Việt Nam đã đạt, thậm chí vượt xa mục tiêu của chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19. Tỷ lệ tiêm cao góp phần quan trọng ngăn chặn, kiểm soát dịch COVID-19, đưa Việt Nam trở lại trạng thái bình thường để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là đánh giá của các tổ chức quốc tế sau hơn 1 năm chiến dịch tiêm vaccine được triển khai.
Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 lớn nhất trong lịch sử đã được triển khai thành công với gần 266 triệu liều vaccine phòng COVID-19 các loại. Mục tiêu đặt ra là 75% người dân được tiêm trong năm 2022, nhưng kết quả là, 88,5% người dân từ 5 tuổi trở lên đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, trong khi trên thế giới, tỷ lệ này mới đạt 70%.
Điểm tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN
Tổ chức Y tế thế giới WHO đánh giá cao về chiến lược sử dụng vaccine phòng COVID-19 phù hợp, hiệu quả của Việt Nam, với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân.
Với phương châm "Vaccine tốt nhất là vaccine được tiếp cận sớm nhất", các địa phương đã tổ chức truyền thông, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng và tổ chức các đội tiêm lưu động, các điểm tiêm 24/7. Đồng thời đưa ra những khuyến cáo mới nhất của WHO về vaccine phòng COVID-19 để người dân hiểu đúng.
Công tác tổ chức tiêm được tập huấn kỹ lưỡng với nhiều loại vaccine, liều lượng khác nhau, xử trí cấp cứu kịp thời và đảm bảo tiêm an toàn, đúng lịch. Điều này đã góp phần giảm tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm và thấp hơn khuyến cáo của WHO, cũng như nhà sản xuất.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo, các biến thể mới của SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, có khả năng làm giảm hiệu quả của vaccine cũng như né tránh miễn dịch, dẫn đến nguy cơ dịch bùng phát trở lại, vì vậy, cần đảm bảo tất cả mọi người được tiêm chủng đầy đủ và tiêm mũi nhắc lại khi đến lịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!