Vợ liệt sỹ xe tăng 377: Anh ra đi vì đất nước, máu thịt anh xin gửi lại non sông

Trần Hùng - Hải Minh - Vũ Hoàn-Thứ bảy, ngày 29/04/2023 10:57 GMT+7

VTV.vn - Khuôn mặt vợ liệt sỹ Nguyễn Nhân Triển lăn dài giọt nước mắt xúc động khi kể lại câu chuyện đời mình, phần vì ngại đối mặt lần nữa với nỗi đau đầy tự hào của mình.

Người phụ nữ tuổi ngoài 70 nhìn xa xăm, trầm ngâm đi quanh chiếc xe tăng T59 mang số hiệu 377 – vừa được công nhận bảo vật quốc gia… Cô, chắc hẳn là người có nhiều cảm xúc nhất với hiện vật lịch sử cực kỳ quý giá, hiện đang trưng bày tại huyện Đăk Tô này, bởi, chồng cô, là kíp trưởng của xe tăng – liệt sỹ Nguyễn Nhân Triển.

Người phụ nữ ấy tên là Nguyễn Thị Mạc – mà phải sau hơn 50 năm, tới cuối năm 2022, cô mới có lần đầu tới thăm chiếc xe tăng đã trở thành một phần máu thịt của người chồng đã khuất, mới có dịp thắp nén hương lên nấm mộ của người anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…

Giờ khi chiến tranh cũng đã lùi xa nửa thế kỷ… kể lại câu chuyện của mình, những giọt nước mắt vẫn lăn dài trên khuôn mặt cô Mạc, vì ký ức và có lẽ xen lẫn trong đó, là sự tự hào vì người chồng ra đi vì đất nước non sông, chẳng xá gì…

Vợ liệt sĩ Nguyễn Nhân Triển xúc động kể lại câu chuyện đời mình

Anh đi chẳng kịp nhắn gì

Được sự đồng ý của gia đình 2 bên, sau một thời gian dài tìm hiểu, vả lại, chẳng biết chuyến đi tiếp theo của người lính về phép sẽ kéo dài bao lâu, cô gái Nguyễn Thị Mạc kết hôn với chiến sỹ Nguyễn Nhân Triển vào tháng 8/1971. Đúng vào ngày đám cưới của đôi trẻ khi ấy, là đợt lũ lịch sử, nước trên các triền sông đều dâng cao trên mức "Báo động 3".

Đêm tân hôn còn đang dang dở thì nước đã dâng đến lưng người. Cho đến nay, cô gái đôi mươi năm ấy vẫn nhớ như in đám cưới "có một không hai" này. Và trận lũ vào đúng ngày đặc biệt đó khi nhớ lại, cô Mạc đồ rằng nó như dấu hiệu chẳng lành...

Khi nước rút hẳn, chiến sĩ Triển lên đường trả phép. Một thời gian sau, tiểu đoàn 297 của anh được điều động vào chiến trường Tây Nguyên. Và ngày 24/4/1972 là lịch sử.

Suốt quãng thời gian người lính xe tăng ra chiến trường là cũng từng đó thời gian cô gái Nguyễn Thị Mạc ngay ngáy chờ tin chồng. Từ lúc chồng trở lại đơn vị tham gia chiến đấu, cô Mạc chỉ nhận được một bức thư, rồi bặt vô âm tín.

Nhưng linh cảm của phụ nữ mách bảo rằng, dường như đã có chuyện chẳng lành xảy ra. Tới cuối năm 1972, cô nhận được 1 bức thư của đồng đội nói rằng đồng chí Nguyễn Nhân Triển đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là lúc những dòng nước mắt lăn dài vụn vỡ. 5 năm tiếp theo là quãng thời gian dài đằng đẵng với vợ người lính, trước khi cô nhận được giấy báo tử của liệt sỹ Nguyễn Nhân Triển…

Anh ngã xuống, máu thịt anh trở về thành một phần đất nước

Vợ liệt sỹ xe tăng 377: Anh ra đi vì đất nước, máu thịt anh xin gửi lại non sông - Ảnh 3.

Liệt sỹ Nguyễn Nhân Triển cùng các chiến hữu mãi nằm lại ở Đăk Tô - Tân Cảnh - nơi các anh đã hy sinh máu thịt mình để giành lại tấc đất của non sông.

Giống như cô, gia đình 3 liệt sỹ cùng kíp xe tăng là Hạ sĩ Cao Trần Vịnh-lái xe; Hạ sĩ Nguyễn Đắc Lượng và Hoàng Văn Ái - Pháo thủ - đều thống nhất rằng, sẽ không di dời phần mộ các liệt sỹ về lại quê hương. Vì vào cái ngày mà các anh ngã xuống, máu thịt các anh đã hòa vào xe tăng 377, trở thành một phần của mảnh đất Đăk Tô này.

Phải 50 năm sau khi liệt sỹ Nguyễn Nhân Triển và các đồng đội trong kíp xe tăng T59 377 hy sinh ở trận Đăk Tô – Tân Cảnh, cô Nguyễn Thị Mạc mới có lần đầu tiên tới thăm lại chiến trường mà chồng mình đã ngã xuống.

Nhưng người dân ở Đăk Tô đã luôn dành tình cảm quý mến cho người phụ nữ này ngay từ lần đầu gặp mặt. Những cô giáo đưa học sinh tới tham quan xe tăng 377, cũng nhanh chóng nhận ra cô Mạc, rồi mời cô chụp ảnh cùng cô trò, đồng thời không quên giới thiệu với các học sinh về chồng cô – Liệt sỹ Nguyễn Nhân Triển và các anh em của liệt sỹ, trong kỳ tích "1 chọi 7" đã đi vào lịch sử.

Cho đến nay, khi non sông đã nối liền một dải gần nửa thế kỷ, chúng ta thật khó để tưởng tượng nổi nỗi đau của những người vợ mất chồng trong chiến tranh. Nhưng, chúng ta không được phép lãng quên những người lính, đã mãi mãi đi về cõi bất tử, để đổi lại là hòa bình cho đất nước, cho non sông.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước