Văn hóa có đang được quan tâm đầu tư đúng mức?

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 27/11/2021 17:23 GMT+7

VTV.vn - Thời gian qua, văn hóa chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa thể hiện vai trò ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội như định hướng đã đặt ra.

Cần phải thay đổi tư duy đầu tư cho văn hóa

Chương trình Sự kiện & bình luận ngày 27/11 với sự tham gia của các khách mời: Ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và PGS.TS Nguyễn Viết Chức - nhà nghiên cứu văn hóa đã có những chia sẻ, phân tích về chủ đề Vị thế văn hóa.

Văn hóa nằm bên trong phát triển và văn hóa hàm chứa các nội dung mang tính chính trị, kinh tế. Phát triển đúng là phát triển vì lợi ích con người. Con người là chủ nhân văn hóa, nên vai trò chủ đạo là tính tất yếu vốn có của văn hóa. Ngược lại, văn hóa sẽ giúp phát triển đi đúng hướng, bền vững hơn. Nhưng thực tế muốn đặt vị thế ngang hàng thì cần sự đầu tư, sự quan tâm ngang hàng.

Nhìn vào những con số thông kê, có thể thấy mức độ quan tâm đầu tư cho văn hóa. Mục tiêu năm 2010, ít nhất đạt được 1,8% trong tổng chi ngân sách. Nhưng thực tế đạt được từ 50-60% định mức tỉ lệ chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin.

Hệ thống di sản thế giới tại Việt Nam được UNESCO công nhận tạo doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm: Vịnh Hạ Long - Quảng Ninh, Quần thể danh thắng Tràng An - Ninh Bình, Quần thể di tích Cố đô Huế - Thừa Thiên Huế, Phố cổ Hội An - Quảng Nam... Làm tốt việc đầu tư văn hóa đã tạo chuyển biến rõ rệt trong sinh kế cộng đồng gắn với di sản.

Văn hóa có đang được quan tâm đầu tư đúng mức? - Ảnh 1.

Phố cổ Hội An. (Ảnh: Internet)

Năm 2015 kết thúc chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa với nguồn đầu tư hàng năm khoảng 300 tỷ đồng. 5 năm liền không có chương trình thay thế, công tác bảo tồn di sản gặp nhiều khó khăn. Năm nay, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025, như một cơn mưa sau chuỗi ngày nắng hạn. Nhưng vẫn còn đó nhiều vấn đề: thống kê 5 năm qua, hầu hết ở các địa phương, tỷ lệ chi cho sự nghiệp văn hóa đạt chừng 50% định mức.

Theo các chuyên gia, cần phải thay đổi tư duy đầu tư cho văn hóa, tránh tình trạng cào bằng mà cần có trọng tâm trọng điểm với thế mạnh từng địa phương. Cần xóa bỏ cơ chế xin cho, khắc phục tình trạng chắp vá, tùy tiện bố trí cán bộ làm văn hóa - cái gốc để chấn hưng và phát triển văn hóa.

Bản sắc văn hóa dân tộc không còn thì không còn dân tộc

Thực tiễn phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới đã khẳng định vị thế quan trọng của văn hóa, con người trong chiến lược phát triển quốc gia. Văn hóa không chỉ giới hạn tầm vóc của mình trong chiều sâu những phẩm giá tinh thần mà nó còn là nguồn lực trực tiếp cho sự phát triển đất nước. Dòng chảy của văn hóa Việt Nam cho thấy nhận thức về văn hóa, xã hội, con người cũng có những thay đổi tích cực. Nhưng vậy vẫn chưa phát huy được hết những giá trị của văn hóa Việt Nam.

Làm sao để phát triển một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa đồng hành với sự phát triển toàn diện của đất nước? - câu hỏi được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021.

Văn hóa có đang được quan tâm đầu tư đúng mức? - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Ảnh: Dân trí

Thông điệp từ lãnh đạo cao nhất của Đảng đã thể hiện khát vọng chấn hưng, phát triển văn hóa bởi suốt chiều dài lịch sử đi qua những biến đổi, thăng trầm dân tộc đã tích luỹ, tạo ra và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hóa riêng, làm nên hồn cốt của dân tộc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: "Nền văn hóa của chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Tôi xin nhấn mạnh là đậm đà bản sắc dân tộc. Cho nên tại sao mới nói rằng là ‘văn hóa còn thì dân tộc còn’. Bản sắc văn hóa dân tộc không còn thì không còn dân tộc. 3.486 tổng di tích được xếp hạng quốc gia, trong đó 27 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đó là một tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được. Chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy. Nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông chúng ta".

Nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp. Những giá trị ấy toát ra từ con người hay cộng đồng người.

Thế nên, hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng.

Lịch sử phải đương đầu với thiên tai và các cuộc chiến tranh giữ nước... đã nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nên cốt cách và khí phách dân tộc được các thế hệ người Việt viết tiếp từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Với một phạm trù rất rộng và dưới nhiều cách tiếp cận khác nhau, văn hóa Việt Nam trải qua những biến đổi, thăng trầm đã tích luỹ, tạo ra và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hóa riêng của dân tộc, làm nên hồn cốt của dân tộc; đồng thời tiếp thu và góp phần đóng góp vào nền văn hóa chung của nhân loại.

Văn hóa chính là con người, gắn chặt với con người trong mọi khía cạnh cuộc sống. Hiểu như vậy để thấy rõ văn hóa là động lực, là sức mạnh nội sinh của cả dân tộc trong đó sự thay đổi từ nhận thức của từng cá nhân sẽ là tiền đề để văn hóa có vị thế xứng đáng với vai trò quan trọng của nó trong phát triển.

Văn hóa sẽ ngang hàng và đồng hành với kinh tế, chính trị, xã hội chứ không thể lạc đường, ngược hướng với những lĩnh vực khác trong phát triển toàn diện.

Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

VTV.vn - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết XIII của Đảng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước