Viêt Nam đứng thứ 2 thế giới về chỉ số lãng phí thực phẩm

Cẩm Nhung, Duy Công-Thứ tư, ngày 06/11/2024 21:09 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về lãng phí thực phẩm, với hơn 8 triệu tấn thực phẩm bị bỏ phí mỗi năm, gây tổn thất 3,9 tỷ USD, tương đương gần 2% GDP.

Việt Nam dù là 1 quốc gia đang phát triển, chưa được xếp vào nhóm các nước giàu thế nhưng chúng ta đứng thứ 2 về chỉ số lãng phí thực phẩm, chỉ sau Trung Quốc. Đây là kết quả một khảo sát với quy mô 4.000 hộ gia đình tại 8 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương.

Hơn 8 triệu tấn thực phẩm bị thất thoát, hoặc bị vứt bỏ mỗi năm ở Việt Nam khi vẫn còn sử dụng được, hoặc tận dụng được, gây tổn hại khoảng 3,9 tỷ USD mỗi năm. Con số này là gần 2% Tổng sản phẩm quốc nội GDP hiện nay.

Lãng phí thực phẩm: Nguyên nhân từ tâm lý và ý thức

Lãng phí thực phẩm đang trở thành một vấn đề nhức nhối ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo thống kê của Mạng lưới Ngân hàng thực phẩm Việt Nam, cơm/bún/phở/mì chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các loại thức ăn bị lãng phí, với 68%. Tiếp theo là thịt/cá nấu chín (53%) và rau củ (44%). Điều này phản ánh một thực trạng đáng báo động: sự thiếu nhận thức về vấn đề lãng phí thực phẩm dẫn đến việc lên kế hoạch bữa ăn không hợp lý và mua sắm quá mức.

Tại các nhà hàng, đặc biệt là các nhà hàng buffet, lãng phí thực phẩm không chỉ là vấn đề của khách hàng, mà còn của chính các nhà quản lý. Chị Phạm Huyền Trang, nhân viên của chuỗi nhà hàng Khang Buffet, chia sẻ: "Chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp khách bỏ phí đồ ăn. Chẳng hạn, khách gọi quá nhiều đồ, nướng cháy hoặc để nước thừa quá nhiều. Mặc dù biết rằng nhà hàng có quy định sẽ phụ thu nếu làm đồ ăn hỏng, nhưng chúng tôi không thể tính phí vì điều đó. Để đảm bảo chất lượng dịch vụ, chúng tôi buộc phải bỏ đi những món ăn không thể tái sử dụng."

Mặc dù nhà hàng đã cố gắng định lượng thực phẩm phù hợp với nhu cầu thực tế của khách hàng, nhưng sự dư thừa vẫn khó tránh khỏi. Điều này không chỉ xảy ra tại các nhà hàng, mà còn phổ biến trong các gia đình. Một khảo sát của Mạng lưới Ngân hàng thực phẩm Việt Nam cho thấy, hơn 50% thực phẩm bị lãng phí do tâm lý "để phần" cho những người không thể tham gia bữa ăn. Hơn 49% người dân cho thực phẩm vào tủ lạnh nhưng quên mất và để chúng hư hỏng. Còn khoảng 35% do không biết cách kiểm soát khẩu phần ăn khi nấu nướng, dẫn đến việc chế biến dư thừa.

Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, tác giả cuốn sách "Hà Thành hương xưa vị cũ" cũng cho rằng: "Chủ nhà thường có tâm lý phải mua nhiều để thể hiện lòng hiếu khách. Còn khách thì không dám ăn nhiều vì ngại với chủ nhà." Chính những yếu tố tâm lý này khiến thực phẩm thường bị bỏ phí dù không cần thiết.

Có nhiều nguyên nhân gây ra sự lãng phí thực phẩm, nhưng hậu quả để lại thì như nhau. Lãng phí làm tiêu tốn tiền bạc và ảnh hưởng đến giá bán thực phẩm. Không những vậy, thực phẩm bỏ đi, trong thời gian ngắn, sẽ sinh ra khí Metal - có khả năng giữ nhiệt gấp 28 lần khí Cacbon đioxit (CO2) - loại khí thải góp phần làm trái đất nóng lên.

Viêt Nam đứng thứ 2 thế giới về chỉ số lãng phí thực phẩm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Tối ưu giá trị của thực phẩm đã chế biến

Từ năm 2018, Việt Nam đã thông qua Kế hoạch hành động quốc gia "Không còn nạn đói ở Việt Nam đến năm 2025", trong đó một trong những mục tiêu quan trọng là ngừng "lương thực bị thất thoát, lãng phí". Đây là chiến lược lớn nhằm đối phó với tình trạng lãng phí thực phẩm, và ngoài những nỗ lực của chính phủ, nhiều tổ chức và cá nhân cũng đã tình nguyện triển khai các mô hình xử lý thực phẩm dư thừa, nhằm đem lại lợi ích cho cả xã hội và môi trường. Một trong những tổ chức tiêu biểu là VietHarvest, hoạt động tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đang làm việc với các nhà hàng và khách sạn để tối ưu giá trị của thực phẩm đã chế biến, đồng thời giảm thiểu tình trạng lãng phí.

Mỗi tuần, xe đông lạnh của VietHarvest làm một vòng quanh Hà Nội, thu gom thực phẩm từ khoảng 10 nhà hàng, khách sạn và 10 cơ sở từ thiện. Thực phẩm được thu gom đều là những món ăn chưa được sử dụng, còn nguyên chất lượng và được bảo quản đúng quy trình. Tất cả đều miễn phí và được gửi đến các tổ chức từ thiện hoặc cơ sở bảo trợ xã hội để phục vụ cho những người cần.

Chị Đinh Hà Thu, quản lý và điều hành VietHarvest tại Hà Nội, cho biết: "Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến nguồn thực phẩm đầu vào, vì vậy chỉ thu gom từ các nhà hàng và khách sạn cao cấp, nơi có quy trình bảo quản tốt nhất." Các nhà hàng này, dù đã có những biện pháp kiểm soát nội bộ và khuyến khích khách hàng tiết kiệm thức ăn, nhưng việc dư thừa thực phẩm là không thể tránh khỏi do nhu cầu của khách hàng thay đổi liên tục.

Trong hơn 2 năm qua, chỉ riêng VietHarvest đã thu gom được gần 45 tấn thực phẩm chưa dùng đến, tương đương 90 nghìn bữa ăn cho những người được trợ giúp. Đơn vị này đã có kế hoặc mở thêm kho và bếp trung tâm ở TP Hồ Chí Minh để có thể thu nhận nhiều thực phẩm hơn và chế biến trước khi đem đi tặng các cơ sở bảo trợ xã hội.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước