Britney Spears - Nàng công chúa bị "giam cầm"
Ngày 23/6 vừa qua, khi bản ghi âm lời khai trước toà kéo dài hơn 20 phút của công chúa nhạc POP một thời Britney Spears công bố với cả thế giới mình đã sống cuộc sống không thể trọn vẹn suốt 13 năm qua như thế nào, dưới quyền bảo hộ của người bố, đã khiến cả thế giới bàng hoàng, trong đó chỉ ra một số điều mà Britney Spears - một phụ nữ 38 tuổi - không được phép làm nếu không có sự đồng ý của người giám hộ, như: lái xe, đi mua sắm, đi dạo, tự do bầu cử, kết hôn, có con, ra khỏi nhà, sử dụng điện thoại cá nhân, mạng xã hội mà không bị giám sát…
Nhưng cũng chính người phụ nữ được cho là không thể điều khiển nổi cuộc sống của chính mình bởi thường xuyên gây ra những hành động điên rồ đến nỗi buộc phải có người giám sát mọi hoạt động, thậm chí cả đến việc thay quần áo, lại là người có khả năng ra mắt 4 albums phòng thu, tổ chức 3 tour diễn vòng quanh thế giới, diễn show tại Las Vegas kéo dài 4 năm, làm giáo khảo cuộc thi X Factor và có khả năng kiếm hàng trăm triệu USD mỗi năm từ các hoạt động của mình.
Hài hước thay, cô cũng có khả năng thần kỳ là nuôi sống cả một bộ máy tham gia bảo hộ cho cuộc đời mình bằng chính những đồng tiền do cô kiếm ra. Sự phi lý này khiến người ta đặt ra câu hỏi về những lỗ hổng trong chế độ giám hộ ở nước Mỹ. Có hay không sự lạm dụng và trục lợi từ quyền bảo hộ, một quyền được khai sinh với mục đích tốt đẹp ban đầu là giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội?
Sống dưới sự bảo hộ, Britney Spears bị đội ngũ quản lý ép làm việc gần như không ngày nghỉ trong suốt nhiều năm trời. Khối lượng công việc rất lớn. Cô đã phải sống một cuộc sống không chút riêng tư và bây giờ cô chỉ muốn chấm dứt việc giám hộ "đầy tính lạm dụng" này mà không cần phải trải qua bất kỳ sự đánh giá, phê phán nào.
Khi câu chuyện của Britney vẫn chưa được ngã ngũ và phong trào #FreeBritney vẫn đang rầm rộ trên thế giới, thì một bộ phim Hollywood đã phát hành trước đó với tên gọi I care a lot bỗng dưng hot trở lại vì sự trùng hợp đáng kinh ngạc giữa phim và đời. Trong phim, nhân vật chính cũng lợi dụng quyền bảo hộ, chuyên đi săn những người già neo đơn nhiều tiền, tìm mọi cách trở thành người bảo hộ của họ nhưng sau lưng lại cấu kết với bác sĩ để tống nạn nhân vào trại dưỡng lão và tẩu tán tài sản của họ.
Công nhân vệ sinh môi trường bị nợ lương - Công bằng là một trò đùa?
Đời như phim hay phim như đời trong hai câu chuyện trên thì sự thực vẫn chưa ngã ngũ, thế nhưng, không thể phủ nhận việc lạm dụng quyền lực luôn là một vấn nạn trên toàn xã hội, nhất là khi đối tượng sở hữu quyền lực nhưng không đồng thời sở hữu cái tâm trong sáng. Khi đó, những câu chuyện bi kịch khác lại ra đời.
Câu chuyện về gần 300 công nhân vệ sinh môi trường từng là lao động của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Công nghệ cao Minh Quân đi làm nhưng bị nợ lương là một trong những bi kịch như vậy. Điều đó khiến cuộc sống của họ chỉ trôi đi trôi lại ở hai trạng thái: rất khó khăn và cực kỳ khó khăn.
Trở lại với bộ phim I care a lot, lời thoại của nhân vật chính vô hình chung đặt trong câu chuyện của những người công nhân vệ sinh môi trường nói trên, lại vô cùng thích hợp: "Tôi cũng từng như bạn, cứ ngồi đó nghĩ rằng làm việc chăm chỉ và công bằng sẽ dẫn đến thành công và hành phúc. Nhưng công bằng là một trò đùa, do người giàu nghĩ ra để ta mãi nghèo".
