Chuyện nóng:

Vấn nạn bạo hành trẻ em mầm non - Ranh giới nào của "yêu cho roi cho vọt"?

Gia Hoàng, Mạnh Hùng-Thứ ba, ngày 07/03/2023 15:02 GMT+7

VTV.vn - Đâu là ranh giới của "roi vọt" trong giáo dục? Việc kiềm chế cảm xúc của một giáo viên mầm non từ lý thuyết tới thực tế có khoảng cách gì không?

Trong suốt mấy ngày qua, chỉ cần lướt qua những tít báo với các từ khóa "cháu bé 17 tháng tuổi tử vong", "xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín (Hà Nội)"..., nhiều người sẽ có ngay một phản xạ là nhanh tay lướt sang một trang tin khác. Bởi đằng sau tít báo này là cả một nỗi đau quá tàn khốc mà chẳng có ai, nhất là những ông bố bà mẹ, dám nhìn thẳng vào, dù họ chẳng liên quan gì tới câu chuyện này.

Liên quan đến sự việc đau lòng này, có 2 thông tin đáng chú ý là một dòng bình luận của khán giả và một câu được nhắc lại nhiều lần trong các bài báo. Dòng bình luận viết: "Trẻ 6 tháng thì mẹ phải đi làm, mà mầm non công lập 3 tuổi mới nhận, chưa kể hộ khẩu thường trú, các gia đình không có ông bà hay điều kiện kinh tế thì phải gửi nhóm trẻ, đôi khi là không phép, tội các con quá". Còn câu viết xuất hiện lặp lại trong các bài báo là: "Cơ sở mầm non để xảy ra sự việc nêu trên tại Thường Tín, Hà Nội đã từng bị yêu cầu dừng hoạt động từ tháng 11/2022 do không đủ điều kiện theo quy định nhưng hằng ngày vẫn đóng cửa và tự ý đón trẻ".

Vấn nạn bạo hành trẻ em mầm non - Ranh giới nào của yêu cho roi cho vọt? - Ảnh 1.

Hai thông tin này cho thấy một thực tế: Với các cơ sở mầm non nhỏ lẻ, không đủ điều kiện hoạt động, mức xử phạt là chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu gửi con quá lớn của các bậc phụ huynh.

Trên thực tế, có quy định về việc trẻ từ 3 tháng tuổi đã có thể được gửi tại các trường mầm non công lập nhưng hầu hết các trường đều chỉ nhận trẻ từ 18 tháng hoặc thậm chí từ 3 tuổi trở lên. Lý do là vì với trẻ quá nhỏ, theo quy định, một cô giáo chỉ được trông 3-4 trẻ. Với số lượng giáo viên và diện tích lớp học rất giới hạn sẽ chẳng đủ chi phí để vận hành trường nếu có quá nhiều lớp cho trẻ nhỏ được mở ra.

Về việc giới hạn trong cơ sở vật chất của các trường mầm non công lập, có lẽ nhiều người còn nhớ cuộc bốc thăm may rủi của hàng trăm phụ huynh đăng ký cho con vào trường mầm non Hoàng Liệt năm học vừa rồi. Dù buồn vì không may mắn hay vui vì cầm trên tay tờ phiếu trúng tuyển thì hẳn các bậc phụ huynh tham gia bốc thăm ngày hôm đó cũng nhận ra rằng trong hoàn cảnh ấy, công bằng tới trường chỉ còn là hình thức. Khi cơ hội đi học được đặt cạnh những tờ phiếu may rủi, bản thân nó đã là một sự bất công.

Hệ thống mầm non quá tải là chuyện chẳng riêng gì địa phương nào. Khi cầu vượt cung quá nhiều thì chất lượng của bên cung cũng chẳng phải là điều đáng quan tâm nhất. Lúc này có lẽ chỉ cần có lớp, có người để gọi là cô giáo là được. Cùng với mức xử phạt chưa có tính răn đe, các loại giấy tờ xin cấp phép, thậm chí cả bằng cấp của người trông trẻ cũng trở thành thứ yếu.

Vấn nạn bạo hành trẻ em mầm non - Ranh giới nào của yêu cho roi cho vọt? - Ảnh 2.

"Nhu cầu gửi con nhiều - Cơ sở mầm non uy tín quá tải - Mức phạt không có tính răn đe" - vòng lặp này tạo điều kiện cho các nhóm trẻ không đủ điều kiện hoạt động vẫn tồn tại. Tất nhiên người ta vẫn nói rằng để giữ được trẻ, điều kiện quan trọng nhất vẫn là tình yêu thương. Với những ông bố bà mẹ đang lúng túng, ngược xuôi không biết gửi con vào đâu thì quan điểm này giống như cái cọc để họ bám vào và tự an ủi bản thân rằng cơ sở vật chất có yếu kém một chút nhưng vừa tiền, tiện đường và quan trọng là các cô yêu thương con mình là được.

Vậy nhưng 2 chữ "yêu thương" này lại là điều khó nhìn thấu. Với vụ việc tại Thường Tín, Hà Nội, dù cơ sở trông trẻ đã hoạt động vài năm tại đây nhưng việc có bạo hành trẻ em là thông tin bất ngờ với những hàng xóm sát sườn lớp học. Trong mắt họ, hai cô giáo này thậm chí còn có phần thân thiện, chu đáo với các con.

Khi các phụ huynh muốn gửi con em mình vào nhà trẻ này có thể cũng đã đi thăm hỏi hàng xóm láng giềng. Vẻ bề ngoài đó đã khiến họ an tâm gửi con. Chỉ đến khi sự việc đau lòng vừa qua xảy ra, các phụ huynh mới giật mình nghĩ lại những gì mà con họ từng chia sẻ mà họ lại trót bỏ qua là "bị cô đánh ở đầu, ở tay".

Vấn nạn bạo hành trẻ em mầm non - Ranh giới nào của yêu cho roi cho vọt? - Ảnh 3.

Phải thừa nhận rằng, nuôi dạy trẻ nhỏ là công việc rất khó, cần sự kiên nhẫn và cả lòng bao dung. Nghề trông trẻ lại càng khó. Trông con của người khác, không chỉ một mà cả chục cháu cùng lúc, vì thế khi cơn nóng giận ập tới, kỹ năng sư phạm là thứ quan trọng để xử trí. Một câu hỏi khác mà đúng hơn là một câu cảm thán cũng được nhiều khán giả bình luận dưới những bài báo liên quan đến vụ việc đau lòng này đại ý là: "Tại sao lại có thể "vô cảm", "độc ác" đến vậy?!". Quả thực, hành vi bạo hành một đứa trẻ nhiều lần trong nhiều ngày là điều không bình thường.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hội Quốc tế về Phòng chống Lạm dụng và Bỏ rơi Trẻ em, về mặt tâm lý có thể giải thích là do "rối loạn cảm xúc" - căn bệnh phổ biến thứ hai trong rối loạn tâm thần, khiến con người bị trầm uất, mệt mỏi, ức chế… Kết quả là người bệnh sẽ gây ra các hành vi lệch chuẩn mà người khác không thể làm được, ví dụ như có hành vi hành hạ, xâm hại trẻ em. Hai là có thể giải thích bằng sự "ám ảnh vô thức", nghĩa là bản thân người đó khi nhỏ cũng bị bạo hành, xâm hại dẫn tới sự phát triển nhân cách lệch lạc, lớn lên sẽ có xu hướng hành động tương tự như những gì đã nhận được khi con nhỏ và cho rằng hành động bạo lực là cách xử lý đúng khi đứa trẻ mắc lỗi.

Vấn nạn bạo hành trẻ em mầm non - Ranh giới nào của yêu cho roi cho vọt? - Ảnh 4.
Vấn nạn bạo hành trẻ em mầm non - Ranh giới nào của yêu cho roi cho vọt? - Ảnh 5.
Vấn nạn bạo hành trẻ em mầm non - Ranh giới nào của yêu cho roi cho vọt? - Ảnh 6.

Nói về "ám ảnh vô thức" dễ khiến nghĩ đến quan điểm giáo dục "yêu cho roi cho vọt" mà nhiều người vẫn luôn nhắc đến, thậm chí là áp dụng nó một cách vô thức theo đúng nghĩa đen. Còn quá nhiều điều có thể nói về câu chuyện này. Đâu là ranh giới của "roi vọt" trong giáo dục? Việc kiềm chế cảm xúc của một giáo viên mầm non từ lý thuyết tới thực tế có khoảng cách gì không? Cha mẹ cần chú ý điều gì để biết đứa trẻ còn nói chưa sõi của mình đang bị bạo hành?

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Vân - Trưởng khoa Giáo dục Mầm non, trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương: "Kể cả cô giáo cũng có những người nghĩ rằng cần giáo dục trẻ cho roi cho vọt. Một trong những cách thức các bậc phụ huynh vẫn thường dùng là trách phạt con. Ranh giới giữa việc trách phạt như thế nào để đó là hình thức lành mạnh và tích cực, giúp trẻ nhận ra khuyết điểm và sửa chữa thì phụ thuộc vào nghệ thuật sư phạm của người giáo viên".

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Vân phân tích những hành vi như ấn, dúi, kéo, đẩy, đánh, đạp trẻ là không được phép. Điều này đã được quy định trong Luật cũng như Bộ Quy tắc ứng xử của cô giáo với trẻ.

Để nhận biết con có bị bạo hành hay không, theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Vân, cha mẹ có thể quan sát về thể chất để phát hiện những vết bầm tím hoặc vết xước. "Về mặt tâm lý, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra khi trẻ bỗng nhiên lo lắng, sợ hãi, nhìn thấy cô giáo lại thét lên, ôm chặt bố mẹ không rời. Trẻ từ 3 tuổi rất thích chơi trò đóng vai. Bố mẹ hãy đóng vai học sinh, để trẻ đóng vai thầy cô giáo để tổ chức lớp học. Qua việc trẻ điều hành lớp học, chúng ta cũng thấy phản chiếu hình ảnh của cô giáo trong trò chơi đó" - Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Vân chia sẻ.

Trong khi có nhiều yếu tố khách quan chưa thể kiểm soát được, có một yếu tố chúng ta có thể chủ động được đó là trò chuyện, gần gũi hơn với con của mình, như chơi một trò nhập vai để hạn chế bạo lực với chính con mình.

Từ hôm nay, 7/3, trong chương trình Chuyển động 24h trưa các ngày thứ Ba và thứ Sáu hàng tuần sẽ có chuyên mục "Chuyện nóng" bàn về những câu chuyện đang nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước