Hiểm họa sạt lở rất khó lường và một khi sự cố sạt lở đã xảy ra, việc ứng cứu cũng vô cùng khó khăn. Sau những vụ sạt lở liên tiếp xảy ra ở miền Trung, một yêu cầu đặt ra đối với tất cả các địa phương là phải rà soát tất cả những điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng di dời người dân khi có mưa bão. Và giải pháp có tính dài hạn hơn là không để tồn tại những khu dân cư ở những điểm sạt lở. Nhưng, để thực hiện các giải pháp này không dễ.
Nhà văn hóa thôn, trường học giờ đã là nơi tá túc quen thuộc của nhiều gia đình ở xã Phước Đồng và phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang mỗi khi mưa bão. Không thể không dời đến đây, bởi nơi ở hiện tại của các gia đình chính là những căn nhà tạm chênh vênh lưng chừng núi. Các gia đình buộc phải chấp nhận cứ mưa to thì dời đi, hết mưa lại quay về.
Nhiều gia đình đang sinh sống ở khu vực sạt lở
Chỉ riêng phường Vĩnh Trường và xã Phước Đồng, TP Nha Trang đã có đến 811 hộ với trên 3.000 nhân khẩu sống ở khu dân cư lưng chừng núi và là điểm nóng về nguy cơ sạt lở.
Đến cuối tháng 4 năm nay, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định triển khai dự án di dời. Tuy nhiên, đến lúc này, dự án vẫn còn tiếp tục được điều chỉnh bởi hai lý do: kinh phí quá lớn, lên đến 340 tỷ đồng và để thực hiện di dời dân cần có thời gian để xác minh từng trường hợp gia đình đang sinh sống ở khu vực sạt lở.
Một điểm chung ở những khu dân cư bị sạt lở tại Nha Trang là phần lớn các gia đình dựng nhà trước đây trên đất đồi núi, không phù hợp quy hoạch, không có giấy tờ chứng minh hợp pháp về nguồn gốc sử dụng đất. Vì vậy, các hộ gia đình này nếu di dời chỉ được xem xét bán, cho thuê nhà hoặc giao đất có thu tiền sử dụng theo quy định.
Tuy nhiên, do đây là những hộ gia đình khó khăn nên hiện tại, chính quyền địa phương tiếp tục tìm hướng hỗ trợ, nhằm đảm bảo tính khả thi của việc di dời dứt điểm các hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!