Trong số 13,4 triệu người già ở Việt Nam, có khoảng 64,4% không có lương hưu và trợ cấp, phải sống dựa vào con cháu, người thân hoặc tiếp tục lao động mưu sinh. Đây là nghiên cứu của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội phối hợp với Đại học Justus Liebig Giessen (Đức). Vấn đề đáng lo ngại nhất với tình trạng già hóa dân số ở Việt Nam là hiện phần lớn người cao tuổi đang phải làm việc để tạo thu nhập.
Hiện tại, gần 46% người từ 60 - 69 tuổi, gần 30% người từ 70 - 79 tuổi và 10% người hơn 80 tuổi vẫn phải lao động để kiếm sống. Nếu dựa trên chuẩn nghèo quốc gia (thu nhập dưới 1 triệu đồng mỗi người/tháng ở nông thôn và dưới 1,3 triệu đồng ở thành thị), hiện Việt Nam có 16% người trên 60 tuổi thuộc diện nghèo.
Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng nhưng bắt đầu già hóa dân số từ năm 2019 với 10,4 triệu người hơn 65 tuổi, chiếm 7,7% dân số. Chưa kể tốc độ già hóa dân số cũng thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Khoảng thời gian để tăng tỷ trọng người già từ 7% lên 14% dự báo chỉ trong 2 thập kỷ, tức là tới năm 2035. Nếu không có những giải pháp kịp thời, Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong an sinh xã hội cho người cao tuổi.
Theo nghiên cứu, giai đoạn đến năm 2035, cứ 2 người trong độ tuổi lao động ở Việt Nam sẽ phải "gánh" không quá 1 người ngoài tuổi lao động. Sau năm 2035, dự báo cứ 4 người trong độ tuổi lao động phải "gánh" 3 người, thậm chí cả gia đình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!