn huyện Củ chi, nhà máy có dây chuyền giết mổ treo, đa phần tự động hóa, tránh tiếp xúc giữa công nhân và thịt lợn. Điều này giúp nâng cao chất lượng thịt lợn so với giết mổ thủ công trước đó.
Chủ doanh nghiệp này cho biết một trong những bất cập hiện nay tại các lò giết mổ là chưa có quy định, quy chuẩn cho một lò giết mổ, từ đó dễ có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh ngay tại các đơn vị này.
Theo các chủ doanh nghiệp, hiện nay 5 doanh nghiệp giết mổ gần 5.000 con mỗi ngày. Các lò mổ này vẫn tạm tính giá gia công gần 45.000 đồng/một con lợn, bằng với giá mổ thủ công trước đây và vẫn đang trong giai đoạn bù lỗ để thu hút nguồn lợn.
Tuy nhiên nếu giá tiền gia công không được điều chỉnh cộng với nếu không kiểm soát được nguồn lợn trôi nổi từ các tỉnh đổ về thì các lò mổ này sẽ gặp không ít khó khăn trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!