Vụ rơi máy bay ở Quảng Nam: Phi công cầm lái đến những giây cuối để giảm thiệt hại

VTV Digital-Thứ năm, ngày 11/01/2024 19:54 GMT+7

VTV.vn - Để giảm thiểu tối đa thiệt hại mặt đất, phi công đã chấp nhận cầm lái máy bay đến những giây cuối cùng, tự đưa mình vào tình huống nguy hiểm.

Trong thuật ngữ xử lý bất trắc của phi công chiến đấu có cụm từ "nhảy dù thành công" đó là biểu hiện cho sự an toàn cho cả phi công và mặt đất.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ngày 9/1, phi công và ê-kíp chỉ huy bay của Trung đoàn 929 đã nỗ lực hết sức để không xảy ra bất cứ thiệt hại nào về người, giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản của nhân dân, cho dù đó là thời điểm máy bay đang gặp phải sự cố kỹ thuật vô cùng nghiêm trọng.

Phóng viên Chuyển động 24h đã có mặt tại Trung đoàn Không quân 929 để ghi lại câu chuyện này sau 2 ngày xảy ra sự cố.

Vụ rơi máy bay ở Quảng Nam: Phi công cầm lái đến những giây cuối để giảm thiệt hại - Ảnh 1.

Đại úy Đỗ Tiến Đức kể lại giây phút thoát hiểm với phóng viên VTV

11h04 ngày 9/1, máy bay cường kích bom Su 22M4 do phi công Đỗ Tiến Đức điều khiển, dẫn đầu biên đội cất cánh từ sân bay Đà Nẵng để thực hiện chương trình huấn luyện công kích mục tiêu mặt đất. Hoàn thành nhiệm vụ, Đại úy Tiến vòng về sân bay hạ cánh, tuy nhiên khi cách sân bay 26km, vòng quay động cơ bị treo ở 70% - tương đương với chế độ làm việc nhỏ nhất của máy bay.

Dù phi công hết sức cố gắng thực hiện mọi thao tác để hồi phục trạng thái máy bay, tuy nhiên tốc độ và độ cao của chiếc Su 22M4 vẫn giảm rất nhanh.

Đồng hành cùng với mọi diễn biến trên không, tại Sở chỉ huy K5 các thông tin đối không nhanh chóng được chỉ huy bay đưa ra kịp thời, vừa giúp phi công bình tĩnh ứng phó với tình huống nguy hiểm, vừa điều động các lực lượng, phương tiện mặt đất triển khai phương án tìm kiếm cứu hộ.

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, thiệt hại vật chất ở hiện trường là ở mức rất nhỏ so với quy mô của 1 vụ tai nạn máy bay Su 22. Trong khi đó, dữ liệu giải mã hộp đen cho thấy tại thời điểm phi công nhảy dù, tốc độ máy bay chỉ còn 307km/h và độ cao là 272m đây là những tham số vô cùng nguy hiểm đối với trạng thái bay của 1 chiếc cường kích bom nặng gần 20 tấn.

Để giảm thiểu tối đa thiệt hại mặt đất, phi công đã chấp nhận cầm lái máy bay đến những giây cuối cùng, tự đưa mình vào tình huống nguy hiểm, ngay cả khi đã phóng ghế nhảy dù.

Vụ rơi máy bay ở Quảng Nam: Phi công cầm lái đến những giây cuối để giảm thiệt hại - Ảnh 2.

Phi công cầm lái đến những giây cuối cùng trước khi phóng ghế nhảy dù để giảm thiểu tối đa thiệt hại mặt đất

Vụ rơi máy bay ở Quảng Nam: Phi công cầm lái đến những giây cuối để giảm thiệt hại - Ảnh 3.

Hiện trường vụ rơi máy bay

Giống như các loại máy bay tiêm kích, cường kích khác, Su 22 M4 cũng được trang bị ghế phóng thoát hiểm, khi gặp tình huống nguy hiểm thì phi công giật mạnh 2 tay nắm. Ngay lập tức 1 khối thuốc phóng bên dưới sẽ đẩy phi công cùng ghế lái bắn ra khỏi buồng lái máy bay. Áp lực tác động lên phi công lúc này lên tới 21G, tức là hơn 1,6 tấn. Chính vì vậy phi công phải có sức khỏe, sự dẻo dai bền bỉ cũng như lựa chọn thời điểm phóng chính xác nhất để vừa giữ an toàn cho tính mạng bản thân, vừa tránh thiệt hại mặt đất.

Khác với các phương tiện giao thông khác, khi hỏng hóc có thể tạm dừng để sửa chữa. Máy bay chiến đấu có đến hàng nghìn chi tiết, linh kiện điện tử vô cùng phức tạp, chỉ 1 chi tiết nhỏ hư hỏng trong khi bay cũng dễ dẫn đến tai nạn nghiêm trọng.

Dù mỗi chiếc máy bay đều là tài sản vô cùng quý giá, tuy nhiên công tác huấn luyện xử lý tình huống khẩn nguy của lực lượng không quân đã cho thấy bản lĩnh của những người lính canh trời khi cố gắng bảo vệ sự bình yên của nhân dân cho đến những giây phút cuối cùng của nhiệm vụ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước