Các chuyên gia tư vấn trong chương trình.
Thông tin trên vừa được chia sẻ tại chương trình Tư vấn trực tuyến "Điều trị vô sinh hiếm muộn do rối loạn nội tiết" do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp cùng Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức tối ngày 11/10/2023. Chương trình có sự tư vấn của các chuyên gia đến từ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BVĐK Tâm Anh Hà Nội (IVF Tâm Anh): BS.CKI Lê Đức Thắng, ThS.BSNT Lê Quang Đô; bác sĩ Bùi Thị Hạnh.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ vô sinh chiếm khoảng 6-12%, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm tỷ lệ cao nhất. Tại Việt Nam, cả nước có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh. Tình trạng này ngày càng trẻ hóa với khoảng 50% trường hợp xảy ra ở cặp vợ chồng dưới 30 tuổi. Vô sinh có thể do ảnh hưởng của các bệnh lý như ung thư, tim mạch, bất thường, dị tật ở các cơ quan sinh dục (polyp, u xơ tử cung, tắc ống dẫn trứng, tắc nghẽn ống sinh tinh…). Ngoài ra, rối loạn nội tiết cũng là nguyên nhân phổ biến.
Theo BS.CKI Lê Đức Thắng, hệ nội tiết bao gồm một chuỗi các cơ quan và các tuyến có tính kết nối, có nhiệm vụ sản xuất và bài tiết các hormone nội tiết, giúp kiểm soát và điều hòa quá trình trao đổi chất, chuyển hóa năng lượng, sinh sản. Khi cơ thể sản xuất quá nhiều hoặc quá ít hormone sẽ gây rối loạn nội tiết.
Nếu tình trạng này xảy ra ở trục nội tiết sinh sản sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và thụ thai. Cụ thể, ở nam giới, sự mất cân bằng hormone sẽ làm suy giảm khả năng sản xuất và chất lượng tinh trùng, gây viêm tinh hoàn, rối loạn cương dương, rối loạn sinh tinh (giảm sinh tinh, ngừng sinh tinh), yếu sinh lý, liệt dương... Ở nữ giới, tình trạng này làm gián đoạn quá trình sản xuất và rụng trứng, cản trở sự dày lên của niêm mạc tử cung, gây ra các vấn đề như viêm tử cung, lạc nội mạc tử cung, viêm buồng trứng… Từ đó, làm giảm khả năng thụ thai.
Trong khi tỷ lệ nam giới vô sinh do rối loạn nội tiết không quá nhiều thì ở nữ giới, đây là nguyên nhân thường gặp. Trong đó, rối loạn phóng noãn thuộc nhóm rối loạn nội tiết thường gặp nhất, chiếm khoảng 21-25% tổng số các nguyên nhân gây vô sinh nữ.
Thông thường, kể từ đầu chu kỳ kinh, sẽ có một nang noãn phát triển lớn dần lên ở buồng trứng. Đến giữa chu kỳ kinh, khi kích thước nang noãn đủ lớn, nếu hệ thống nội tiết hoạt động bình thường sẽ kích thích nang noãn trưởng thành, sau đó vỡ ra và giải phóng noãn (còn gọi là trứng), giúp noãn có cơ hội gặp tinh trùng để thụ tinh. Tuy nhiên, với những người bị rối loạn phóng noãn, quá trình này bị rối loạn, khiến khó thụ thai tự nhiên.
Theo BS.CKI Lê Đức Thắng, rối loạn phóng noãn thuộc nhóm rối loạn nội tiết thường gặp nhất gây vô sinh ở nữ giới.
Bệnh lý gây rối loạn phóng noãn phải kể đến hàng đầu là hội chứng buồng trứng đa nang. Ước tính cứ 100 người nữ vô sinh thì có khoảng 7 - 10 người mắc hội chứng này. Theo ThS.BSNT Lê Quang Đô, bệnh lý này không chỉ ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản mà còn liên quan đến nhiều rối loạn chuyển hóa khác như rối loạn chuyển hóa đường, mỡ, tăng nguy cơ tiểu đường, thừa cân, béo phì, mắc bệnh tim mạch và các biến chứng thai kỳ như sảy thai, thai lưu, đẻ non…
"Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang, ngoài điều trị hỗ trợ sinh sản, cần điều trị bệnh lý để tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe", bác sĩ Đô nhấn mạnh.
Tuy vậy, các triệu chứng rối loạn nội tiết thường diễn tiến âm thầm theo thời gian, có thể kín đáo, không bộc lộ triệu chứng điển hình, khó nhận biết. Hầu hết trường hợp được phát hiện muộn.
Theo bác sĩ Bùi Thị Hạnh, chẩn đoán các rối loạn nội tiết là một quá trình phức tạp, cần phối hợp giữa nhiều xét nghiệm máu định lượng nồng độ hormone, nước tiểu, các test động nội tiết cũng như hình ảnh học (siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ), các xét nghiệm gen - di truyền.
Việc điều trị tùy thuộc vào cơ chế bệnh sinh và tình trạng bệnh. Tại IVF Tâm Anh, điều trị hiếm muộn cho người bệnh bị rối loạn nội tiết được phối hợp chặt chẽ với bác sĩ chuyên khoa nội tiết, dinh dưỡng để có kết quả tốt nhất. Sau khi điều trị ổn định nội tiết, người bệnh có thể được chỉ định bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) hoặc thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) theo phác đồ cá thể hóa để sớm có con.
