Buổi tư vấn trực tuyến chủ đề "Viêm phổi, Cúm và những biến chứng hô hấp nguy hiểm ở trẻ nhỏ và người cao tuổi".
Tối 4/8, với mong muốn cập nhật kiến thức y khoa mới nhất về các bệnh về đường hô hấp nguy hiểm ở trẻ nhỏ và người cao tuổi, Hệ thống tiêm chủng VNVC phối hợp cùng Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh và Báo điện tử VTV thực hiện Chương trình Tư vấn trực tuyến: "Viêm phổi, Cúm và những biến chứng hô hấp nguy hiểm ở trẻ nhỏ và người cao tuổi".
Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu, gồm BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC; TS.BS Nguyễn An Nghĩa, Phó Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi Đồng 1, TP. Hồ Chí Minh; BS.CKII Mã Thanh Phong, bác sĩ Hô hấp, khoa Nội tổng hợp, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.
Chương trình diễn ra trong vòng 2 tiếng với hàng chục ngàn lượt xem và câu hỏi được trả lời trực tiếp bởi các chuyên gia.
Cúm phía Nam xuất hiện quanh năm
Mở đầu chương trình, BS Nguyễn An Nghĩa đã giải thích những hiểu nhầm thường gặp về thời gian diễn ra cúm mùa. Theo BS Nghĩa, cúm mùa là tác nhân siêu vi, lây qua đường hô hấp và đặc tính ở nước ôn đới. Tại khu vực phía Bắc của Việt Nam, không khí lạnh vào mùa đông các tháng 10-11-12 là điều kiện thuận lợi để cúm tồn tại lâu hơn ở môi trường bên ngoài. Tuy nhiên, ở vùng nóng quanh năm như ở phía Nam thì cúm có thể xuất hiện quanh năm. Cúm có thể xuất hiện lúc giao mùa, mưa sang khô hoặc nóng sang lạnh, nhiệt độ thay đổi.
"Ngoài ra, cúm có thay đổi nhỏ về bản chất theo từng năm. Cúm năm sau không còn giống năm trước nên việc tiêm chủng cần nhắc lại hàng năm để đảm bảo miễn dịch", BS Nghĩa nhắc nhở.
Cúm có thể tự khỏi sau 4-7 ngày mắc bệnh nhưng lại có nguy cơ biến chứng cao như viêm phổi, viêm cơ tim, nhiễm trùng huyết… ở người có hệ miễn dịch suy yếu như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh mạn tính hen suyễn, COPD, suy thận, đái tháo đường… Phụ nữ mang thai mắc cúm, đặc biệt giai đoạn 3 tháng đầu, thai nhi có thể bị dị tật, sinh non.
"Với người lớn tuổi và có bệnh lý nền, hệ miễn dịch và tế bào biểu mô niêm mạc suy yếu, phản xạ ho, đóng nắp thanh môn đều suy yếu nên dễ bị các tác nhân cúm, phế cầu tấn công gây viêm phổi", BS Mã Thanh Phong giải thích.
BS.CKII Mã Thanh Phong, BS Hô hấp, khoa Nội tổng hợp, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.
Di chứng do phế cầu
Đông Nam Á được các bác sĩ nhận định là "vùng trũng" của bệnh lý phế cầu xâm lấn. Phế cầu cư trú chủ yếu ở mũi, họng, đường thở của người khỏe mạnh và lây nhiễm sang người có hệ miễn dịch kém như trẻ em, người già, người có bệnh nền... Phế cầu khuẩn xâm lấn có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm màng não và nhiều biến chứng thần kinh lâu dài.
Năm 2017, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính toàn cầu có trên 6 triệu trẻ tử vong dưới 5 tuổi thì trên 10%, tương đương 600.000 trẻ tử vong vì các nguyên nhân xuất phát từ nhiễm phế cầu.
TS.BS Nguyễn An Nghĩa, Phó Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi Đồng 1, TP. Hồ Chí Minh.