Một ví dụ khác, trong kỳ thi tuyển đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban thường vụ Tỉnh ủy quản lý của Bà Rịa - Vũng Tàu có một nội dung thi trình bày đề án với câu hỏi: "Đồng chí sẽ làm gì nếu được bổ nhiệm vào chức danh thi tuyển?". Một số phương tiện truyền thông nhận định đây là câu hỏi hay bởi nó quen thuộc nhưng chưa bao giờ dễ trả lời.
Cụm từ "Bạn sẽ làm gì nếu…" có lẽ không phải là câu hỏi chỉ dành riêng cho các cuộc thi nhan sắc và câu trả lời "Tôi sẽ cố gắng hết sức" đã lọt top những câu trả lời phổ biến nhất. Tuy nhiên, khi đã có quyền lực trong tay, người ta thường quên đi những lời hứa phổ biến đó, như trường hợp của lãnh đạo công ty vệ sinh môi trường Cổ phần đầu tư và phát triển Công nghệ cao Minh Quân.
Theo tìm hiểu, từ năm 2017 đến 2020, Công ty Cổ phần công nghệ cao Minh Quân trúng gói thầu duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Đầu năm 2021, trùng với thời điểm gói thầu này kết thúc, Công ty Minh Quân đã đổi sang một cái tên khác là Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội. Dù khác nhau tên gọi nhưng mã số thuế, mã số doanh nghiệp đều không thay đổi. Tuy nhiên, làm việc với phóng viên, người đại diện doanh nghiệp này lại chối bỏ trách nhiệm khi cho rằng việc trả lương cho công nhân do cổ đông cũ ở gói thầu cũ phải chịu.
Khi lời hứa là linh hồn của quảng cáo
Trong nhiều trường hợp, lời hứa đúng là linh hồn của quảng cáo, như những lời hứa của Fly Team về sàn tiền ảo Defi: "Tôi là Herry, sáng lập Fly Team. Hiện nay tôi đang giúp rất nhiều người kiếm tiền mỗi ngày 1% trên số vốn của họ. Tức là 20 - 30% mỗi tháng. Không cần biết gì về Internet vẫn có thể kiếm tiền".
Điều đáng nói, trước khi một sàn tiền ảo nào đó bị sập, những lời hứa luôn xuất hiện tại các cuộc hội thảo, vững chắc hơn bất kỳ một tiếng nói quảng cáo nào.
Không biết gì về Internet mà vẫn kiếm được tiền tại sàn Defi. Sàn này được giới thiệu là một sàn chọn quyền nhị phân, dự đoán chỉ số lên, xuống của một loại tài sản trong vòng 30 giây. Theo quảng cáo của nhóm Fly Team, việc của người tham gia là chỉ cần có người môi giới để tạo một tài khoản trên sàn Defi, sau đó nạp tiền vào, mỗi tối chỉ cần giao dịch theo lệnh của chuyên gia mà chẳng cần phải suy nghĩ gì, cứ đánh là thắng.
Trong group nhóm Fly Team, hàng nghìn người đã rỉ tai nhau nhanh chóng xuống tiền cho kịp. Để lôi kéo người tham gia, hàng tuần nhóm Fly Team cũng công khai đăng lên mạng xã hội thu nhập "khủng" của các thành viên.
Trong một diễn biến khác, Công an thành phố Hải Phòng đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ triệt phá 16 sàn ngoại hối, forex, tiền ảo theo phương thức đa cấp lừa đảo. Hơn 7.500 tỉ đồng từ hàng nghìn tài khoản của người chơi đã bị các đối tượng chiếm đoạt. Số tiền đó đi về đâu? Thật bất ngờ, chúng được các đối tượng lừa đảo đầu tư vào các giao dịch tiền ảo như bitcoin, tiền số USDT, bất động sản hay lan đột biến.
Trở lại với lời thoại của nhân vật chính trong bộ phim I care a lot, còn có một câu khác cũng đáng chú ý. Trong mắt nhân vật chính, chỉ có hai loại người trên thế giới đó là kẻ săn mồi và con mồi.
Vì vậy, soi ra ngoài đời thực, mỗi khi một sàn giao dịch tiền ảo nào đó đổ bể, người trong cuộc lại hú hồn thót tim với cuộc chơi "Ai là kẻ ngốc nhất?" mà họ trót biến mình thành nhân vật chính. Bởi lẽ với các chiêu thức thổi giá và chờ kẻ ngốc hơn tham gia vào hệ thống, những người không kịp rút tiền ra là những người ngốc nhất. Khả năng rút lại tiền của họ khi đổ toàn bộ tài sản đầu tư vào những sàn giao dịch này chỉ là con số 0 tròn trĩnh.
Bởi mới nói, tham gia vào hệ thống hay không chỉ có bạn mới toàn quyền quyết định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!