Quảng Ngãi một ngày nắng cháy 2017. Từng tấc đất nơi đây vẫn còn in dấu nhiều kỷ niệm với người cựu chiến binh năm nào. Với giọng nói hào sảng, nụ cười buồn và đôi mắt xa xăm… người Việt kiều Đức – ông Nguyễn Huy Thắng, thương binh hạng 2/4 (thương tật 61%), năm nay đã ngoài 60 tuổi, vẫn say sưa kể về những ký ức hào hùng nhưng cũng rất đau thương của một thời chiến tranh đỏ lửa.
Sau giải phóng, ông Thắng công tác tại một tờ báo trước khi được Đảng và nhà nước cử đi du học tại Đức rồi ở lại đây định cư. Đến nay, ông Thắng đã sống xa Tổ quốc hơn 20 năm, tuy nhiên, trong suốt quãng thời gian đó, người cựu chiến binh ấy vẫn liên tục về thăm lại quê hương. Đó không chỉ là những chuyến thăm gia đình, bạn bè mà còn là hành trình thực hiện sứ mệnh với những người đồng đội đã ngã xuống...
Tấm áo chiến sĩ 3 người cùng mặc
"Anh gửi lại cho em áo anh mặc dở
Áo màu xanh vài vết đạn xuyên
Em mặc áo anh năm tháng không quên
Chiếc áo mang tên 3 người đồng chí – Lâm, Mệnh, Thắng
Em may mắn còn được về quê mẹ
Mang chiếc áo theo cả những vết thương đau…"
- Người cựu chiến binh trầm ngâm đọc những vần thơ trong nước mắt
Ông Huy Thắng, liệt sỹ Trịnh Mệnh, liệt sỹ Trương Thanh Lâm là những chiến sĩ thuộc tiểu đoàn 107 Pháo binh Quảng Ngãi. Ba người đồng chí gắn bó với nhau bằng một tấm áo chiến sĩ. Nó được chuyển từ liệt sỹ Trương Thanh Lâm cho Liệt sỹ Trịnh Mệnh trước khi tới tay ông Huy Thắng và đã theo ông trong những năm tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Từ trái sang phải: Liệt sỹ Trương Thanh Lâm; Liệt sỹ Trịnh Mệnh; cựu chiến binh Huy Thắng
Là người may mắn hơn 2 người đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại ở mảnh đất Quảng Ngãi, từ năm 2000, ông Huy Thắng bắt đầu thực hiện hành trình đi tìm mộ những người đồng đội đã từng chiến đấu với mình.
Ông Huy Thắng chia sẻ về hành trình tìm mộ đồng đội: "Lần đầu khi trở về tìm mộ đồng đội, người đầu tiên mà tôi đi tìm là liệt sỹ Trịnh Mệnh. Quê anh ở Tiên Lãng, Hải Phòng. Tôi cứ nghĩ chỉ cần về nghĩa trang liệt sỹ tại đây là có thể viếng được mộ anh nhưng mọi chuyện không đơn giản như thế. Anh chưa về tới quê nhà…".
Người Việt Kiều Đức tìm gặp được người em của liệt sỹ Trịnh Mệnh – Nhà báo Trịnh Lệnh, khi đó đang là Phó Tổng biên tập một tờ báo tại Hải Phòng và được biết người đồng đội năm xưa vẫn còn nằm lại ở mảnh đất Quảng Ngãi. "Anh Lệnh nói rằng, anh Mệnh vẫn nằm lại chiến trường năm xưa vì gia đình chưa có điều kiện đưa thi hài anh về lại quê hương" – ông Huy Thắng cho hay. Và đó là lúc hành trình của ông Thắng bắt đầu…
8 năm ròng tìm kiếm để gắn tên đồng đội lên ngôi mộ vô danh
Hành trình của ông Thắng bắt đầu từ năm 2000. "Năm 2000, Quảng Ngãi đã thay đổi nhiều lắm. Phải tìm được những đồng chí đồng đội ngày xưa, những người từng là du kích để họ dẫn đường mới mong tìm được. Nhưng suốt 1 tuần tôi ở lại đó, mọi nỗ lực đều không đạt được kết quả" – ông Huy Thắng chia sẻ - "Và tháng 7 năm sau, tôi lại trở lại với hành trình của mình nhưng không có gì thay đổi…".
Trong một lần trở về Quảng Ngãi sau đó, ông Thắng dần nắm được thông tin rằng vào những năm 1978, chính quyền địa phương đã phát động phong trào đền ơn đáp nghĩa, đi tìm và quy tập mộ liệt sỹ. Hay biết có thể mộ liệt sỹ Trịnh Mệnh đã được quy tập về nghĩa trang liệt sỹ xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, người cựu chiến binh lại từ Đức về lại Việt Nam để tiếp tục hành trình tìm mộ đồng đội. Ông dò tìm từng cái tên trong danh sách mộ liệt sỹ tại đây, nhưng tuyệt nhiên cái tên Trịnh Mệnh vẫn không xuất hiện. Không từ bỏ hy vọng, "Rất có thể, ngôi mộ của anh Trịnh Mệnh nằm trong số những ngôi mộ vô danh tại đây" – ông Thắng chia sẻ - "Cán bộ phụ trách xã hội của xã Tịnh Hiệp cho biết, khi quy tập mộ liệt sỹ về đây cũng có lập danh sách, vẽ sơ đồ mộ trí nhưng sau khi chuyển đổi vị trí nghĩa trang từ nơi cũ sang nơi mới và quá trình tu sửa đã làm vị trí xáo trộn. Về quản lý hồ sơ thì mỗi đời quản lý lại khác nhau. Nhiều hồ sơ cũ không được bảo quản tốt đã bị hư hại.."
Nhưng khó khăn không làm ông Thắng thôi khao khát tìm thấy mộ phần người đồng đội năm xưa. Ông vẫn kiên trì đi đi về về giữa Đức và Việt Nam, có khi là đi một mình, có khi đi cùng vợ con hay có lần lại cùng những người đồng đội xưa, kiên trì tới từng nhà, hỏi từng người dân đã tham gia quy tập các ngôi mộ vô danh nơi liệt sỹ Trịnh Mệnh ngã xuống.
Ông Huy Thắng chia sẻ bên phần mộ liệt sỹ Trịnh Mệnh
Và tới năm 2008, cuối cùng ông Thắng cũng tìm được nhân chứng, làm các thủ tục gắn được tấm bia liệt sỹ Trịnh Mệnh lên ngôi mộ số 168, nghĩa trang liệt sỹ Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
Hành trình chưa mỏi
Phần mộ người đồng đội Trịnh Mệnh đã được tìm thấy nhưng hành trình của ông Thắng vẫn chưa kết thúc. Nỗi ám ảnh về sự hy sinh của liệt sỹ Trương Thanh Lâm vẫn thôi thúc ông trở về Việt Nam hằng năm.
Ngày 9/5/1972, liệt sỹ Trương Thanh Lâm được lệnh dẫn đơn vị vào, chiếm lĩnh vị trí chiến đấu trước thềm trận đánh đồi Vạn Tường. Không may, ông bị thương nặng và hy sinh trước giờ nổ súng. Nhận lệnh từ cấp trên, ông Huy Thắng là một trong ba chiến sĩ thực hiện chôn cất liệt sỹ Lâm tại chỗ.
Cựu chiến binh Huy Thắng đang mô tả trên sa bàn vị trí hy sinh của liệt sỹ Trương Thanh Lâm trong trận đánh đồi Vạn Tường năm 1972.
"Chúng tôi lợi dụng một công sự của quân địch để đưa liệt sỹ Trương Thanh Lâm xuống an táng. Nhưng do công sự đó là một lỗ tròn, đất đá lại quá cứng và giờ tác chiến đã cận kề, chúng tôi buộc phải an táng đồng chí Lâm trong tư thế ngồi ôm gối. Chúng tôi vừa lấp đất vừa nhạt nhoà nước mắt vì anh hy sinh nhưng cũng không được nằm yên. Và đó là nỗi ám ảnh theo tôi suốt đời" – ông Huy Thắng chia sẻ.
Cho tới nay, mỗi năm ông Thắng vẫn thường xuyên về lại Việt Nam, cụ thể là mảnh đất Quảng Ngãi để đi tìm mộ liệt sỹ Trương Thanh Lâm. Ông và gia đình liệt sỹ Lâm đã dùng mọi phương pháp, kể cả những phương pháp tâm linh, tuy nhiên, vẫn chưa thể tìm đích xác vị trí chôn cất liệt sỹ Lâm.
"Tìm mộ liệt sỹ, những người đồng đội đã chiến đấu bên tôi, như tìm lại một phần của cuộc đời. Nên ngày nào còn điều kiện và sức khoẻ, tôi sẽ còn lên đường…" - ông Huy Thắng chia sẻ