Theo thống kê của Ban dân tộc tỉnh Bắc Kạn, năm 2022, cả tỉnh có 76 vụ tảo hôn. Tuy nhiên con số thực tế có thể cao hơn bởi nhiều em về chung sống với nhau mà không khai báo với chính quyền địa phương. Do kết hôn khi chưa đủ tuổi nên các em cũng không đăng ký kết hôn.
Ở một số địa phương khác như tỉnh Nghệ An, năm 2022 có gần 300 cặp tảo hôn. Lào Cai có gần 100 cặp, tuy nhiên, số phụ nữ sinh con khi chưa đủ 18 tuổi là hơn 600 người, hệ quả của tình trạng tảo hôn xảy ra từ một vài năm trước. Đắk Lắk năm 2021 gần 200 vụ. Quảng Bình có gần 70 trường hợp tảo hôn trong năm 2022.
Tuổi trung bình kết hôn trong các vụ tảo hôn là 17,5 với nam và 15,8 với nữ. Tây Nguyên là khu vực có tỷ lệ tảo hôn cao nhất, tiếp đến là trung du miền núi phía Bắc. Tất cả các vụ tảo hôn đều xảy ra ở các khu vực miền núi, khó khăn, các hộ nghèo, hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm 2015, Thủ tướng Chính phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng Dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025". Các mục tiêu cụ thể được đề ra, giảm bình quân 2% - 3%/năm số cặp tảo hôn. Đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Thực hiện đề án của Chính phủ, các địa phương đã triển khai nhiều chương trình tuyên truyền, giáo dục, phối hợp giữa gia đình, nhà trường, địa phương. Tỷ lệ tảo hôn được ghi nhận là có giảm dần qua các năm song để có thể xoá bỏ hoàn toàn thì vẫn còn là một chặng đường dài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!