BS Nghĩa kể lại từng chứng kiến nhiều ca bị phế cầu tấn công nặng nề. "Những trường hợp viêm màng não do phế cầu "đánh rất nhanh". Tôi từng khám cho hai em có biểu hiện bệnh giống nhau. Ca đầu tiên tôi đang khám và hoàn tất hồ sơ thì trẻ có biểu hiện suy hô hấp, phải đẩy vào phòng cấp cứu, đặt ống phế quản, thở máy, diễn tiến rất nặng và sau đó tử vong. Ca thứ hai có bệnh cảnh tương tự như vậy, trở nặng nhanh nhưng sau khi thở máy, may mắn cứu được nhưng vẫn còn di chứng", BS Nghĩa chia sẻ.
Ngay trên sóng trực tuyến, chương trình đã nhận được câu hỏi có cần tiêm vaccine phế cầu từ một trường hợp người mẹ có con bị di chứng chậm phát triển và liệt do nhiễm phế cầu từ 3 năm trước.
Theo các bác sĩ, trường hợp này vẫn cần thiết tiêm vaccine vì có hơn 100 tuýp huyết thanh phế cầu khác nhau. "Bé mắc loại phế cầu nào thì chỉ có kháng thể phòng chủng phế cầu ấy. Sau khi khỏi bệnh do phế cầu, con cần tiêm chủng thêm để bảo vệ khỏi các loại phế cầu khác", BS Nghĩa cho biết.
Tiêm chủng là trọn đời
Việc tiêm phòng cúm, phế cầu, ho gà… được các bác sĩ nhận định không chỉ bảo vệ người có nguy cơ cao, tránh các biến chứng mà còn giảm khả năng người khỏe mạnh mắc hoặc giảm tỷ lệ người lành mang trùng lây cho người khác, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao. Quan điểm tiêm chủng chỉ dành cho trẻ em là không đúng.
BS Bạch Thị Chính cho biết hiện Hệ thống tiêm chủng VNVC với gần 120 trung tâm trên toàn quốc có gần 40 loại vaccine phòng 50 bệnh truyền nhiễm cho cả trẻ em và người lớn. Tất cả vaccine được bảo quản an toàn, chất lượng cao trong hệ thống kho lạnh đạt chuẩn GSP và hệ thống dây chuyền lạnh (cold chain) khép kín.
Trong đó, vaccine ngừa các bệnh do phế cầu có 2 loại gồm vaccine Synflorix (phế cầu 10 – Bỉ) ngừa 10 chủng phế cầu và vaccine Prevenar 13 (Bỉ) ngừa 13 chủng phế cầu. vaccine Synflorix có thể tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến 5 tuổi. vaccine Prevenar 13 có thể tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến người lớn. Cả hai loại vaccine đều có thể tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi.
vaccine Synflorix có phác đồ tiêm 4 mũi với trẻ từ 2-6 tháng tuổi; 3 mũi với trẻ từ 7-11 tháng tuổi và 2 mũi với trẻ từ 1-5 tuổi. vaccine Prevenar 13 có phác đồ tiêm 4 mũi với trẻ từ 6 tuần tuổi - 6 tháng tuổi; 3 mũi với trẻ từ 7-11 tháng tuổi; 2 mũi với trẻ từ 12-23 tháng tuổi; 1 mũi duy nhất cho trẻ từ 2 tuổi đến người lớn.
vaccine ngừa cúm hiện đã có loại vaccine tứ giá ngừa 4 chủng virus cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Victoria, B/Yamagata, tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Cụ thể, các vaccine Vaxigrip Tetra (Pháp), GC Flu Quadrivalent (Hàn Quốc), Influvac Tetra (Hà Lan) có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng. vaccine Ivacflu-S (Việt Nam) tiêm cho người lớn từ 18 tuổi. Các vaccine đều là vaccine bất hoạt, có tính sinh miễn dịch tốt và ít gây phản ứng phụ sau tiêm như sốt, đau tại nơi tiêm…
"Các bạn đừng chờ đợi khi có bệnh truyền nhiễm mới tiêm để tránh những biến chứng vốn có thể ngăn chặn hoặc giảm nhẹ bằng vaccine", BS Chính nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!