Trong chương trình, hàng ngàn khán giả đã gửi câu hỏi tới các chuyên gia nhờ tư vấn. Giải đáp thắc mắc của khán giả về tình trạng thừa cân, béo phì ảnh hưởng đến chức năng sinh sản như thế nào, bác sĩ Thắng giải thích, ở nam giới, thừa cân làm giảm mức độ testosterone, giảm khả năng sinh tinh và chất lượng tinh trùng, kéo theo sự suy giảm các đặc tính sinh dục nam như giảm ham muốn tình dục.
Nếu nữ giới thừa cân, chất lượng nang noãn giảm đi, nội mạc tử cung tiếp nhận phôi thai kém hơn. Khi mang thai, dù là tự nhiên hay nhờ các phương pháp hỗ trợ sinh sản, phụ nữ đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ như hỏng thai, sảy thai... trong 3 tháng đầu; tiền sản giật, tiểu đường, thai chậm tăng trưởng trong tử cung… khi thai lớn. Các cặp vợ chồng nên chú ý tối ưu cân nặng trước khi lên kế hoạch sinh con.
Đồng quan điểm, bác sĩ Đô cho rằng, khi kiểm soát tốt cân nặng, cơ hội thụ thai tăng lên. Ước tính chỉ cần phụ nữ giảm khoảng 5-10% kg cân nặng sẽ tăng tần suất phóng noãn, tăng khả năng có thai tự nhiên, giảm nguy cơ biến chứng thai kỳ như sảy thai, lưu thai, thai ngoài tử cung…
ThS.BSNT Lê Quang Đô khuyến cáo, phụ nữ có buồng trứng đa nang cần điều trị bệnh lý để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Một khán giả có tiền sử lưu thai nhiều lần, chỉ số E2 thấp (hormone hỗ trợ quá trình phát triển của trứng và niêm mạc tử cung), mong muốn được tư vấn giải pháp điều trị. Bác sĩ Hạnh cho rằng, tình trạng E2 thấp do nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn phụ nữ tiền mãn kinh, nữ giới trẻ tuổi nhưng suy sinh dục, hoặc có rối loạn nội tiết đơn thuần ở thời điểm làm xét nghiệm E2. Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân và mục đích của người bệnh. Thông thường, người có E2 thấp liên quan đến tiền mãn kinh, suy sinh dục kèm các triệu chứng bị ảnh hưởng do rối loạn nội tiết như mất ngủ, đau đầu hoặc các bệnh lý cơ xương khớp như loãng xương, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng hormone thay thế.
Với nhóm người có nhu cầu sinh con, người bệnh cần làm thêm các thăm dò sâu hơn để đánh giá tổng quan chức năng sinh sản ở cả vợ và chồng. Ở người vợ, nên đánh giá định lượng nội tiết vào ngày 2 hoặc ngày 3 chu kỳ kinh, thăm dò số lượng trứng, buồng tử cung, vòi tử cung… Người chồng cần thăm dò về tinh trùng, làm xét nghiệm cơ bản các bệnh lý nền có thể gặp, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp can thiệp phù hợp. Nếu có tiền sử hỏng thai nhiều lần, người bệnh cần làm thêm các xét nghiệm tìm nguyên nhân hỏng thai như xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ, xét nghiệm gen chuyên sâu.
Giải đáp thắc mắc người bệnh buồng trứng đa nang uống thuốc ra kinh có ảnh hưởng đến niêm mạc tử cung hay không, bác sĩ Thắng cho rằng, các tác dụng phụ của thuốc ít được ghi nhận. Để chuẩn bị niêm mạc, người bệnh cần đi khám vào ngày đầu kỳ kinh rồi bắt đầu dùng thuốc. Nhưng với người mắc hội chứng này, có thể vài tháng mới bắt đầu kỳ kinh. Để rút ngắn thời gian chờ đợi, người bệnh thường được chỉ định uống thuốc để ra kinh. Phương án dùng thuốc phụ thuộc và tính chất chu kỳ, ngày vòng kinh mà người bệnh thăm khám, độ dày niêm mạc tử cung tại thời điểm khám. Hiện có 2 nhóm thuốc là thuốc tránh thai tổng hợp, thường dùng khoảng 20 ngày, một loại thuốc khác dành cho người có niêm mạc dày, chỉ cần dùng trong 10 ngày.
Trả lời câu hỏi của khán giả 36 tuổi bị tiểu đường, có dự trữ buồng trứng thấp về việc có làm IVF được không, bác sĩ Hạnh cho rằng, người bệnh nên kiểm soát tốt đường huyết bằng cách tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ nội tiết, kết hợp cải thiện lối sống, chế độ ăn uống và vận động phù hợp trước khi làm IVF để tránh các nguy cơ biến chứng. Ở người có dự trữ buồng trứng thấp, bác sĩ sẽ thực hiện kích trứng sớm để tạo phôi tốt và đông phôi. "Dự trữ buồng trứng và chất lượng noãn sẽ giảm dần theo độ tuổi, người bệnh cần sẵn sàng chạy đua với thời gian để có được tỷ lệ thành công cao nhất", bác sĩ Hạnh khẳng định.
Bác sĩ Bùi Thị Hạnh tư vấn giải pháp điều trị hiếm muộn cho người bệnh tiểu đường.
Các chuyên gia cho rằng, một số bệnh lý rối loạn nội tiết có thể phòng ngừa được thông qua việc thay đổi thói quen ăn uống, lối sống lành mạnh. Các cặp vợ chồng hiếm muộn nên xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, khoa học; rèn luyện thể dục thể thao đều đặn để duy trì cân nặng hợp lý và giải tỏa căng thẳng; ngủ đủ giấc; không hút thuốc lá và uống rượu bia; kiểm soát các bệnh lý mạn tính (nếu có) để tăng cường sức khỏe, giữ cân bằng các hormone trong cơ thể, tăng cơ hội sinh con như ý.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!