Hôm nay (10/12) là Ngày Nhân quyền quốc tế. Để bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, Đảng và Nhà nước ta từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan điểm, đường lối, chủ trương và pháp luật về phát triển con người; tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển.
Hội thảo quốc tế "Giới thiệu Báo cáo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam về thực thi Công ước chống tra tấn" diễn ra cuối tháng 11 vừa qua, thể hiện cam kết của Việt Nam trong thực thi Công ước. Đây là một trong các minh chứng cho thấy Việt Nam tham gia, triển khai hiệu quả các công ước của Liên hợp quốc về quyền con người.
"Việt Nam đã phê chuẩn Công ước chống tra tấn vào năm 2015 và kể từ đó, Việt Nam đã tham gia rất tích cực vào công ước. Năm 2023, nhờ Quyết định 87 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã ban hành một kế hoạch hành động về thực hiện công ước. Tất cả những điều này đều rất tích cực và cho thấy cam kết của Việt Nam", bà Sabina Stein (Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam) nhận định.
Việt Nam nỗ lực đảm bảo quyền con người trên các lĩnh vực cụ thể. (Ảnh minh họa - Ảnh: ĐCS)
Việt Nam cũng đóng góp tích cực cho các cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc, đảm nhận vai trở thành viên Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025, đưa ra các sáng kiến quan trọng.
"Việt Nam nghiêm túc thực hiện các cam kết và nghĩa vụ quốc tế. Chúng ta đã bảo vệ thành công báo cáo quốc gia theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ IV, trong đó chấp thuận 271/320 khuyến nghị các nước. Đây là tỷ lệ chấp thuận cao nhất của Việt Nam trong 4 chu kỳ qua. Trong vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam ghi dấu ấn đậm nét qua thúc đẩy các sáng kiến, hành động cấp khu vực và toàn cầu, như ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, quyền phát triển bình đẳng", Trung tướng Đặng Xuân Hồng (Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ) cho biết.
Việt Nam cũng nỗ lực đảm bảo quyền con người trên các lĩnh vực cụ thể. Việt Nam được xếp trong nhóm các nước có chỉ số cao về phát triển con người. Các quyền dân sự, chính trị được quan tâm; tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí được đảm bảo; công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật, giáo dục về quyền con người được chú trọng.
"Chính phủ Việt Nam đang làm rất tốt về lĩnh vực tôn giáo. Kể từ năm 2001, đã có nhiều đạo luật được ban hành nhằm thúc đẩy tự do tôn giáo, bảo vệ các nhà thờ và tổ chức tôn giáo, không chỉ Cơ đốc giáo mà còn cả các tôn giáo khác như Phật giáo", Mục sư Bob Roberts (Chủ tịch Viện Liên kết Toàn cầu (IGE), Mỹ) đánh giá.
Những thành tựu trên đã minh chứng cho quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta xác định con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!