Ngày 4/5, tại Hội nghị giao ban kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh này cho biết qua rà soát ban đầu, tại 2 phân xưởng của Công ty gỗ Bình Minh ở huyện Vĩnh Cửu có 296 người đang làm việc. Trong đó, phân xưởng nơi xảy ra tai nạn nổ lò hơi có khoảng 200 công nhân. Số còn lại đang làm việc ở phân xưởng khác cách phân xưởng nơi xảy ra vụ việc khoảng 2km.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, theo quy định, đối với các thiết bị như lò hơi phải trải qua các yêu cầu kiểm định rất nghiêm ngặt trước khi vận hành.
Cụ thể, doanh nghiệp phải khai báo, kiểm định và nộp hồ sơ cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trước khi đi vào hoạt động. Tuy nhiên, Công ty gỗ Bình Minh đã không thực hiện các quy định này.
Bà Hiền cũng cho biết thêm, qua báo cáo của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Vĩnh Cửu, Công ty gỗ Bình Minh chi nhánh tại huyện Vĩnh Cửu đi vào hoạt động vào cuối năm 2022. Trước thời điểm này, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Vĩnh Cửu có kiểm tra nhưng lúc này công ty đang ngưng hoạt động.
"Từ khi đi vào hoạt động vào cuối năm 2022 đến nay, ngành chức năng chưa kiểm tra chấp hành quy định về an toàn lao động lần nào", bà Hiền cho biết.
Hiện trường vụ nổ tại Công ty gỗ Bình Minh làm nhiều người thương vong.
Ngoài ra, hàng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai đều có văn bản gửi các địa phương đề nghị UBND các huyện, thành phố đề xuất các công ty có vấn đề để đưa vào danh sách kiểm tra. Điều này xuất phát từ thực tiễn với khoảng 41.000 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động, Sở không thể nắm hết được các công ty có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Do đó, đơn vị phải đề nghị các địa phương rà soát gửi danh sách cần thanh, kiểm tra và căn cứ vào đó để lập danh sách các doanh nghiệp cần thanh kiểm tra.
"Công ty gỗ Bình Minh chưa được UBND huyện Vĩnh Cửu đề xuất thanh, kiểm tra nên từ khi đi vào hoạt động cuối năm 2022 đến nay, doanh nghiệp nay chưa được thanh, kiểm tra", bà Hiền cho biết thêm.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Võ Tấn Đức.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Võ Tấn Đức cho biết, thời gian qua UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác an toàn lao động tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiều nơi còn lơ là, để xảy ra các vụ tai nạn lao động. Trong đó, mới đây nhất vụ nổ lò hơi nghiêm trọng tại Công ty gỗ Bình Minh.
Do đó, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức yêu cầu, các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh kiểm tra, siết chặt quy trình an toàn lao động trong sản xuất tại doanh nghiệp. Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của chủ doanh nghiệp và mỗi người lao động trong chấp hành các quy định về an toàn lao động.
"Các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh, kiểm tra, siết chặt quy trình an toàn lao động trong sản xuất, không để xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng tương tự như vụ nổ lò hơi ở Công ty gỗ Bình Minh vừa qua" - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức nhấn mạnh.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, đến nay, đơn vị đã tiến hành gửi tất cả các khoản hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn nổ lò hơi ở Công ty gỗ Bình Mình. Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh và các địa phương đã hỗ trợ, vận động hỗ trợ cho các nạn nhân số tiền 252 triệu đồng. Bước đầu, đối với các nạn nhân tử vong được hỗ trợ 27 triệu đồng/trường hợp. Các nạn nhân bị thương được hỗ trợ 18 triệu đồng/trường hợp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!