Chi nhánh của công ty Thuận Trung Thông nằm ở tầng 2 của tòa nhà. Còn những người phụ nữ này làm nghề may trên tầng 4. Chỉ cách mấy bước chân là đến cửa doanh nghiệp nên họ có phần tự tin hơn người khác vì hàng ngày đều chứng kiến mọi hoạt động của công ty.
Phải đi vay nợ để đóng cọc tiền hàng, đó đều là tình cảnh chung của những nạn nhân ở đây. Vì ham lãi lớn nên khi app sập, công ty đóng cửa, ai cũng thành con nợ.
Mẹ đơn thân, mẹ bỉm sữa, người thất nghiệp, người cao tuổi, người mắc bệnh hiểm nghèo, họ chiếm phần đông trong số các nạn nhân của vụ lừa đảo việc làm làm gia công tại nhà.
Vốn làm công nhân nhưng vì bị ung thư giai đoạn cuối, không đủ sức khoẻ để làm việc, anh Vũ Văn Thường, nạn nhân của công ty Thuận Trung Thông tại Phú Thọ, đã xin nghỉ để lãnh hơn 40 triệu đồng tiền bảo hiểm xã hội 1 lần. Không chỉ đổ hết số tiền mình có để đặt hàng gia công, anh còn đi vay thêm hơn 150 triệu đồng để đầu tư vào lô hàng này.
Báo cáo của Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu mới đây cho thấy, trong năm qua có đến, 70% người Việt Nam phải đối mặt với các trò lừa đảo ít nhất 1 lần mỗi tháng. Và chỉ trong năm 2023, người dân đã bị lừa đảo từ 8.000 đến 10.000 tỷ đồng qua không gian mạng.
Nhưng đây mới chỉ là con số dựa trên những sự việc người dân đến trình báo cơ quan công an. Thực tế, số tiền thiệt hại của người dân và số vụ lừa đảo có thể còn cao hơn nhiều vì không ít nạn nhân đã chọn cách im lặng do tâm lý ngại ngùng, xấu hổ.
Những nạn nhân này đã phải trả một cái giá quá đắt để mang về cho mình những bài học. Và giờ đây khi họ dám phơi bày sự thật ra ánh sáng thì họ lại bị chỉ trích và làm ngơ.
Trong khi những người này đã phải trả một cái giá rất đắt để nhận về những bài học thì chúng ta lại đang được nhận nó một cách miễn phí.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!