Văn học thiếu nhi đã có khởi sắc

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 01/06/2023 19:13 GMT+7

VTV.vn - Phân khúc sách thiếu nhi đã có nhiều thay đổi, có những tác giả trẻ, hình thức và nội dung được đầu tư hơn.

Ðã có những giai đoạn, văn học thiếu nhi có nhiều khoảng trống. Sự lấn át của sách dịch lại càng khiến cho văn học trong nước bị lép vế. Nhưng vài ba năm trở lại đây, tình hình đã có nhiều thay đổi. 

Văn học thiếu nhi đã có khởi sắc - Ảnh 1.

Nhiều tác phẩm cho thiếu nhi được ra mắt, đa dạng phong cách, đề tài. Các đơn vị làm sách đầu tư, nắm bắt và tiếp cận kịp thời với xu hướng làm sách đẹp của thế giới.

"Năm chín trăm ba tám

Ngô Quyền lên ngai vàng

Chấm dứt 10 thế kỷ

Đô hộ của ngoại bang"

Lần đầu tiên, những câu chuyện lịch sử được kể lại bằng thơ trong ấn phẩm mới của NXB Kim Đồng. Từ thời Hồng Bàng khai sơn lập quốc, trải qua các triều đại phong kiến, những mốc son lịch sử trong hàng nghìn năm trở nên dễ nhớ khi trở thành một dòng chảy thơ ca.

Văn học thiếu nhi đã có khởi sắc - Ảnh 2.

Để 1 bộ sách thơ ra đời như thế này, trung bình mất từ 4-5 năm, trong đó riêng phần vẽ minh họa mất 2 năm. Nhờ sự đầu tư dài hạn và bài bản, vài ba năm trở lại đây, riêng mảng sách văn học và truyện tranh tại NXB Kim Đồng, số đầu sách trong nước đã vượt lên cao hơn so với sách dịch từ nước ngoài.

Truyện thiếu nhi giờ đây không chỉ để đọc, để xem mà còn để nghe nữa. Bố mẹ đọc cùng con quét mã QR là ngay lập tức bài hát vang lên.

Kết nối bố mẹ với con cái, biến những buổi ra mắt sách trở thành những không gian trải nghiệm, khám phá là những bước đi mới mẻ và chuyên nghiệp. Để mỗi khi nâng niu cuốn sách trên tay, trẻ không chỉ mở ra một câu chuyện, mà mở ra cả một thế giới tuổi thơ kỳ diệu, bao la.

Tiếp sức cho văn học thiếu nhi

Trẻ em giờ đây có quá nhiều cách để tiếp cận thông tin, quá nhiều thứ để giải trí, sách không phải là nguồn giải trí duy nhất. Ngay cả người lớn cũng thích xem điện thoại, xem tin tức trên mạng nhiều hơn là đọc sách. Do đó, chính người lớn cũng cần chuyển dịch cùng các con. Điều đáng mừng là thời gian qua đã có rất nhiều nỗ lực không chỉ từ phía các nhà xuất bản, mà từ chính cơ quan quản lý văn hóa, các nhà văn và cả cộng đồng.

2021 là năm đầu tiên mà cả Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh có giải thưởng dành riêng cho văn học thiếu nhi.

Các mùa giải thường niên những năm trước chỉ trao cho tác phẩm văn xuôi, thơ, văn học dịch và lý luận phê bình. Đây cũng là năm sách thiếu nhi tỏa sáng khi có mặt tại tất cả các hạng mục Giải thưởng sách quốc gia, chiếm gần 30% tổng số giải được trao.

4 năm qua, giải thưởng Dế mèn do Báo Thể thao và Văn hóa phát động đã góp phần làm sôi động phong trào viết cho thiếu nhi, trong đó phát hiện nhiều cây bút trẻ tài năng là chính những em nhỏ viết cho lứa tuổi của mình.

Hội Nhà văn Việt Nam tái lập trở lại Hội đồng văn học thiếu nhi sau nhiều năm đứt đoạn. Một cuộc vận động sáng tác lớn dành riêng cho thiếu nhi của Hội nhà văn cũng đã được khởi động, chặng đường đầu tiên từ 2021 đến 2025.

Khi trẻ em viết cho trẻ em

Không chỉ khởi sắc với thị trường trong nước, hành trình đưa sách thiếu nhi ra thị trường xuất bản thế giới có nhiều triển vọng. Đã có những cuốn sách bán được bản quyền cho nhiều quốc gia và đã xuất hiện ngày càng nhiều em nhỏ yêu văn chương, trở thành những cây bút tiềm năng khi trình làng những tác phẩm đầu đời khi mới là học sinh tiểu học, trung học cơ sở.

Văn học thiếu nhi đã có khởi sắc - Ảnh 3.

Kỷ lục "Người viết truyện giả tưởng bằng tiếng Anh và xuất bản thành sách song ngữ Anh - Việt nhỏ tuổi nhất Việt Nam" đã được trao cho tác giả Nguyễn Hạnh Phương (sinh năm 2009), với tác phẩm "Biệt đội ngôi sao: Cuộc tìm kiếm sức mạnh vĩ đại" do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành.

Cuốn sách được tác giả nhí lên ý tưởng và bắt đầu viết khi mới 10 tuổi, kể về chuyến phiêu lưu kỳ thú của 4 đứa trẻ, mỗi người sở hữu một khả năng đặc biệt và đã cùng nhau vượt qua được rất nhiều trở ngại để tìm thấy sức mạnh vĩ đại. Tác phẩm gây ấn tượng vì sự hấp dẫn mới mẻ, ca ngợi tình bạn, lòng dũng cảm và tinh thần đoàn kết.

Ngày càng có nhiều người trẻ viết cho người trẻ. Tác giả Cao Việt Quỳnh viết cuốn tiểu thuyết phiêu lưu giả tưởng đầu tay "Người sao chổi - Cuộc chiến vòng quanh thế giới" khi mới 12 tuổi. Tác giả Nguyễn Khang Thịnh viết cuốn sách "Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy" ở độ tuổi 13. Tác giả Cao Khải An với tác phẩm "Chuyện của bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm" từng đạt Giải "Khát vọng Dế Mèn" lần thứ nhất khi mới 11 tuổi.

Nhiều cuốn sách được các tác giả nhí cho ra mắt song song hai hình thức sách truyền thống và sách nói. Điều đáng quý, hầu hết các dự án sách văn học thiếu nhi đều dành một phần lợi nhuận đồng hành, kiến thiết các chương trình thiện nguyện, khuyến học đối với trẻ em vùng sâu vùng xa, biên cương, hải đảo… mang lại món quà tinh thần cho thế giới trẻ thơ.

Đó là những tín hiệu vui đánh dấu sự khởi sắc của văn học thiếu nhi thời gian qua. Nhưng làm thế nào để khơi mạch nguồn cảm hứng đọc và viết trong các em 1 cách mạnh mẽ và bền vững hơn, đó là trăn trở của rất nhiều người yêu văn học.

Chúng ta đã có nhiều nhà văn của tuổi thơ với những tác phẩm giá trị như Tô Hoài, Xuân Quỳnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Nhật Ánh. Giờ đây, rất cần những gương mặt mới mới, tiếp nối để kiến tạo kho tàng văn học thiếu nhi đương đại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước