Xe tăng 377 – hình ảnh tiêu biểu cho chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh
Cận cảnh Xe tăng T59 377: Hình tượng bất tử trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên (1972) của Quân đội nhân đân Việt Nam.
Theo tài liệu lịch sử, đúng 4 giờ 30 phút ngày 24 tháng 4 năm 1972, quân ta nổ súng tiến công căn cứ Tân Cảnh. Sau khi diệt các lô cốt, hỏa điểm, xe tăng yểm hộ lẫn nhau, vượt qua các lớp rào thép gai, từ hướng Đông Bắc, Tây Bắc dùng hỏa lực chi viện, vượt lên dẫn dắt bộ binh xung phong tiêu diệt, đánh chiếm các mục tiêu bên trong căn cứ.
Trên hướng Tây Bắc, ngay từ loạt đạn đầu xe tăng 377 đã cùng với xe tăng 352 bắn sập khu tháp nước và đài quan sát. Tiếp sau đó, xe tăng 352 vượt lên cùng chiến sỹ bộ binh Đại đội 5, vượt qua sự kháng cự của địch, nhanh chóng đánh vào khu cố vẫn Mỹ, tiến sát sở chỉ huy dùng xích sắt chà xát nhiều ụ súng kháng cự rồi phát triển sang khu nhà lính Tiểu đoàn 4 ngụy, khu nhà sỹ quan. Xe tăng 377 như một mũi tên thép lướt qua các công sự, đoạn chiến hào, vật cản của địch, đánh vào sở chỉ huy Trung đoàn 42 ngụy. Xe tăng 369 tiến sau, dùng pháo bắn chi viện cho hai xe tăng 377 và xe tăng 352 chiến đấu, diệt 3 xe tăng địch ở khu thiết giáp.
Trên hướng Đông Bắc, Trung đội tăng 2 dùng hỏa lực tiêu diệt các hỏa điểm ở cửa mở, yểm trợ cho Trung đội tăng 1 xung phong. Máy bay địch bắn phá ngăn chặn trước cửa mở. Trận chiến đấu diễn ra hết sức ác liệt, ở bên trong địch chống cự quyết liệt. Các xe tăng của ta phát huy sức cơ động cao, hỏa lực mạnh chi viện, dẫn dắt bộ binh phát triển chiến đấu. Sau 3 giờ chiến đấu, về cơ bản quân địch trong căn cứ Tân Cảnh đã bị tiêu diệt.
Trong lúc địch hoang mang vì mất Tân Cảnh, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên chủ trương điều 1 trung đội xe tăng của Đại đội 7 và một xe cao xạ tự hành ZSU-57-2, nhận lệnh vận động theo đường 18 lên hiệp đồng với Trung đoàn 1, Sư đoàn bộ binh 2 tiêu diệt địch ở căn cứ Đăk Tô 2. Qua đài vô tuyến Đại đội trưởng xe tăng 7 giao nhiệm vụ cho Trung đội tăng 3 gồm 3 xe tăng với các số hiệu 377, 354, 369, phát triển tiến công. Mặc dù không có thời gian chuẩn bị nhưng Trung đội tăng 3 vẫn nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh, vừa tiến vừa quan sát nắm địch và địa hình, bắt liên lạc với bộ binh. Dù pháo binh và máy bay địch tấn công dữ dội, nhưng xe tăng 377 của Trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển dẫn đầu 2 xe tăng 354 và xe tăng 369 chạy với tốc độ cao, dũng cảm vượt qua các đợt đánh phá ngăn chặn ác liệt của máy bay địch đến căn cứ Đăk Tô 2 sớm nhất. Địch thấy chỉ có một chiếc xe tăng 377 đơn độc, liền điều động 10 xe tăng M41 chia hai mũi hợp vây xe tăng 377. Trong tình huống cấp bách, tập thể Kíp xe tăng 377 đã thống nhất "Một mình cũng quyết tiến công". Không hề nao núng, trưởng xe Nguyễn Nhân Triển và kíp xe bước vào trận chiến sinh tử "1 chọi 10".
Với quyết định táo bạo "đánh cảm tử", cuộc đấu tăng diễn ra vô cùng quyết liệt. Bình tĩnh, kiên quyết, linh hoạt và chính xác, Trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển liên tục ra mệnh lệnh chỉ huy lái xe Trần Quang Vịnh quần thảo tiến lui tránh tầm hỏa lực của địch cho pháo thủ Nguyễn Đắc Lượng và Hoàng Văn Ái ngắm bắn liên tiếp, tiêu diệt 7 xe tăng M41 của địch làm cho đội hình tăng của chúng rối loạn và mất khả năng chiến đấu.
Trận tiến công cụm phòng ngự của địch ở Đăk Tô - Tân Cảnh là trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Xuân - Hè 1972 trên chiến trường Tây Nguyên thể hiện sự linh hoạt táo bạo quyết đoán của người chỉ huy binh chủng hợp thành và người chỉ huy phân đội xe tăng. Mặc dù trận chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt và không có thời gian chuẩn bị nhưng Trung đội tăng 3 thuộc Đại đội tăng 7, đặc biệt là Kíp xe tăng 377 đã triệt để chấp hành mệnh lệnh, giữ vững ý chí quyết tâm, đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ, chiến đấu mưu trí, dũng cảm và khi phải đối đầu với 10 xe tăng địch vẫn không hề nao núng. Kíp xe tăng 377 đã nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, sáng tạo, quả cảm, tả xung hữu đột. Trong lúc chiến đấu, xe tăng 377 đã bị xe tăng của địch ở Nam sân bay Phượng Hoàng bắn trúng, lửa khói bốc lên trùm kín chiếc xe tăng và cả kíp xe đã anh dũng hy sinh.
Sự hy sinh anh dũng của Kíp xe tăng 377 đã góp phần to lớn và đặc biệt quan trọng vào chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh ngày 24/4 nói riêng và Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1972 nói chung. Do đó, câu chuyện về chiếc xe tăng 377 không chỉ dừng lại ở sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của 4 chiến sĩ nữa, mà rộng ra, là thể hiện tinh thần và ý chí của quân đội nhân dân Việt Nam, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, vì một nền hòa bình thịnh trị.
Chiến thắng rung chuyển "Vành đai thép" của địch tại Tây Nguyên
Chiến dịch Bắc Tây Nguyên là một trong ba Chiến dịch chủ yếu trong tiến công chiến lược năm 1972. Lần đầu tiên ba chiến dịch lớn được thực hiện cùng thời gian trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và cũng là lần đầu tiên ở Tây Nguyên đánh chiến dịch quy mô cấp Quân đoàn với sự xuất hiện của xe tăng hạng nặng. Thắng lợi của Chiến dịch đã góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường Tây Nguyên, góp phần vào thắng lợi chung trên chiến trường miền Nam cùng đánh bại tập kích B52 trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973).
Năm 1972, cùng với chiến trường Trị - Thiên và miền Nam, Tây Nguyên là hướng tiến công phối hợp trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên địa bàn 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai (Bắc Tây Nguyên). Chiến dịch tiến công Bắc Tây Nguyên là sự phối hợp chặt chẽ với Chiến dịch tiến công Trị - Thiên, hướng chính của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến trường miền Nam.
Để đối phó với ta trong Xuân - Hè 1972, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã phán đoán và chuẩn bị chống lại đòn tiến công chủ yếu của ta trên toàn Miền. Ở Bắc Tây Nguyên, chúng tăng cường lực lượng phòng giữ thị xã Kon Tum điều thêm Lữ đoàn 2 Dù thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược từ Sài Gòn ra lập tuyến phòng thủ mới ở dãy điểm cao Tây sông Pô Kô (Tây Bắc thị xã Kon Tum).
Đến cuối tháng 2 năm 1972, địch ở Bắc Tây Nguyên hình thành 3 cụm phòng ngự chủ yếu: Cụm Đăk Tô - Tân Cảnh có Sở Chỉ huy nhẹ của Sư đoàn 22 Bộ binh và các đơn vị: Trung đoàn 42, Trung đoàn 47, 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 41, Trung đoàn 14 Thiết giáp, 2 tiểu đoàn pháo binh và 2 tiểu đoàn bảo an. Cụm thị xã Kon Tum có Sư đoàn Dù (thiếu), 2 liên đoàn biệt động quân số 2 số 6 và các đơn vị binh khí kỹ thuật. Cụm thị xã Pleiku có Sư đoàn 23 Bộ binh.
Như vậy, với vị trí quan trọng về nhiều mặt, đế quốc Mỹ và quân đội Sài Gòn đã tập trung mọi lực lượng xây dựng vùng Bắc Kon Tum trở thành một khu vực phòng thủ kiên cố nhất ở phía Bắc Tây Nguyên, trong đó trung tâm là cụm phong ngự Đăk Tô – Tân Cảnh.
Trước những diễn biến mới của tình hình, ngày 23 tháng 3 năm 1972, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, nêu rõ: Với lực lượng bản thân, cùng lực lượng binh khí kỹ thuật được tăng cường tiêu diệt một bộ phận quan trọng chủ lực Quân đoàn 2 và lực lượng tổng dự bị của địch, giải phóng vùng Đăk Tô - Tân Cảnh, thị xã Kon Tum; khi có điều kiện phát triển xuống Pleiku, mở rộng vùng căn cứ Tây Gia Lai, Đăk Lăk hình thành một vùng căn cứ địa hoàn chỉnh, nối liền với căn cứ địa miền Đông Nam Bộ.
Căn cứ quyết tâm chiến lược của Trung ương, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định chọn khu vực Bắc Tây Nguyên bao gồm 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai với chiều dài hơn 100km để mở chiến dịch tiến công.
Thực hiện quyết tâm đề ra, từ ngày 19 đến ngày 23 tháng 4 năm 1972, quân ta tiến hành vây ép Tân Cảnh, tiêu diệt một số cứ điểm ngoại vị. Từ chiều tối 23 tháng 4, pháo chiến dịch bắn phá dữ dội vào trung tâm phòng ngự của địch, làm cho quân địch ở Tân Cảnh hoảng loạn.
Ngày 24 tháng 4 năm 1972 tại Tân Cảnh, sau khi pháo bắn chuẩn bị hỗ trợ tạo cửa mở, bộ binh và xe tăng phối hợp tiến công, nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm Sở chỉ huy tiền phương Sư đoàn 22 và Trung đoàn 42, khu cố vấn Mỹ. Sau 8 giờ tiến công quyết liệt, đến 11 giờ trưa ngày 24 tháng 4 năm 1972, ta làm chủ trận địa, diệt và bắt toàn bộ quân địch. Trên hướng Đăk Tô, 8 giờ ta nổ súng tiến công căn cứ Đăk Tô 2 (Tây Tân Cảnh 4km), do Trung đoàn 47 đóng giữ. Đến 10 giờ, ta làm chủ căn cứ, truy kích, đón lõng, diệt và bắt phần lớn quân địch, sau đó tiến công giải phóng quận lỵ Đăk Tô. Cụm phòng ngự Đăk Tô - Tân Cảnh, nơi được đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn mệnh danh là "Vành đai thép" ở Bắc Tây Nguyên bị tiêu diệt gọn.
Kíp xe tăng 377 hy sinh anh dũng quyết không lùi bước, góp phần đảm bảo chiến thắng cho trận chiến Đắk Tô - Tân Cảnh (1972).
Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh được coi là trận đánh tiêu biểu trong chiến thuật "đánh nhanh", "diệt gọn" của bộ đội ta. Chiến thắng này đã làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch ở Tây Nguyên. Cụm phòng ngự then chốt và vững chắc nhất trong hệ thống phòng thủ của Quân đội Sài Gòn ở Bắc Tây Nguyên bị đập tan.
Thắng lợi của quân ta trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1972, trong đó chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh ngày 24/4/1972 là trận đánh then chốt quyết định thắng lợi trên chiến trường Tây Nguyên, cùng với thắng lợi vang dội ở Trị - Thiên, Đông Nam Bộ và trận "Điện Biên Phủ trên không" trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng cuối năm 1972 có tác động trực tiếp tới cuộc đàm phán tại Hội nghị Pari. Những thắng lợi này đã tạo cục diện mới trên chiến trường miền Nam, đánh bại một bước quan trọng chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", giành ưu thế cho Việt Nam trên bàn hội nghị, buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27.01.1973).
Với thắng lợi này, dân tộc ta đã thực hiện được mục tiêu "đánh cho Mỹ cút", tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu "đánh cho ngụy nhào" và là tiền đề quan trọng để quân, dân ta tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!