Vì sao Hà Nội cứ mưa to là ngập?

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 12/07/2022 19:32 GMT+7

VTV.vn - Nhiều trạm bơm hàng chục nghìn tỷ đồng chậm tiến độ hoặc không hiệu quả, mạng lưới tiêu thoát nước quá lạc hậu, chưa đáp ứng kịp tốc độ đô thị hoá nhanh chóng của Thủ đô.

Hà Nội cứ mưa to là ngập. Ngay cả những khu vực được đầu tư hệ thống bơm thoát nước nhiều ngàn tỷ đồng cũng không thoát khỏi cảnh nước ngập mênh mông. Tại sao lại như vậy? Đâu là nguyên nhân gốc rễ và Hà Nội có thể giải quyết được tình trạng này hay không?

Phía Tây Hà Nội ngập sâu vì trạm bơm không hiệu quả

Mùa mưa mới bắt đầu nhưng trận mưa nào cũng khiến nhiều khu vực của Thủ đô phải hứng chịu cảnh ngập sâu, ngập lâu. Mới đây, HĐND Thành phố đã họp và chất vấn các vấn đề liên quan đến việc Hà Nội cứ mưa là ngập, trong đó có nhắc tới việc rất nhiều trạm bơm được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng bị chậm tiến độ - đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều khu vực Hà Nội ngập sâu mỗi khi mưa.

Vì sao Hà Nội cứ mưa to là ngập? - Ảnh 1.

Mưa lớn gây ngập úng tại phố Đào Tấn, khiến các phương tiện lưu thông khó khăn. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Dự án thoát nước, trạm bơm tiêu Yên Nghĩa được đầu tư xây dựng từ năm 2015 có tổng mức đầu tư gần 7.500 tỷ đồng, được kỳ vọng góp phần xóa nhiều "điểm đen" úng ngập cho các quận, huyện phía Tây Hà Nội. 10 tổ máy công suất 120m3/s đã có thể hoạt động tốt từ 2 năm nay.

Đây là trạm bơm có công suất thoát lũ lớn nhất Hà Nội hiện nay. Nó có nhiệm vụ tiêu thoát nước sông Nhuệ, tiêu nước cho trên 6.300 ha sản xuất nông nghiệp, dân sinh, thuốc các quận huyện phía Tây của Hà Nội là Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân và Hoài Đức… Tuy nhiên, các quận huyện này vẫn ngập nặng sau những trận mưa vừa qua.

Nguyên nhân khách quan được đơn vị quản lý trạm bơm Yên Nghĩa chỉ ra là mưa lớn trong một thời gian ngắn gây ngập sâu nhưng hệ thống cống tiêu thoát nước trong nội đô nhỏ hẹp, nước không thoát kịp nước ra các mương lớn để chảy ra sông Nhuệ, mực nước không đủ 4m để trạm bơm có thể hoạt động để nước tiêu thoát, khiến nội đô vẫn cứ ngập, còn nước về trạm bơm thì chỉ đủ cho 2-3 tổ máy hoạt động, thay vì hết công suất là 10 tổ máy.

Một nguyên nhân khác đó là kênh La Khê - một trong những kênh thu nước về trạm bơm vẫn chưa được địa phương bàn giao mặt bằng sạch cũng gây ảnh hưởng rất lớn tới việc tiêu thoát nước, dẫn nước về trạm bơm Yên Nghĩa.

Đó là cách lý giải về cho việc vì sao phía Tây Hà Nội cứ mưa là ngập trong khi trạm bơm được đầu tư tới hơn 7.500 tỷ đồng không đủ nước để chạy máy tiêu thoát. Thế nhưng, cách đây hơn 1 tháng, đại lộ Thăng Long và nhiều khu dân cư của huyện Hoài Đức bị ngập nặng, mà nguyên nhân được xác định do lượng mưa lớn và mực nước sông Nhuệ dâng cao.

Điều lạ là trạm bơm tiêu Yên Nghĩa với vai trò hạ mực nước sông Nhuệ mỗi khi có mưa lại không thực hiện được nhiệm vụ thoát nước. Điểm mâu thuẫn này có lẽ vẫn cần có lời giải thích thoả đáng hơn từ phía các cơ quan chức năng của Hà Nội.

Nhiều trạm bơm hàng chục nghìn tỷ đồng chậm tiến độ

Trạm bơm trị giá 7.500 tỷ với mục tiêu là thoát nước cho các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân và Hoài Đức. Vậy mà chỉ mưa to 1 trận, những địa bàn này vẫn ngập như thường.

Còn các trạm bơm khác của Hà Nội thì sao? Hà Nội đã 3-4 lần ngập úng từ đầu mùa mưa tới giờ trong khi cả chục công trình chống ngập, trạm bơm, mỗi công trình đều được đầu tư rất nhiều nghìn tỷ nhưng suốt cả chục năm vẫn chưa thể về đích.

Vì sao Hà Nội cứ mưa to là ngập? - Ảnh 2.

Từ 2005 đến nay, UBND TP Hà Nội đã đầu tư gần 20.000 tỷ đồng vào các dự án thoát nước. Cụ thể, dự án thoát nước Hà Nội có mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng, đã hoàn thành năm 2016 nhưng đến nay, Hà Nội vẫn ngập úng.

2 dự án thoát nước, chống ngập úng cho khu vực phía Tây Hà Nội là Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa hơn 7.400 tỷ đồng và Cụm công trình đầu mối Liên Mạc với tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng tới nay vẫn chưa phát huy hiệu quả.

Năm 2013, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch thoát nước Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Ngoài cập nhật, bổ sung đầu tư hạ tầng thoát nước cho nội đô, Chính phủ yêu cầu Thành phố xây dựng các trạm bơm chống ngập cho khu vực phía Tây, là Trạm bơm Liên Mạc (Bắc Từ Liêm), công suất 170m3/s; Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa (Hà Đông), công suất 120m3/s (gần gấp đôi trạm bơm Yên Sở); nâng gấp đôi công suất các Trạm bơm Cổ Nhuế, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2 (Bắc Từ Liêm)… Nhưng sau gần 10 năm, chưa có dự án nào theo quy hoạch này thực hiện xong.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt nhiều dự án đầu tư công liên quan tiêu thoát nước, với tổng nguồn vốn khoảng trên 10.000 tỷ đồng và lại tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.

Loay hoay tìm giải pháp chống ngập

Có thể thấy là số tiền đầu tư cho công tác chống ngập của Thành phố là rất lớn nhưng hiệu quả thì chưa như kỳ vọng. Theo đánh giá của các chuyên gia, mạng lưới tiêu thoát nước của Hà Nội hiện quá lạc hậu, chưa đáp ứng kịp với tốc độ đô thị hoá nhanh chóng của Thủ đô. Bài toán chống ngập cho đến giờ vẫn chưa có lời giải cụ thể.

Vì sao Hà Nội cứ mưa to là ngập? - Ảnh 3.

Phần lớn chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc hiện có chung quan điểm, việc "phố biến thành sông" nguồn cơn là do suốt nhiều năm qua, quy hoạch của Hà Nội điều chỉnh cục bộ, tuỳ tiện, tăng bê tông, giảm diện tích công cộng của công viên cây xanh, ao hồ… Đặc biệt, tốc độ phát triển hạ tầng nhà ở quá nhanh, dày đặc đã khiến rất nhiều tuyến phố Hà Nội luôn trong tình quá sức chịu tải, đành sống chung với cảnh cứ mưa là ngập, mà ngập là ngập sâu và lâu.

Trong khi đó, trái ngược với tốc độ đô thị hoá, mạng lưới tiêu thoát nước nội đô là hệ thống cống, kênh, mương lại không được đầu tư cải tạo đúng mức hoặc có đầu tư thì chậm tiến độ, ì ạch vướng mặt bằng, thậm chí đầu tư theo kiểu chắp vá, thiếu đồng bộ.

Nhiều chuyên gia đô thị cho rằng, để thoát cảnh cứ mưa là ngập cũng không thể một sớm một chiều. Trước mắt, ngoài giải pháp duy trì chống ngập theo phương pháp "nước tự chảy", Hà Nội cũng cần đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng các trạm bơm thoát nước ven các sông Tô Lịch, Kim Ngưu để rút quãng đường tập trung nước, tạo thành nhiều điểm cuối thoát nước tiêu úng nhanh hơn.

Ngoài việc đầu tư các trạm bơm tiêu thoát nước đô thị, việc xây các hầm chứa nước tại các khu vực trũng thấp để giảm úng ngập cục bộ; đầu tư nâng cấp hệ thống thoát nước lưu vực tả Nhuệ, hữu Nhuệ, lưu vực Bắc sông Hồng cũng là việc cấp bách.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần phải tính toán trong quá trình thiết kế, cấp phép xây dựng các khu đô thị phải có các hệ thống thoát nước đi kèm, đảm đương được huyết mạch của đô thị và phải xây dựng được các đô thị có khả năng chống chịu một cách thông minh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước