Sau sự việc đá ốp tòa nhà HH3.1, chung cư FLC Garden City rơi, vỡ khiến cháu bé 2 tuổi bị trấn thương khi đang di chuyển qua khu vực cửa ra vào sảnh phụ tòa nhà HH3.1 vào ngày 3/6. Ngay sau đó, chủ đầu tư tòa nhà HH3.1 Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc ALASKA đã tiến hành liên hệ và phối hợp với đơn vị quản lý tòa nhà, Ban quản trị xác định nguyên nhân của sự cố, và có biện pháp khẩn cấp khắc phục. Sau 1 ngày, vào sáng 4/6, nhà thầu đã tiến hành kiểm tra và tháo dỡ toàn bộ đá ốp tiềm ẩn nguy cơ rơi, hỏng tại sảnh phụ tòa nhà để sửa chữa, gia cố.
Chủ đầu tư tiến hành kiểm tra và tháo dỡ vào ngày 4/6.
Các phiến đá tiềm ẩn nguy cơ rơi, hỏng tại sảnh phụ tòa nhà đã được tháo dỡ để sửa chữa, gia cố.
Các sảnh ra vào được lắp giá che để ngăn ngừa nguy cơ.
Đến ngày 15/6, tức là thời điểm sau khi xảy ra vụ tai nạn 12 ngày, theo khảo sát của phóng viên Thời báo VTV, chủ đầu tư đã tháo dỡ một phần đá có nguy cơ rơi, vỡ cao và lắp các giá che tại vị trí sảnh ra vào để ngăn ngừa nguy cơ. Mặc dù vậy cư dân sinh sống tại tòa HH3.1 chung cư FLC Garden City cho biết, họ vẫn vẫn cảm thấy có phần "e ngại" về độ an toàn của những phiến đá còn lại.
Bà H.T.N cư dân sinh sống tại tòa HH2 FLC Garden City chia sẻ: "Thực sự cư dân chúng tôi vẫn chưa cảm thấy yên tâm về mức độ an toàn của những phiến đá ốp chung cư FLC Garden City, chủ đầu tư mới chỉ tháo dỡ một phần nhỏ những phiến đá có nguy cơ rơi vỡ cao. Hàng ngày vẫn có rất nhiều cư dân đi lại qua khu vực cảnh báo nguy hiểm, chúng tôi không thể biết chắc được những phiến đá kia có còn rơi xuống nữa hay không. Cư dân cũng đã có ý kiến, đề xuất lên Ban quản trị và Chủ đầu tư, yêu cầu Chủ đầu tư khắc phục tạm thời bằng việc xây dựng các mái che cho khu vực đường đi xung quanh tòa nhà, để đề phòng trường hợp các phiến đá khác có thể rơi xuống trúng người dân đi lại".
Cư dân tòa HH3.1 hàng ngày vẫn đi lại qua khu vực nguy hiểm được cảnh báo đá có thể rơi.
Chủ đầu tư tháo dỡ những phiến đá có nguy cơ rơi, vỡ cao, các phiến đá còn lại vẫn giữ nguyên hiện trạng.
Cư dân đã có ý kiến đề xuất lên Ban quản trị và Chủ đầu tư, yêu cầu chủ đầu tư khắc phục tạm thời bằng việc xây dựng các mái che cho khu vực đường đi xung quanh tòa nhà, để đề phòng trường hợp các phiến đá khác có thể rơi xuống trúng người dân đi lại.
Đá ở khu vực sảnh tòa HH2 chung cư FLC Garden City cũng được tháo dỡ 1 phần.
Đề xuất của chuyên gia
Về vấn đề này phóng viên Thời báo VTV đã có cuộc trao đổi với KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội. KTS Trần Huy Ánh cho rằng, nên tháo dỡ hết đá ốp bên ngoài tòa chung cư FLC Garden City để đảm bảo an toàn cho người dân.
KTS Trần Huy Ánh cho biết, thi công đá ốp mặt ngoài cho các công trình là một trong những phương pháp phổ biến trong xây dựng. Tuy nhiên, đây là một hạng mục thi công khó, đòi hỏi những kiến thức và kinh nghiệm phong phú của đơn vị thi công. Tình trạng đá ốp lát mặt ngoài của các công trình bị bong tróc, rơi rớt không phải là điều hiếm thấy, điều này không chỉ gây mất mỹ quan nghiêm trọng, tốn kém các chi phí sửa chữa, mà còn vô cùng nguy hiểm cho người đi bên dưới.
KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội.
Đối với chung cư FLC Garden City, việc đá rơi, vỡ sẽ vô cùng nguy hiểm cho cư dân sinh sống tại đây. Theo ý kiến của KTS Trần Huy Ánh, khi 1 viên đá rơi ra thì tất cả các viên đá còn lại cũng có thể có khả năng bị rơi ra khỏi tòa nhà. Bởi vì tất cả các viên đá đều được ốp cùng 1 công nghệ, một cách làm. Sau khi có hiện tượng đá rơi, vỡ cần phải kiểm tra lại toàn bộ các phiến đá ốp trên tòa nhà, để xác định xem các phiến đá này có thực sự đảm bảo an toàn hay không.
Phiến đá ốp, tường bê tông và chất kết dính là các vật liệu có hệ thống co dãn nhiệt khác nhau vì thế nếu chỉ dùng chất kết dính thì qua thời gian sử dụng, phơi mưa, phơi nắng thì khả năng kết dính sẽ ngày càng kém đi khiến cho các phiến đá có thể bị tách ra và rơi xuống.
Hầu hết bây giờ việc thi công đá ốp mặt ngoài công trình ngoài việc dùng chất kết dính, phải có Neo (còn gọi là Bật hay Chốt) kim loại không rỉ, đây là chi tiết hết sức quan trọng để giữ phiến đá liên kết với tường bê tông. Hiện tại, có các biện pháp ốp bằng QB-QC (Dùng chi tiết nở QB và chi tiết liên kết QC) hoặc biện pháp ốp bằng ke móc để đảm bảo độ bền và độ an toàn khi đưa công trình vào sử dụng. KTS Trần Huy Ánh cho biết thêm.
Phương pháp ốp lát đá mặt dựng sử dụng các Neo để giữ phiến đá liên kết với tường bê tông.(Ảnh nhân vật cung cấp)
Chủ đầu tư phải tiến hành đồng bộ các giải pháp
Trao đổi với đại diện của Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc ALASKA, phía Công ty ALASKA cho biết, đối với sự cố trên, chắc chắn phải tiến hành đồng bộ các giải pháp.
Về giải pháp khẩn cấp, ngay trong sáng ngày 4/6, tức chỉ 1 ngày sau sự cố, chủ đầu tư đã cho đơn vị tiến hành kiểm tra và tháo dỡ toàn bộ đá ốp tiềm ẩn nguy cơ rơi, hỏng tại sảnh phụ tòa nhà; dựng rào chắn cảnh báo nguy cơ đối với sảnh phụ nơi xảy ra sự cố; lắp giá che tại các sảnh ra vào khác của tòa nhà để ngăn ngừa nguy cơ.
Về giải pháp lâu dài, sau khi hội nghị nhà chung cư và thành lập Ban quản trị từ tháng 9/2023. Kể từ đó đến nay, Chủ đầu tư cũng đã bàn giao công tác quản lý, vận hành tòa nhà cho Ban quản trị. Do đó, về lâu dài, để thực hiện việc khắc phục đồng bộ đã ốp xung quanh tòa nhà sẽ cần sự đánh giá, thẩm định của các bên liên quan về hiện trạng và sự đồng thuận, phối hợp của Ban quản trị cùng cư dân tòa nhà.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!